TVB ngập tràn phim Đại lục, thời kỳ huy hoàng tàn lụi đầy tiếc nuối

Khán giả Hong Kong giờ được xem nhiều phim do Đại lục sản xuất hơn là TVB thực hiện. Đây là hệ quả tất yếu sau thời gian dài trượt dốc thiếu đầu tư của đài TVB.

Theo HKChannel, trong số 5 phim truyền hình đang lên sóng TVB thì có đến 3 phim sản xuất tại Đại lục, gồm Hạo Lan truyện, Độc Cô hoàng hậu, Như Ý truyện. Theo kế hoạch phát sóng, TVB tới đây tiếp tục chiếu nhiều phim do Đại lục sản xuất thay vì “phim nhà làm”.

Khán giả Hong Kong nhưng không được xem phim "made in Hong Kong" đang là thực trạng về phim ảnh xứ Cảng thơm. Với những người hoài niệm quá khứ huy hoàng của TVB, họ đã phải thở dài đầy tiếc nuối.

Từng có một đế chế phim ảnh mang tên TVB

Nhiều năm trước, trong ký ức của khán giả thế hệ 7X đến 9X, ai cũng quen thuộc với những chiếc băng đĩa phim chưởng hay phim phá án của TVB. Hong Kong nói chung và TVB nói riêng có nền công nghiệp sản xuất phim ảnh đi trước hàng chục năm so với Đại lục.


TVB từ lâu đã không còn là chính mình với thời kỳ huy hoàng lùi vào quá khứ.

Các nhà sản xuất tự bỏ vốn đầu tư, tìm kiếm diễn viên và tạo ra những siêu phẩm trên màn ảnh. Mỗi năm, trung bình Hong Kong có hơn 200 phim lớn nhỏ được ra mắt. Tờ Variety từng ngả mũ gọi Hong Kong là “Hollywood của phương Đông”.

Trên đà đó, TVB, đài truyền hình lũng đoạn Hong Kong, tự mở lớp đào tạo diễn xuất. Dưới trướng TVB, những ngôi sao điện ảnh được phát hiện và tỏa sáng. Đó là Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Cổ Thiên Lạc, Trương Vệ Kiện, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát…


Đoàn phim Tây du ký phải sang nhờ TVB chỉ dẫn cách làm phim.

TVB có những phim đi vào kinh điển màn ảnh như Bến Thượng Hải, Đại thời đại, Thần điêu đại hiệp... Thập niên 1990, gần một tỷ dân Trung Quốc chỉ xem phim kiếm hiệp do TVB sản xuất. Dương Khiết, đạo diễn phim Tây du ký 1986, kể chính bà và đoàn phim từng sang Hong Kong học hỏi công nghệ phim ảnh của TVB.

Phim cần sử dụng hệ thống cáp treo cho các cảnh quay trên không. Chúng tôi đã tới Hong Kong vì ở đó là nơi gần nhất và có công nghệ này phát triển nhất châu Á bấy giờ. Nhưng chúng tôi không nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình từ phía họ. Tây du ký 1986 đã thực hiện, ra mắt với quá nhiều thiếu sót vì trình độ hạn chế, kinh phí eo hẹp”, cố đạo diễn Dương Khiết chia sẻ trong cuốn tự truyện.

Thập niên 1980 - 1990, những năm đầu thập niên 2000, TVB không có nhu cầu phát sóng các phim do Đại lục sản xuất. Khán giả Hong Kong nhận xét gu của họ khác khán giả bên kia eo biển khi “phim lê thê và tình tiết nhạt nhẽo”.

Mải mê tìm doanh thu, lười sản xuất

Sau khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, TVB tỏ ra cởi mở hơn trong việc phát sóng các phim Đại lục. Những bộ phim đầu tiên ra mắt khán giả là Khang Hi vi hành, Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên.

Nhưng TVB đã ngủ quên trên chiến thắng của chính mình, không tìm tòi kịch bản mới lạ. TVB nổi tiếng với dạng phim phá án, thể loại gia đình và kiếm hiệp. Hàng chục năm sau, đài vẫn làm phim theo mô típ đó. Bên cạnh đó, TVB mở lớp đào tạo diễn xuất nhưng không sẵn sàng chịu chi trả thù lao cho những ngôi sao thành danh, từ đó xảy ra tình trạng chảy máu nhân tài.


"Diên Hi công lược" thắng lớn khi chiếu ở TVB.

Thời gian chuyển dời, nhưng Hong Kong vẫn chỉ có ngần ấy cái tên được nhắc đi nhắc lại. Họ đều đã ở tuổi ngoài 50, có người đã qua đời. Dù yêu quý đến đâu, những người hâm mộ trung thành nhất buộc phải thừa nhận: “Tài tử, giai nhân thế hệ này đang sống với hào quang quá khứ. Khán giả 9X hay 10X không thể chịu nổi cảnh xem phim sản xuất ở thế kỷ 21 nhưng có bối cảnh y hệt phim ra mắt từ năm 1995”.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại lục, các nhà làm phim sẵn sàng chịu chi tiền để tạo ra những tác phẩm đáng xem theo kịp xu thế. Đại lục còn có nhiều trường đại học uy tín đào tạo diễn xuất.


TVB vội mua bản quyền phát sóng "Ỷ thiên đồ long ký" dù phim quy tụ dàn diễn viên trẻ. TVB là "đế chế" làm phim chuyển thể từ tác phẩm Kim Dung trong quá khứ.

Giữa sự cạnh tranh gay gắt, TVB không tìm cách nâng cao chất lượng phim ảnh. Thay vào đó, nhà đài cố gắng tạo doanh thu qua việc nhập phim và phát lại.

Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, Thần điêu đại hiệp do Trung Quốc sản xuất lũng đoạn tỷ lệ người xem ở Hong Kong. TVB thậm chí còn chi số tiền rất lớn mua bản quyền Võ Mỵ Nương truyền kỳ, chấp nhận phát sóng muộn. Theo On, đài đã thành công khi phim của Phạm Băng Băng có tỷ lệ người xem đạt điểm số 37.

Một số ý kiến cho rằng TVB tự thấy đây là con đường tắt để có lợi nhuận. Sau Võ Mỵ Nương truyền kỳ là Diên Hi công lược, Như Ý, Hạo Lan truyện… Phim Diên Hi công lược đạt điểm số xem trung bình là 31,3. Tập cuối phim cán mốc 39,2 điểm.

Người Hong Kong phải thừa nhận phim do Đại lục sản xuất có bối cảnh hùng vĩ, đầu tư lớn và dàn diễn viên trẻ đẹp biết diễn xuất”, On nhận định.

TVB đã lên lịch chiếu Tân ỷ thiên đồ long ký vào tháng 4. Những khán giả TVB muốn xem phim TVB chắc chắn sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi đến nửa cuối năm 2019.

Theo Zing


phim hoa ngữ tvb

Tin tức mới nhất