Nơi phượt thủ người Anh gặp nạn là vực sâu hiểm trở nhất Fansipan

Liên quan đến việc phượt thủ người Anh tử vong khi leo lên đỉnh Fansipan, một kiến trúc sư từng thi công các trụ cáp treo ở đây cho biết, đoạn dọc trụ T3 đến T4 vô cùng nguy hiểm, vách đá treo leo, đường nhỏ hẹp dốc thẳng đứng trơn trượt.

10 cán bộ công an trắng đêm bảo vệ thi thể chàng phượt thủ

Tối 9/6, thông tin với chúng tôi, Thượng tá Lê Anh Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Sa Pa, Lào Cai cho biết, đến 19h cùng ngày, tất cả các lực lượng tìm kiếm đã rút khỏi hiện trường, dự kiến sáng 10/6, cơ quan chức năng sẽ tổ chức khám nghiệm thi thể và đưa nạn nhân lên.

Nơi phượt thủ người Anh gặp nạn là vực sâu hiểm trở nhất Fansipan - Ảnh 1.
Aiden Webb - Chàng "phượt thủ" đã gặp tai nạn khi đang chinh phục
đỉnh Fansipan. Ảnh: Facebook nhân vật


Theo Thượng tá Dũng, hiện tại có 10 cán bộ công an được cử ở lại khu vực, trắng đêm bảo vệ thi thể nạn nhân. Trao đổi về thông tin xác nạn nhân được phát hiện tại khe suối nằm trong thôn Sín Chải, vị trí tương đối gần với vị trí ban đầu bạn gái nạn nhân cung cấp nhưng sau rất nhiều ngày lực lượng chức năng mới tìm thấy, Thượng tá Dũng cho hay: "Vị trí tìm được du khách người Anh quả thực là cách không xa những thông tin mà bạn gái anh ấy cung cấp nhưng khu vực này vô cùng hiểm trở. Hơn nữa tại đây, chúng tôi cũng đã cho anh em quần thảo rất nhiều lần để tìm kiếm. Tuy nhiên, do đặc điểm chỗ này là thác nước sâu, đứng nhìn bằng mắt thường thì không thể thấy được. Theo tôi nhận định, có thể do du khách Anh rơi từ trong gầm thác nên hôm nay sử dụng ống nhòm tìm thật kỹ mới phát hiện được".

Nói về việc có phải sau khi sử dụng chó nghiệp vụ thì đã phát hiện thi thể nạn nhân, Thượng tá Dũng bác bỏ: "Hôm nay không phải huy động chó nghiệp vụ tìm mới phát hiện thi thể nạn nhân mà do một tổ công tác gồm 2 đồng chí công an, 2 đồng chí quân đội và 2 đồng chí vườn quốc gia Hoàng Liên phát hiện, bởi trước đó chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng này rà soát lại những khu vực đã tìm kiếm".

Khu vực "phượt thủ" người Anh gặp nạn là nơi hiểm trở nhất trong vùng

Là người từng "ăn dầm nằm dề" tại các điểm thi công trụ cột cáp treo lên đỉnh Fansipan, anh Trung, một kiến trúc sư công trình cho biết, khu vực anh Aiden Shaw Webb (quốc tịch Anh) - nam du khách mất tích 6 ngày trước gặp nạn rất nguy hiểm.

"Từ trụ cáp treo dọc T3 đến T4 vô cùng nguy hiểm, chủ yếu là vách đá treo leo, đường vô cùng nhỏ hẹp và các mỏm đá dốc thẳng đứng trơn trượt. Nếu đi đường này phải đi với tốc độ rất chậm, không những thế còn có khá nhiều rắn rết. Có thể, nam thanh niên người Anh đã đi men theo đường tuyến từ T3 lên T4 rồi gặp nạn và tử vong", anh Trung nói.

Theo anh Trung, có những đoạn qua vách núi dựng đứng muốn leo lên phải men theo triền núi. "Mà nếu men lên như thế chỉ còn cách đi qua rễ cây, nhìn xuống bên dưới là vực thẳm nên nếu không may dẫm phải dễ cây mục trượt chân rơi xuống thì chỉ có mất mạng", anh Trung cho biết thêm.

Anh Trung cho rằng, việc chinh phục Fansipan không ai đi vào cung đường trên bởi có một số đường du lịch đảm bảo an toàn hơn.

Nơi phượt thủ người Anh gặp nạn là vực sâu hiểm trở nhất Fansipan - Ảnh 2.
Hình ảnh của Aiden Webb trong một chuyến leo núi gần đây. Ảnh: Facebook nhân vật


Anh Nguyễn V. H, một kiến trúc sư từng tham gia thi công cáp treo Fansipan và có thời gian dài ở khu vực này cho biết, đoạn xây dựng trụ cáp treo nối giữa T3 và T4 có vực sâu nhất trong vùng, có đoạn sâu tới hơn 800m tĩnh không và hiểm trở nhất. Nhiệt độ Fansipan về đêm thì toàn xuống 0 độ C, nên nếu lạc ở đây rồi rơi xuống thì phải đối mặt với nguy cơ chết rét, bị thú rừng đe doạ...

"Có những đoạn băng qua vực chỉ là 1 con đường hình thành từ đất mùn hữu cơ hàng trăm năm tích tụ và rễ cây, men theo vách núi không có đường, mỗi mùa mưa nó nhão nhoét và rung lắc. Đoàn thi công của chúng tôi khi đi phải từng người bò qua, không được đi cùng một lúc để tránh việc sập xuống vực"

Nơi phượt thủ người Anh gặp nạn là vực sâu hiểm trở nhất Fansipan - Ảnh 3.
Vị trí nơi anh Aiden Webb gặp nạn và tử vong.


Anh H. cũng chia sẻ rằng mình cảm thấy kinh ngạc khi chàng "phượt thủ" người Anh lần đầu leo Fansipan mà chọn cung đường cực khó nhưng lại đi 1 mình. "Trước đây, khi thi công chúng tôi phải đi tuyến này vì nó chạy dọc theo tuyến cáp treo hình thành về sau. Nhưng đó là nhiệm vụ thôi chứ đi du lịch thì chắc chắn không ai chọn lối này. Có những cái thác nhỏ dốc đứng, một khi đã tụt xuống thì không thể leo lên phải vòng đường khác xuống sâu hơn mới có lối ra", anh H. chia sẻ.

Anh cho biết thêm: "Ngày trước cung đường này vẫn có dân phượt đi qua nhưng gần đây đã đóng tuyến không khai thác cho du lịch nữa, vì địa hình hiểm trở, khả năng xảy ra tai nạn rất cao".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, khu vực T4 dốc nhất, rất trơn trượt, không ai đi vào đó cả. "Chỉ có giai đoạn thi công cáp treo lên Fansipan thì có người của đơn vị thi công họ vào để làm các trụ cột. Còn hầu hết khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan đều đi theo 3 tuyến du lịch chúng tôi đang quản lý", ông Thịnh cho biết thêm.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất