'Người vận chuyển' chân dài và những cuộc tranh giành địa bàn khốc liệt

Hơn 3 lần nằm viện vì những “tai nạn nghề nghiệp”, anh Lê Văn Mùi (quê Thường Tín - Hà Nội) vẫn bám trụ với nghề xe ôm. Anh bảo, đó là công việc tốt nhất anh có thể làm để đem lại thu nhập nuôi sống gia đình mình.

Biết anh Mùi làm nghề xe ôm, lại là người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với những cô gái trong nghề “bán phấn buôn hương”, chúng tôi liên lục liên lạc với anh để được trò chuyện và tìm hiểu về những khó khăn, vất vả trong công việc anh đang làm.

Tuy nhiên, hẹn gặp anh Mùi không hề dễ. Anh luôn bận rộn với những kế hoạch mưu sinh. Thêm vào đó, một lý do khiến anh luôn từ chối cuộc trò chuyện với chúng tôi đó là: “công việc anh làm nhiều nhạy cảm lắm”.


Ảnh có tính chất minh họa


Đến khi bị chúng tôi thuyết phục anh mới dành ít thời gian buổi trưa của mình để trò chuyện. Anh bảo, anh quê ở Thường Tín - Hà Nội. Nhà anh nghèo, bố mẹ chỉ là nông dân nhưng lại có đến 4 người con. Anh chỉ được học hết lớp 9 đã phải nghỉ học để theo nghề phụ hồ.

Làm phụ hồ được 5 năm, dành dụm được ít tiền, anh bắt đầu lên Hà Nội, cùng một nhóm bạn mở cửa hàng cầm đồ. Cửa hàng ban đầu khá đông khách. Thế nhưng, làm ăn với nhau được hơn hai năm thì một người bạn trong nhóm phản bội. Cậu ta gom toàn bộ tài sản của anh em rồi bỏ trốn.

Lúc này, anh Mùi đã có vợ và vợ anh đang mang thai. Vì thế, không còn cách mưu sinh nào khác, anh vác xe máy - tài sản duy nhất của mình ra đường để làm xe ôm. Nhưng làm xe ôm cũng không đơn giản.

Hôm đầu tiên - anh nhớ lại, anh đang bắt khách ở gần cổng bệnh viện Bạch Mai thì một thanh niên trông nhỏ thó ra gọi anh vào quán bia… làm vài chai.

“Nghĩ mình không có tiền, vợ con ở nhà còn đang đói rã họng, khách thì chưa kiếm được nên mình từ chối thẳng thừng. Không ngờ, buổi chiều, mình bị một nhóm người lùa vào ngõ và đánh tơi tả” - anh Mùi kể.

Hôm sau, biết luật, mình tìm gặp “đại ca” quản lý đội xe ôm trong khu vực để mời họ chầu nhậu rồi xin xỏ “đất làm ăn”. Từ đó, cứ thỉnh thoảng, mình lại mời các đại ca 1 - 2 cốc bia nên được đứng đón khách ở những vị trí đẹp mà chằng ai hỏi đến nữa.

Tuy nhiên, được “đại ca” tạo điều kiện thì cũng đồng nghĩa với việc bị nhiều người ghen ghét”, anh Mùi kể.

“Hôm đó, mình nhớ là trời đã khuya, chắc khoảng 23h đêm. Cánh xe ôm khu vực đó đã nghỉ gần hết. Còn mình, vì đang cần tiền nên cố nán lại đón thêm cuốc khách. Đang đứng thì hai thanh niên từ trong bệnh viện lại gần, một trong hai người bảo mình chở về Ngọc Hồi - Thanh Trì.

Nhìn đôi thanh niên, mình thấy gai gai sống lưng nhưng cuối cùng, mình tặc lưỡi. Xe chạy đến chợ Ngọc Hồi, hai thanh niên bảo mình rẽ vào ngõ rồi dừng lại. Mình vừa dừng xe thì từ phía sau một chiếc mũ bảo hiểm tát mạnh vào đầu. Mình choáng váng, lăn ra đất. Tiếp đến, hai thanh niên liên tiếp lao vào đấm đá và vụt gậy vào người… Đến khi dân làng truy hô, đôi thanh niên mới bỏ chạy. Tuy nhiên, vụ đó, mình lãnh đủ. Một cánh tay bị gãy, mũi bị dập và đầu chảy loang máu”, anh Mùi hãi hùng kể lại.

Một thời gian sau, anh hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, sau cuộc trả thù vì tranh giành địa bàn làm ăn đó, anh Mùi không trở lại vị trí đón khách cũ nữa. Anh bắt mối và trở thành “người vận chuyển” cho những chân dài chuyên nghề “bán phấn buôn hương”.

Anh bảo, công việc đó nhàn hơn vì không phải đi kiếm khách, số tiền “bo” của các chủ chứa cũng như các chân dài cũng nhiều hơn. Thế nhưng, để đến được công việc ấy, anh cũng đã từng bị đánh đến nhập viện khâu trán vì chót tranh việc của đàn anh mà không hề hay biết…


Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất