Người dân tộc H'Mông bị 'gạ' chơi tiền ảo: 'Cứ lên nương là có tiền'

Nhiều người nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng điều kẻ lừa đảo nói là đúng và cho rằng tiền sinh lời xuất phát từ mỗi bước chân họ đi rẫy.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, ngày 4/10/2021 vừa qua, thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, đã có kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ một bộ phận người Mông trên địa bàn huyện vùng cao Mường Lát tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp liên quan nước ngoài.

Trước đó, kể từ năm 2019, một số người dân tộc Mông (chủ yếu là các cặp vợ chồng) ở các bản Pha Đén, bản Pá Búa, xã Trung Lý, Tam Chung, Thanh Hóa bị kẻ xấu lừa đảo, lôi kéo vào các mô hình đầu tư tiền ảo

Đánh vào tâm lý ham làm giàu của người dân, nhóm đối tượng lừa đảo hứa hẹn người dân không cần làm gì cả, chỉ cần hàng ngày đi lên nương rẫy tự khắc sẽ có tiền, thậm chí là lãi cao, sinh lời nhanh. 

Nhiều người nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng những gì chúng nói là đúng và cho rằng tiền sinh lời xuất phát từ những bước chân lên nương rẫy của chính mình. 

Bên cạnh đó, để lôi kéo nhiều người vào trong mô hình "ảo", những người đứng đầu đã khuyến khích người dân "mời gọi" thêm người mới để được hưởng hoa hồng khoảng 3-5%/người. 

Thấy hoa hồng cao, họ bắt đầu rủ rê thêm anh, chị, em họ hàng, bạn bè cùng tham gia với hi vọng "cùng nhau giàu". 

Người dân tộc HMông bị gạ chơi tiền ảo: Cứ lên nương là có tiền-1
Bản Suối Phái, xã Tam Chung, nơi "cơn lốc" tiền ảo, đa cấp vừa tràn qua.

Ngoài ra, mỗi người khi tham gia đầu tư tiền ảo đều bị thu phí hàng trăm USD. Tuy nhiên, để người dân "ngoan ngoãn" đóng phí, chúng nói với mức phí đóng khởi đầu như thế, người chơi sẽ nhận được tài khoản tăng gấp 33 lần.

Được biết, ngoài tiền ảo TRON, nhiều người dân tộc Mông tại Mường Lát còn bị lôi kéo vào một dự án khác có tên Vitae.

Ghi nhận của báo Thanh Tra, mỗi người tham gia Vitae đóng từ 5-6 triệu đồng với lời hứa được trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận của Công ty Vitae và khi giới thiệu người mới tham gia, đến cuối năm 2021 mỗi người sẽ được nhận tổng số tiền từ 100 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên sau khi tham gia một thời gian, một số đối tượng tuyên truyền đến từ tỉnh Điện Biên tuyên bố công ty Vitae phá sản nên những người tham gia bị mất số tiền đã nộp, gây tâm lý mâu thuẫn giữa những người tham gia vì người trước lôi kéo người sau. 

Người dân tộc HMông bị gạ chơi tiền ảo: Cứ lên nương là có tiền-2
Phần lớn người "sập bẫy" đầu tư tiền ảo là phụ nữ

Chia sẻ trên báo Lào Cai, bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết, bắt đầu từ bản Suối Phái, xã Tam Chung rồi đến xã Pù Nhi, bản Suối Lóng, họ truyền tai nhau về mức độ sinh lời của đồng tiền ảo TRON (TRX) cao chót vót.

"Có người nào đó đứng ra tuyên truyền, lôi kéo là nộp vào 1-2 triệu thì những tháng đầu tiên được tiền lãi. Sau đó xã chỉ đạo lực lượng chức năng tuyên truyền và đến thời điểm này đã dừng lại", bà Thiết nói. 

Được biết, trong số những người bị "sập bẫy" số lượng lớn là phụ nữ. 

Bên cạnh tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh, công an tiếp nhận hơn 30 đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ảo.

Câu chuyện về đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp đã diễn ra âm thầm từ nhiều năm nay với nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều đáng nói là loại tội phạm này đã len lỏi đến tận các bản làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy. 

Chia sẻ với VOV, chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar nhận định: "Những hình thức lừa đảo chỉ thực hiện được 1,2 lần tại một địa phương.

Hết địa phương này, nó sẽ chuyển sang địa điểm khác. Bản chất do người dân chưa có kinh nghiệm để đối phó với những thông tin đó và cũng chưa có kiến thức về tiền ảo".

HT (t/h)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/nguoi-dan-toc-hmong-bi-ga-dau-tu-tien-ao-n-283700.html

tiền ảo lừa đảo

Tin tức mới nhất