Nhạc sĩ Nguyễn Hà: 'Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi'

Nhạc sĩ Nguyễn Hà bày tỏ quan điểm về phát ngôn gây tranh cãi của Thanh Lam, đồng thời nhận định về danh xưng "Diva" trong thời đại âm nhạc hiện nay.

Phát ngôn "Trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông" của Thanh Lam ở một bài trả lời phỏng vấn mới đây gây nhiều tranh cãi.

Khán giả cho rằng câu nói này, dù như Diva đã diễn giải rằng không nên phân biệt vùng miền nhưng khiến nhiều người làm nghề, đặc biệt là những ca sĩ hoạt động trong miền Nam cảm thấy đụng chạm. Mà gần nhất là Nguyên Vũ, Quách Tuấn Du hay Lâm Khánh Chi đều lên tiếng bày tỏ thái độ không đồng ý, khó tưởng tượng một Diva lại nêu ra quan điểm như vậy.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà cũng đã chia sẻ suy nghĩ của mình trên trang cá nhân về câu nói gây tranh cãi của Thanh Lam. Anh viết: "Việc học cần hiểu rộng và sâu. Học không chỉ là nốt nhạc, thanh nhạc. Học không chỉ là ngồi trong trường, lấy tấm bằng.

Học yêu, học ghét, học hiểu người, học hiểu trời đất. Học ở đời, học ở người khác và học từ ngay trong bản thân mình. Những ai học càng nhiều sẽ càng muốn học nữa và sẽ tôn trọng cùng với đón nhận sự hiểu biết của người khác".

Chúng tôi đã trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Hà và thuật lại lời của anh về góc nhìn sự việc này:

Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát đi

Quan điểm của tôi đó là, khi anh nói chữ "học" thì anh đang đóng khung, giới hạn nó ở đâu? Trong trường hợp Thanh Lam đang nói, tôi thấy chữ "học" nó rất giới hạn. Để con người thành công thì chuyện học vô biên lắm, nó không chỉ giới hạn về mặt thời gian, chủ đề...

Một người ca sĩ thành công họ có thể không có một tấm bằng của nhà trường, nhưng kiến thức thực của họ chắc chắn rất đa dạng từ giọng hát, trình diễn, thời trang, giao tiếp truyền thông... đến kiến thức về con người. Con người là đối tượng mà các ngôi sao cần hiểu biết nhiều nhất. Hiểu để phát ngôn những lời cho đồng nghiệp nhận thấy cần cố gắng hơn, cho khán giả tôn trọng bản thân lẫn giới nghệ sĩ thay vì gây chú ý, hạ thấp đồng nghiệp, thiếu tôn trọng bản thân khiến cho hình ảnh cả giới đi xuống.

Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát đi, mở liveshow, ra MV nữa đi, Thanh Lam cứ chạy đua giải thưởng cấp quốc tế để chứng minh đi. Tại sao cứ phải ngồi nói một câu cho bao nhiêu người phải tranh cãi?

Nhạc sĩ Nguyễn Hà: Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi-1

Trong quá khứ, Thanh Lam đã có những cống hiến như bao nhiêu nghệ sĩ khác: giọng hát, những ca khúc khiến người ta say đắm, giọng hát khiến bao người say mê. Nó cũng là những gì các ngôi sao ca nhạc khác cố gắng cống hiến cho khán giả. Vậy với sự tự hào về nền tảng học hành mình có hơn người, Thanh Lam hãy tiếp tục cống hiến.

Ngày xưa là những album CD bán chạy, là các giải thưởng báo chí, truyền hình, phát thanh... còn ngày nay hãy là Youtube trend, Facebook, bảng xếp hạng các trang nghe nhạc online… Sức hấp dẫn của thị trường âm nhạc Việt đang rất nóng và nhiều thách thức cạnh tranh cho tất cả những ai còn đam mê, còn nhiệt huyết nghề.

Bây giờ khi ngồi trên ghế giám khảo mà bạn nói chuyện nhưng người ta không thích nghe bằng Mỹ Tâm, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà nói, thì phải làm sao? Đơn giản, khán giả không thích nghe bạn nói thì nên thôi.

Nếu cảm thấy mình đang đứng trong một đống bầy hầy lộn xộn, cần thanh tao hơn thì đi chốn thanh tao hơn mà sống. Trên cõi đời này nếu chỉ có 10 người nghe anh hát nhưng anh vẫn hạnh phúc với điều đó thì được rồi. Cớ sao anh phải đi tranh cãi với đám đông ngoài kia rằng: "Tại sao bạn không thích nghe tôi hát?"

Thực ra vấn đề truyền thông và nghệ sĩ cũng là một mối quan hệ đương nhiên. Truyền thông không phân biệt nghệ sĩ là Nam hay Bắc, mà họ làm công việc thông tin những gì khán giả quan tâm, chứ không phải đẩy ai cả.

Còn nghệ sĩ Nam tiến hoạt động nhộn nhịp hơn, nó thuộc về lịch sử. Bao nhiêu năm nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật trong Nam rất mở rộng. Lẽ dĩ nhiên, nơi nào có nhiều nhà máy thì sản phẩm ở đó phải nhiều. Nơi nào ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh hơn thì sản phẩm cũng mạnh hơn.

Sự nổi tiếng không đo ở việc bạn có học hay không.

Tôi không thích dùng chữ "không học hành" cho bất kỳ ai. Bởi trên đời này không ai không phải học cả. Vấn đề là bây giờ xã hội mở rộng sự đón nhận hơn. Ngày xưa, anh phải tốt nghiệp trường nhạc thì mới được đi vào đoàn ca múa nghệ thuật hát. Vì đoàn ca múa nghệ thuật đã là một bộ lọc với yêu cầu phải vào đó thì mới được hát.

Còn bây giờ, có những hiện tượng "thảm họa" trên mạng xã hội ồn ào vẫn có người nghe. Khán giả người ta chọn nghe vì ý gì, thậm chí là vừa cười vừa nghe, cũng là chuyện của họ.

Youtube không nói ai tốt nghiệp truyền hình, điện ảnh mới được quyền làm phim tải lên nó. Dù bạn là ai, chỉ cần một cái máy quay, thậm chí là một cái điện thoại thôi vẫn có thể làm phim đăng lên Youtube.

Youtube đâu có đo theo tiêu chí ai có học hay không có học, nghệ thuật sâu hay nông, mà chỉ đo video của anh có bao nhiêu view (lượt xem) mà thôi. Tiền Youtube trả tiền cho người đăng tải video cũng vậy.

Nếu người xem ở Mỹ thì con số bạn nhận được sẽ bao nhiêu đâu, còn người xem ở Việt Nam sẽ là một con số số khác, nó cũng không quan tâm người xem có học đại học hay không.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà: Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi-2

Tương tự, sự nổi tiếng không đo ở việc bạn học cái gì, mà người ta đo bạn thuyết phục khán giả nhờ cái gì. Người ta nghe bởi câu hỏi "Tại sao tôi phải nghe bạn", chứ không phải "Tôi đang nghe cái gì".

Mark Zuckerberg nghỉ học để tạo ra facebook kết nối hơn tỉ người trên trái đất. Bill Gates nghỉ học để mỗi gia đình có 1 chiếc máy vi tính. Sebastian Kurz, 31 tuổi, chưa từng tốt nghiệp đại học nhưng đã là chính trị gia trẻ nhất châu Âu cho vị trí thủ tướng nước Áo. Đó là những gì chúng ta thấy thế giới ta đang sống đã thay đổi quá nhiều.

Câu "có học vẫn hơn" hoàn toàn đúng, luôn luôn đúng, mãi mãi đúng. Nhưng vấn đề là anh dạy cái gì mà tự hào rằng: "Tôi dạy cái này, bạn không học thì bạn chết?"

Ngay cả thời Mỹ Linh cũng vậy thôi. Mọi người nói qua đào tạo nó khác, nhưng ngoài Hà Nội có rất nhiều người cũng được học như Mỹ Linh. Nếu tỷ lệ đào tạo thành công là 1/3, thì 100 người học cũng đã có hơn 30 người thành công như Mỹ Linh rồi. Một năm ở Hà Nội đào tạo tạo ra không ít ca sĩ, thế mà sau chừng ấy năm thì cũng chỉ có một người như Mỹ Linh thôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà: Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi-3

Đừng để cứ nhắc đến Diva, người ta chỉ mãi biết đến âm nhạc của 4 người.

Từ "entertainer - nhân tố giải trí", ở nước ngoài họ không nói là nghệ thuật thấp, mà họ xem nghệ sĩ giải trí là một người đa năng, và ngoài nghe hát ra, khán giả còn "xem" bạn được. Còn những ca sĩ không phải "entertainer" thì ngoài âm nhạc ra người ta không "xem" được.

Mọi người vẫn nghĩ "nghệ sĩ giải trí" là tầm thường, chiêu trò, trong các show diễn chỉ có nhảy múa thôi? Vậy thì hãy nhìn Michael Jackson - King of Pop - cũng là nghệ sĩ giải trí, Madonna - Diva thế kỷ - cũng là nghệ sĩ giải trí...

Mỗi một người đó họ đều có một thông điệp về con người. Ví dụ Madonna là tự do về giới tính, Lady Gaga luôn cố gửi gắm thông điệp hãy tôn trọng những con người khác biệt và hiểu rằng những người đó họ đặc biệt, chứ không phải dị nhân loại ra khỏi vòng xoay giống nhau giữa xã hội. Và hơn hết, họ mở bán vé liveshow nào là hết liveshow đó.

Theo tôi, danh xưng Diva dành cho những người như Celine Dion hay Mariah Carey là một cách để cân bằng lại với những nghệ sĩ giải trí. Và suy cho cùng đó cũng chỉ là danh xưng.

Diva để chỉ những ca sĩ chuyên về giọng hát, như để nhấn mạnh đặc điểm chỉ tập trung hát nhằm thu hút thêm sự chú ý của khán giả. Đối trọng lại với sức hấp dẫn của những màn trình diễn kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật của các ngôi sao giải trí.

Vậy các diva Việt Nam cũng cần phải ra mắt thêm các "big hit", các sáng tạo âm nhạc chinh phục khán giả lẫn đồng nghiệp như thập niên 90 họ đã từng làm. Đồng thời danh xưng diva cũng cần "kết nạp" thêm các đại diện mới để nó duy trì và luôn mang tính thời đại. Hiện chữ diva chỉ tồn tại theo sức sống của 4 cựu binh với phong độ không ổn định và thậm chí còn có người "anti" lại thời đại. 

Nhạc sĩ Nguyễn Hà: Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi-4

Chữ Diva nếu nó không có những người để khán giả quan tâm, không có những đại diện tiếp theo của thời đại thì nó mãi là hai từ đại diện cho âm nhạc của quá khứ. Chữ Diva phải tìm cách mà sống tiếp đi, mới là đúng. Đừng để cứ nhắc đến Diva, người ta chỉ mãi biết đến âm nhạc của 4 người.

Như Mỹ Tâm - sau 20 năm ca hát, ngày hôm nay ra MV, vẫn xếp số 1 trending Youtube. Cô ta vẫn bền bỉ cống hiến, vẫn nhạy bén với âm nhạc thời đại. Trên Facebook, trên Youtube, Mỹ Tâm luôn tạo được sóng gió, thì câu hỏi ở đây là: Nếu chữ Diva không sống tiếp được thì Mỹ Tâm cần chữ Diva để làm gì? Nếu là Mỹ Tâm, tôi thích những gì của thời đại, No. 1 Trending Youtube vẫn hơn chứ.

Cánh cửa cơ hội vẫn rộng mở, nhưng Chi Pu cần lắng nghe khán giả.

Con người trong xã hội, càng thành công, mình càng nên đưa ra những thông điệp mang tính nhân bản khuyến khích người khác. Người ta nói đến nhiều về việc Bill Gates không học đại học vẫn thành công không có nghĩa là cổ súy bạn nên nghỉ học đi, mà để hiểu là các bạn luôn có cơ hội. Đâu phải ai cũng có cơ hội cắp sách đến trường, chẳng lẽ những người đó lại phải dừng hy vọng, mơ ước của mình? 

Không, các bạn hoàn toàn có thể hy vọng, có quyền nỗ lực. Xã hội như vậy mới là xã hội đáng sống. Ai cũng được quyền hy vọng, được quyền tin là mình có cơ hội.

Trường hợp Chi Pu cũng vậy. Cô ấy có thành công đến đâu, ăn thua ý chí của bản thân, cửa vẫn rộng mở mà. Nhìn Hồ Ngọc Hà đi, ngày xưa cô ấy cũng là "người đẹp đi hát". Đi hát riết rồi bây giờ rất nhiều người không nhớ Hồ Ngọc Hà từng là người mẫu.

Vấn đề không phải Hồ Ngọc Hà làm được thì Chi Pu làm được, mà tôi muốn nói ở đây là minh chứng cho việc: xã hội hiện tại người ta đón nhận cũng thoải mái hơn nhiều.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà: Thanh Lam có học nhiều thì cứ hát, chạy đua giải thưởng để chứng minh đi-5

Tôi đã nghe sản phẩm debut của Chi Pu và nhận thấy, nếu nói về sản phẩm và kĩ thuật sản xuất thì tôi thấy đó là sản phẩm khá, chất lượng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu một, hai người công kích thì có thể nói người ta cảm tính, căm ghét thế nào cũng được, nhưng hàng chục ngàn con người trên internet có nhận xét như vậy thì nếu là Chi Pu tôi sẽ xem lại chính bản thân mình cần hát như thế nào để khán giả nghe cho lọt tai.

Rõ ràng là nghe chưa lọt tai chứ chưa nói là hay hay dở, vì hay - dở không phải là yếu tố quyết định. Người hát hay không phải bao giờ cũng thành công, và cứ người hát dở là không thành công.

Ở đây có thể nhà sản xuất nước ngoài họ không hiểu thị trường âm nhạc Việt Nam đầy đủ để có thể chuẩn bị cho Chi Pu như thế nào về giọng hát. Tức là khi anh đánh trận phải biết đối thủ của anh là ai, trình độ tới đâu thì những nhà sản xuất này cần phải nhìn ra được điểm yếu, điểm mạnh người ca sĩ ở đâu.

Nếu họ phân tích được điều đó và hiểu được cách nghe nhạc của người Việt Nam (từ cách phối, xử lý đến lời bài hát) thì chắc chắn họ sẽ giúp được cho người ca sĩ đó làm tốt hơn, có kết quả tốt hơn.

Tuyên bố "Tôi là ca sĩ" của Chi Pu theo tôi nghĩ là điều tích cực. Nhưng nếu ai có suy nghĩ là xúc phạm thì chuyện đó cũng thông cảm được, vì mỗi người có lối đi thành công riêng. Với những người con đường thành công của họ là hành trình đánh giá khắt khe về giọng hát thì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy người khác đi quá dễ dàng. Mình phải mang đôi giày của họ thì mới hiểu rõ được.

Theo Trí Thức Trẻ


Vpop Thanh Lam

Tin tức mới nhất