Muôn kiểu trốn vé xe buýt của sinh viên và cách hành xử văn minh của người phụ xe

Dù giá vé xe buýt chỉ 7.000 đồng/lượt nhưng không ít sinh viên vẫn cố tình trốn vé. Hậu quả là những người phụ xe vốn làm việc rất vất vả, lương thấp nhưng có khả năng bị phạt rất nặng, ảnh huởng rất lớn đến cuộc sống của họ.

Xe buýt lâu nay vẫn luôn được xem là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi. Mỗi ngày, có hàng nghìn người lựa chọn di chuyển bằng loại xe này, đặc biệt là sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội. Vì thế, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm.

Vì có quá nhiều người trên một chiếc xe và các bến đỗ chỉ cách nhau chưa đầy 1km nên nhiều lúc phụ xe không thể soát vé kịp và một số người chỉ trực cơ hội này để "trốn vé". Dù giá vé hiện nay chỉ ở mức 7.000 đồng/lượt nhưng nhiều phụ xe cho biết, chỉ cần họ lơ là, rất nhiều hành khách sẵn sàng lờ đi, không chịu mua.

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 1.

Điểm chờ xe buýt đông kín khách lúc giờ cao điểm.

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 2.

Xe buýt - một trong những phương tiện công cộng được rất nhiều người tin dùng, nhất là học sinh, sinh viên.

Một vé tháng, 4 sinh viên thay nhau dùng

Anh Đoàn Văn Duy (lái xe tuyến 32, bến xe Giáp Bát - Nhổn) cho biết, đối tượng trốn vé chủ yếu là sinh viên. "Bây giờ nạn trốn vé giảm hơn trước rất nhiều nhưng mỗi tháng, trên chuyến xe tôi làm việc vẫn có khoảng 3-4 trường hợp".

Theo anh Duy, sinh viên có rất nhiều cách đi trốn vé như lợi dụng lúc xe đông khách, "chui" xuống cuối xe hoặc chen vào đám đông khiến phụ xe không để ý. Ngoài ra, sinh viên hay dùng vé tháng và họ thường "đi lậu" những ngày đầu tháng khi chưa kịp mua tem vé mới.

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 3.

Anh Khánh - phụ xe số 55 - Lương Yên - Bưởi - Cầu Giấy khẳng định, đối tượng đi lậu vé chủ yếu là sinh viên.

Trong khi đó, anh Lê Quang Khánh (phụ xe số 55 - Lương Yên - Bưởi - Cầu Giấy) cho biết, rất nhiều sinh viên thường đi lậu vé bằng cách mượn vé tháng của bạn bè. Có nhiều người còn dán chồng ảnh của mình lên thẻ vé tháng xe buýt của bạn rồi khi xuống xe thì bóc ảnh đó ra, lần sau lại tiếp tục đi xe buýt miễn phí như thế.

"Có nhiều bạn khi bị phụ xe bắt được còn thú nhận là đã đi như thế cả mấy tháng. Một thẻ vé tháng mà dùng chung cho những 3-4 người", anh Khánh nói thêm.

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 4.

Anh Đoàn Văn Duy (lái xe tuyến 32, bến xe Giáp Bát - Nhổn) 

Cá biệt, anh Khánh cho hay, không ít trường hợp sinh viên còn tự chế tem giả chỉ để đi "lậu" vé xe buýt. "Tem giả nhìn rất giống tem vé thật nhưng không đẹp bằng. Tuy nhiên, lúc đông khách, phụ xe không để ý nên các bạn ấy vẫn đi trót lọt".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 5.

Anh Khương, phụ xe số 09.

Ngoài ra, theo anh Trần Tiến Khương, phụ xe buýt số 09 (Cầu Giấy - Bờ Hồ), sinh viên còn "lậu vé" bằng cách dùng vé lượt của ngày hôm trước để đi cho các chuyến tiếp theo. "Ví dụ bạn ấy hay đi xe 55, thì bạn ấy chỉ mua 2 vé lượt đi và lượt về cho ngày hôm nay và ngày mai, ngày kia, cứ thế lôi vé cũ ra dùng. Gặp lúc xe đông khách, phụ xe cũng không để ý hết được".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 6.

Nhiều sinh viên mua một cặp vé lượt dùng một lần để gian lận cho những chuyến đi tiếp theo.

Sinh viên gian lận, phụ xe chịu thiệt

Theo anh Khánh, dù giá trị của một tấm vé xe buýt rất rẻ, chỉ 7.000 đồng thôi nhưng nếu thanh tra phát hiện người bán vé để sót khách hoặc lơ là, không kiểm tra kỹ các trường hợp dùng vé "rởm", họ có thể bị phạt từ 30% đến 50% tháng lương.

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 7.

Anh Khánh chia sẻ, bản thân anh từng bị phạt rất nặng vì không kiểm tra kĩ vé tháng của hành khách.

Anh Khánh kể lại, trước đây từng có trường hợp khách lên xe dùng vé tháng "rởm" mượn của bạn. Vì quá đông khách nên anh không để ý kỹ. "Nhưng đến khi thanh tra rà soát lại thì bạn này lại không dám lôi "vé rởm" ra mà đổ lỗi cho tôi là đã bán mà không xé vé cho cậu ấy. Trong khi đó, tôi nhớ là mình không hề làm vậy".

Kết quả là anh Khánh bị phạt 50% lương và bị khiển trách, bị không ít đồng nghiệp hiểu lầm là cố tình gian lận tiền vé của công ty. "Những trường hợp như thế khiến tôi rất buồn, nhất là khi đối tượng trốn vé hầu hết lại là các bạn sinh viên, tầng lớp trí thức trong xã hội".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 8.

Anh Vũ Văn Trường (lá xe buýt số 55).

Tương tự, anh Vũ Văn Trường (lá xe buýt số 55) cho hay, nhiều trường hợp sinh viên thản nhiên "trốn vé" khi đi xe buýt và nghĩ đó là hành vi không gây hậu quả gì nghiêm trọng. "Tuy nhiên, nếu bị phát hiện, các bạn sinh viên thì không sao nhưng cánh phụ xe có thể bị phạt nặng, bị khiển trách và nhất là sẽ bị chậm nâng lương, ít nhất là trong vòng 6 tháng không được xét khen thưởng, nâng bậc lương".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 9.

Khi xe vắng, việc soát vé rất đơn giản nhưng những lúc đông chen chúc, một mình phụ xe rất khó để ý hết từng người, nhất là khi các bến đỗ cách nhau rất gần.

Anh Trường cho hay, trên chuyến xe anh làm việc, từng có trường hợp sinh viên dùng tem vé giả. "Khi bị phát hiện, bạn ấy mới khai rằng đã đi trót lọt suốt mấy tháng nay. Vậy là phụ xe toàn tuyến bị nhắc nhở, riêng anh phụ xe trên tuyến đó đã bị phạt 30% lương".

Anh Khánh cho hay, dù làm việc rất vất vả nhưng đồng lương của cánh phụ xe lại rất thấp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. "Vì thế, nếu bị phạt 30-50% lương, tháng đó chúng tôi gần như đi làm mất công, không đủ tiền nuôi vợ, con. Chuyện đi lậu vé tưởng đơn giản nhưng thực sự là ác mộng với chúng tôi".

"Cháu nói với chú sự thật và chú sẽ cho cháu 5.000 đồng đi xe buýt!"

Làm việc hơn 10 năm trên nhiều tuyến xe, chuyện gặp khách đi lậu vé với anh Khánh không phải là điều gì đó quá mới lạ. Theo anh, sinh viên đi lậu vé chủ yếu là do ý thức chưa tốt. "Một số bạn thản nhiên đi lậu vé xe vì nghĩ như thế là bình thường, không gây hậu quả gì, số khác lại nghĩ rằng lậu được ngày nào hay ngày ấy, thích tiết kiệm vặt".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 10.

Nguyễn Thị Thảo (sinh viên trường ĐH Ngoại thương).

Nói về vấn đề này, bạn Nguyễn Thị Thảo (sinh viên trường ĐH Ngoại thương) tâm sự: "Cũng đôi lúc có bạn ở cùng khu trọ mượn mình vé tháng để đi lại nhưng mình đã từ chối. Các bạn ấy thường lấy lý do là không bao giờ đi xe buýt, chỉ đi 1-2 lần với khoảng cách ngắn nên không muốn mất tiền. Một số bạn thì lấy lý do hết tháng nhưng chưa có tiền mua tem mới. Mình thấy rất lạ vì vé xe buýt chỉ có 7.000 đồng. Chẳng lẽ con số đó các bạn ấy cũng không có nữa sao".

Tương tự, bạn Phương (sinh viên ĐH Giao thông vận tải) cho biết: "Mình cũng từng thấy có bạn đi lậu vé xe buýt. Đến khi bị phụ xe nhắc nhở mới chịu mua vé lượt. Như thế là bạn ấy không phải không có tiền mà tất cả là do ý thức kém".

Theo Phương, ngoài lý do tiết kiệm "không phải lối", nhiều sinh viên thường thích đi trốn vé để tìm "cảm giác lạ". "Nó giống như cái cảm giác được đi miễn phí, dùng hàng chùa hoặc ăn trộm được cái gì. Không ít bạn còn lên mạng khoe chiến tích đi lậu vé được mấy tháng và tự cho như thế là thông minh".

1.001 chiêu sinh viên trốn vé xe buýt và cách hành xử văn minh của người phụ xe - Ảnh 11.

Bạn Phương - sinh viên ĐH Giao thông vận tải.

Nhắc đến chuyện đi lậu vé, anh Khương kể lại, trước đây vài năm, khi còn làm phụ xe số 14 (Bờ Hồ - Cổ Nhuế), có một cậu sinh viên đi lậu vé tháng. "Cậu ấy nói nếu đi lậu chuyến này, cậu ấy sẽ có đủ tiền mua vé xe về quê. Ngày ấy giá vé tôi nhớ chỉ có 5.000 đồng".

Đứng nói chuyện với bạn nam kia một lát, anh Khương biết được gia cảnh vô cùng khó khăn của cậu ta. "Lúc ấy tôi bảo với bạn nam kia là lần sau đừng làm như thế. Cháu có thể nói với chú sự thật và chú sẽ cho cháu 5.000 đồng để cháu đi xe buýt".

Anh Khương cho rằng, nếu thực sự không đủ tiền đi xe buýt khi có việc gấp, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể nói thẳng với phụ xe và họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. "Người xưa có câu "đói cho sạch, rách cho thơm". Nếu không có tiền thì cứ đường đường chính chính nói ra, đừng có kiểu khom lưng trốn vé, vừa thể hiện sự không trung thực lại còn gây ảnh hưởng không tốt cho người khác".

Theo anh, những trường hợp sinh viên không có đủ tiền đi xe buýt như bạn nam kia rất ít. "5.000-7.000 đồng với sinh viên đủ mua 2 gói mì tôm ăn một bữa. Tính ra cũng không rẻ nhưng tôi biết, trường hợp khó khăn thực sự ít lắm. Cái chính vẫn là ý thức mỗi người".

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội -Xí nghiệp Xe điện Hà Nội cho biết, trước đây, tình trạng sinh viên đi trốn vé xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều hình thức thanh tra, kiểm tra, tình trạng này đã và đang giảm bớt rõ rệt.

"Chúng tôi có cách kiểm tra công khai và bí mật. Đội kiểm tra bí mật thường là do thanh tra mặc thường phục và rà soát ngẫu nhiên trên các tuyến xe bất kỳ".

Theo người đại diện này, theo quy định mới của công ty, phụ xe nào để sót khách hoặc không kiểm tra kỹ vé tháng có thể bị phạt ít nhất từ 200.000 đồng trở lên, bị khiển trách và trong vòng 6 tháng không được xem xét nâng bậc lương, khen thưởng.

Theo Kênh 14/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất