Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Mỗi du khách khi có dịp dừng chân nơi đây đều không thể bỏ lỡ những sản vật lừng danh như nem Phùng, giò chả Ước Lễ, rau sắng chùa Hương và nhiều sản vật khác.

Nem Phùng

Nem Phùng nếu tính tuổi chắc cũng đến 100 tuổi, món ăn bình dị, đậm hương vị quê hương đồng nội đã đi sâu vào trong tâm trí của những thực khách đã một lần thưởng thức nem Phùng. Tiếng lành đồn xa, cha truyền con nối, tiếng thơm lại nối tiếp tiếng thơm để rồi mỗi lần nhắc đến quê hương người gái đảm Đan Phượng là một lần người ta thì thầm với nhau rằng: “ở đó có đặc sản Nem Phùng”.

Nem Phùng được bán dưới hai hình thức: nem quả (mỗi gói khoảng 200g) hoặc theo cân (200.000 đồng một kg). Nhà 4-5 người, bạn mua 400g là ăn thoải mái.

Nem gồm thịt cả mỡ cả nạc, chần qua nước sôi thái nhỏ, bì lợn luộc kỹ, thái sợi trộn với thính. Nem không dùng chất bảo quản nên chỉ để được 2 ngày là cùng. Thành phần của nem hơi giống nem nắm Nam Định nhưng mỡ ít hơn.

Ăn kèm với nem là lá sung, đinh lăng chấm với nước tương vàng chứ không phải là nước mắm như một số loại nèm khác. Bạn có thể dùng chính lá sung hoặc bánh đa nem để cuốn.

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, nơi đây không quá sầm uất như nhiều con phố khác ở Hà Nội, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Hảo Cường, Nem Phùng Bà Hải Phở… mỗi cơ sở đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng mến khách, dịu dàng niềm nở.

Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Thôn chỉ rộng khoảng 1km vuông, với gần 450 hộ dân. Người Ước Lễ không nhớ rõ nghề làm giò, chả quê mình có từ khi nào, chi biết rằng tiếng chày giã thịt nghe đã quen thuộc khi họ còn tấm bé.

Giò Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác. “Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở nhân trong, có nhiều lỗ nhỏ. Miếng giò ăn ngon, giòn, không bị bã. Ðặc biệt là giò Ước Lễ không bao giờ pha bột, có lẽ vì vậy mà luôn được khách hàng tín nhiệm.

Rau sắng

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Rau sắng mua về được nhặt tách riêng lá và cọng, dùng để nấu canh. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ màng. Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Nước canh sôi, nêm chút muối rồi cho lá rau sắng và các cọng thân đã rửa sạch vào nước. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.

Rau sắng ngày nay được coi là rau sạch, đưa vào các siêu thị như một thứ rau cao cấp, bán từng lạng cân. Ngoài vị ngọt ngon, rau sắng quý vì hiếm vì một năm chỉ có trong vài tuần, cây sắng mọc cheo leo tận núi cao và cũng vì cả giai thoại “Muốn ăn rau sắng chùa Hương…”.

Mơ Hương Tích

Một trong những đặc sản chùa Hương không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân phải kể đến mơ Hương Tích, một sản vật tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất Hương Sơn.

Mơ Hương Tích còn có cái tên “độ nhị mai” bởi nét đặc biệt một năm trổ bông hai lần và cho hai lần quả.

Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, không những là loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể về các bệnh tim mạch mà mơ còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân. Người ta thường ngâm rượu mơ làm thuốc, ngâm mơ lấy nước uống giúp thanh nhiệt mùa hè.

Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn, thịt dày có mùi thơm đặc biệt là ngon nhất. Đến chùa Hương hãy chọn loại mơ này về ngâm với đường. Sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.

Mỗi khi có dịp ghé chân nơi đây, du khách thường không bỏ lỡ sản vật hấp dẫn này mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.

Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử.

Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột. Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng và cả một chút ngậy của thịt lợn. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.

Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam dẻo dẻo, uống một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

Chè củ mài

Củ mài cũng là đặc sản của Chùa Hương. Bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài được nấu ngay tại đây. Chè củ mài, món ngon giải khát cho du khách khi hành hưng trên tuyến đường lên động Hương Tích. Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của vùng núi chùa Hương vào những ngày lễ Phật Đản.

Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.

Cách làm chè củ mại cũng rất dễ, khi đun sôi nước cho củ mài vào đun thật nhừ, lấy đũa cái đánh tan thành bột, sau cho mật ong hoặc cho đường trắng vào đảo đều, rồi múc lên bát để nguội ăn với oản mịn, xôi vò. Đây là món ẩm thực chay tịnh, du khách trẩy hội chùa Hương thường mua củ mài về làm quà để thưởng thức hương vị chè củ mài Chùa Hương.

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.

Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Hà Tây còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn ở làng cổ Đường Lâm với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.

Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.

Theo Gia đình xã hội


Tin tức mới nhất