Phụ huynh nói gì sau khi cho con trải nghiệm đi trên thảm thủy tinh?

Xung quanh việc sách kỹ năng sống dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh xôn xao dư luận những ngày qua, chúng tôi đã có buổi ghi nhận thực tế với phụ huynh và học viên tại Trung tâm kỹ năng này vào sáng 25/8.

Sau khi nội dung của cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống” dành cho học sinh lớp 1 có bài dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh khiến nhiều người xôn xao, TS Phan Quốc Việt, (chủ biên cuốn sách) và cũng là người đang áp dụng nội dung trên như một bài học cơ bản tại trung tâm của mình cho biết, dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh là cách để các em sớm va chạm với tình huống thực tế, biết ứng xử trong từng tình huống xã hội.

Ông Việt cũng nói thêm: "Trước khi đưa vào nội dung giảng dạy của trung tâm và nội dung bài học, chúng tôi cần đến 15 năm để chuẩn bị, ghi nhận thông tin. Những em vượt qua bài học về lòng dũng cảm đều có những tiến bộ rõ rệt".

Sau khẳng định trên, chúng tôi đã quay lại trung tâm để tiến hành ghi nhận ý kiến, phản ứng từ chính những phụ huynh cũng như học viên sau khi trực tiếp trải nghiệm bài học này.

Phụ huynh lo sợ nhưng vẫn muốn con dũng cảm hơn

Loạt ảnh dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội đã vấp phải không ít phản ứng trái chiều cũng như tích cực từ bậc phụ huynh. Người thì cho rằng đây nếu không cẩn thận các em có thể sẽ bị nguy hiểm, mất máu nhiều, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý trẻ về sau.

“Tôi nghĩ đây là một ý tưởng có phần hơi ngạo mạn. Không có gì đảm bảo an toàn cho con trẻ ngoài hai nhân viên đứng hai bên giám sát quá trình đi khoảng 1 m trên thảm thủy tinh. Nếu con trẻ không may bị đứt chân, chảy máu giữa chừng chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý” – chị Nguyễn Thị Hường, phụ huynh em Nguyễn Văn Khoa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội phân trần.

anh-t-8-14fd8-87426
Một học viên nhí khá tự tin, thể hiện màn trình diễn đi qua thảm thủy tinh sau đó quay lại cười với bố mẹ.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Khải Hòa, cho rằng: "Việc cho trẻ đi trên thảm thủy tinh là không đảm bảo an toàn. Trước đây, hai vợ chồng tôi đã từng có ý định cho con trai 10 tuổi tham gia lớp học này nhưng khi thấy có nội dung đi trên thảm thủy tinh nên chúng tôi còn chần chừ chưa đăng ký. Tôi nghĩ chưa có gì thuyết phục để hai vợ chồng gửi con vào những trung tâm trên. Đó là an toàn tính mạng của con trai tôi. Trong quá trình trẻ nhỏ đi trên thảm thủy tinh, nếu không may chúng bị giật mình hay bất thình lình bị mất cân bằng tâm lý bởi tác động bên ngoài thì nguy cơ rách chân, chảy máu là rất cao. Nếu bị chảy máu sâu, không những bị ảnh hưởng đến tâm lý trẻ về sau mà còn khiến chúng sợ hãi hơn”.

Đó là ý kiến từ các bậc phụ huynh đang phân vân không biết nên đưa con trẻ vào trung tâm Thực hành kỹ năng sống hay không. Còn với phụ huynh đã và đang chứng kiến cảnh con mình đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng lại khá thoải mái.

Chị Lê Thị Minh (Phụ huynh em Lê Thị Kim Ly, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, lần đầu khi con bước lên thảm thủy tinh chị rất lo lắng, hồi hộp. “Lần đầu chứng kiến cảnh con gái chuẩn bị bước lên thảm thủy tinh, tôi rất lo lắng, vì tâm lý con trẻ đang nhỏ nên rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ thông tin và được các thầy hướng dẫn, giải thích nên vợ chồng tôi quyết định cho con đương đầu với thử thách. Cảm giác sau lần đầu con gái cười lớn bước qua thảm thủy tinh rồi chạy lại ôm chầm lấy mẹ khiến tôi vui sướng đến tận bây giờ” – chị Minh tâm sự.

anh-t-7-14fd8-87426
Một học viên tỏ vẻ chần chừ khi đi quá nửa thảm thủy tinh nhưng lại quay lại nhìn về phía thầy giáo.

Chị Hoàng Thị Lan Anh đồng quan điểm: "Việc cho trẻ bước qua thảm thủy tinh tuy nguy hiểm nhưng đem lại trải nghiệm thực tế với trẻ. Trước khi đưa vào giảng dạy ở trung tâm và cả bộ sách giáo khoa, trung tâm đã mất hơn một thập kỷ để chuẩn bị, ghi nhận tiếp thu thông tin. Nếu học sinh có vấn đề gì thì trung tâm cũng khó có thể sống nổi. Nó liên quan trực tiếp đến việc tồn tại, phát triển của trung tâm nên chúng tôi đặt niềm tin vào đây một lần để đưa con đi thử".

Một số phụ huynh cho rằng sự trưởng thành hay kinh nghiệm xã hội của bản thân đều được tích lũy theo thời gian và đánh đổi bằng sức lực, trải nghiệm. Việc cho các em trải nghiệm trên thảm thủy tinh đã được trung tâm toan tính kỹ lưỡng nên hy vọng sẽ không có sơ xuất xảy ra.

Để có kiến thức thực tiễn các em phải va chạm xã hội và đây là một nơi giả định để các em được va chạm sớm. “Tôi nghĩ con trẻ nên được tham gia những buổi trải nghiệm thực tế như trên để tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống. Đó mới là thứ mà các em cần để bước vào đời. Sau khi tham gia khóa học của trung tâm, con tôi đã có những biểu hiện tích cực hơn trước. Cháu đã biết chủ động nói chuyện, cởi mở hơn với mọi người và chủ động hơn trong một số tình huống. Sau thời gian bước qua thảm thủy tinh đến nay đã được hơn hai tháng, phản ứng tình huống của cháu cũng nhanh hơn so với trước đây nhiều".

"Chúng em cảm nhận sự khác biệt!"

Với các phụ huynh luôn có những ý kiến đa chiều, còn với các học sinh thì sao? Khi được hỏi về việc học sinh có dám đi trên thảm thủy tinh, em Thùy Trang (học sinh lớp 4 một trường Tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP. HCM) cho biết: "Em chưa từng thấy ai đi trên thảm thủy tinh. Mẹ có cho em xem một số hình ảnh và bảo dù thế nào cũng không nên thử vì nếu vấp té thì sẽ trầy hết người, nên em cũng sợ lắm".

Em Cừ Văn Khang, học sinh trường THCS Phan Đình Giót (Hà Nội) là một trong số trường hợp không tham gia khóa học Thực hành kỹ năng sống tại trung tâm. Khang cho biết, nhà ở ngay sau trung tâm trên và có nghe các bạn trong lớp nói về cách dạy kỹ năng sống của thầy Việt nhưng em nhận thấy không cần thiết vì ngoài giờ học trên lớp, mỗi buổi chiều em thường đi chơi đá bóng với các bạn hàng xóm.

“Em thường ra khu khuôn viên trước nhà chơi đá bóng, đánh cầu lông... Em nghĩ đấy cũng là một cách để trải nghiệm thực tế, vừa không tốn kinh phí vừa được vui chơi. Cách đây ít tuần, bạn em chơi bóng, ngã một cú mạnh nên bị trầy xước vùng khuỷu tay. Sau đó, bạn chạy về nhà tự lấy bông băng bó vết thương. Những kỹ năng cơ bản này đã được nhà trường truyền dạy trong một số khung giờ tự chọn nên đa phần các bạn làm được”. Theo Khang, việc tham gia lớp Thực hành kỹ năng sống cần thiết với những bạn hay rụt rè, kém hòa đồng, tự ti với bản thân còn với những người bình thường thì nên chủ động tìm khu vui chơi trong khu để tự hòa đồng với mọi người sẽ tốt hơn.

Đa phần các em trước khi đối mặt với thảm thủy tinh đều có cảm giác lo sợ điều gì đó. Tuy nhiên, sau khi đã bước qua thảm thủy tinh bằng chân không, các em có cảm giác thoải mái hơn thay vì sợ hãi, lo lắng như ban đầu.

Em Lê Thị Hồng Loan, (học viên 12 tuổi tham gia khóa học) chia sẻ: “Nếu như trước lần đầu tiên đối mặt với thảm thủy tinh em rất bối rối, lo lắng thì sau khi bước qua nó, em có cảm giác thoải mái, tự tin hơn hẳn trong tất cả mọi việc. Tâm lý của em cũng thoải mái hơn”.

anh-thuong-4-14fd8-fbde3
Học viên nhí đi qua thảm thủy tinh dưới sự giám sát của các thầy giáo trong trung tâm.

anh-thuong-1-14fd8-87426
Thầy giáo Nguyễn Văn Định đang đi qua thảm thủy tinh để minh chứng với phụ huynh là việc trên hoàn toàn không nguy hiểm mà còn là bài học bổ ích cho trẻ.

Đồng quan điểm, em Vũ Thị Bích (học viên 15 tuổi) cho rằng: “Việc đi qua thảm thủy tinh ban đầu nếu chưa bước qua thì sẽ có cảm giác sợ hãi nhưng khi đã vượt qua, nó sẽ giúp bản thân tự tin hơn trong một số việc. Trước đây, em rất rụt rè trong lớp cũng như trong việc tiếp cận bạn chơi ở trường. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học tại trung tâm của thầy Phan Việt, em thấy bản thân tự tin hơn trong cách tiếp cận với bạn bè. Hiện tại, em đã tự tin xung phong lên bảng làm bai tập thay vì rụt rè nửa muốn giơ tay nửa không như trước kia”, Bích thộ lộ.

anh-t-10-14fd8-87426
Học viên Nguyễn Văn Thành cõng bạn đi qua thảm thủy tinh. Thành cho biết em khá tự tin và thoải mái sau khi bước qua chướng ngại trên.

anh-t-9-14fd8-87426
Học viên nhí không chỉ tự tin đi qua thảm thủy tinh mà còn biểu diễn những hành động để minh chứng cho sự an toàn trên.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất