Quang Trung, Việt Hương không thể cứu được phim bắt ma của Huỳnh Lập

Bộ phim “Pháp sư mù” cho thấy Huỳnh Lập tỏ ra có phần nóng vội trong việc đưa loạt phim chiếu mạng “Ai chết giơ tay” lên màn ảnh rộng.

Pháp sư mù tiếp nối ngay sau 8 tập phim Ai chết giơ tay trên mạng Internet, với nội dung xoay quanh bộ ba thầy pháp Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thụy Du (Thiên Thanh) và Liên Thanh (Hạnh Thảo).

Lúc này, Tinh Lâm thì mù lòa, còn Thụy Du bị tai nạn xe không rõ sống chết. Để chữa mắt cho bạn, Liên Thanh và Nguyệt Minh (Khả Như) đành phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của cậu Út Quái (Đại Nghĩa).

Song, họ liên tục bị ma quỷ đi theo ám hại. Không những thế, cuốn bí kíp bắt ma gia truyền của Tinh Lâm biến mất một cách bí ẩn. Từ đây, cả nhóm dần phát hiện ra nhiều âm mưu đen tối do chính người thân yêu xung quanh mình gây ra.

Nội dung sáng tạo nhưng ôm đồm

Được phát triển từ loạt phim chiếu mạng Ai chết giơ tay hồi 2018, Pháp sư mù tiếp tục chọn lựa đề tài tâm linh, trừ tà. Tác phẩm mang nhiều màu sắc của dòng phim bắt ma Hong Kong năm xưa với hình ảnh thầy pháp cầm kiếm gỗ, dùng giấy bùa để trấn yêu hay triệu hồi thiên binh.

Song, ê-kíp phim còn khéo léo kết hợp thêm một số quan niệm dân gian Việt Nam như hát đồng dao, đốt vàng mã… Thế giới tâm linh trong phim được xây dựng giống như nhân gian khi ma quỷ cũng có người tốt, kẻ xấu và phải gánh chịu hậu quả do lúc sống gây ra.

Quang Trung, Việt Hương không thể cứu được phim bắt ma của Huỳnh Lập-1
"Pháp sư mù" bị sa đà vào các mạch truyện bên lề khiến nhiều lúc trở nên lê thê, dông dài.

Tuy nhiên, từ một loạt phim trên YouTube đến một bộ phim điện ảnh là cả quãng đường dài. Huỳnh Lập dường như hơi vội vã trong việc đưa “đứa con tinh thần” lên màn ảnh rộng. Thay vì xoay quanh quá trình tìm lại ánh sáng cho Tinh Lâm và con đường trừ yêu diệt ma, Pháp sư mù bị sa đà vào các mạch truyện bên lề.

Bộ phim phải dành thời lượng không nhỏ để giải thích và kết nối với phiên bản gốc, đồng thời ôm đồm lồng ghép thêm hàng loạt bí ẩn mới. Ngoài ra, số lượng nhân vật đông đảo nhưng lại tỏ ra kém hiệu quả.

Ngoài những gương mặt cũ như ông Vú (Quốc Khánh) hay Nguyệt Thy (Ngọc Hoa), tác phẩm còn thêm thắt hàng loạt cái tên mới như bà An (Việt Hương) và con trai (Ngọc Trai), hay 5 con ma ở nhà Út Quái. Dàn nhân vật gây cười khá tốt, nhưng lại đóng vai trò mờ nhạt trong tổng thể nội dung và chiếm quá nhiều đất diễn một cách không cần thiết.

Sự non tay trong việc xây dựng kịch bản khiến nội dung Pháp sư mù mang đến cảm giác lê thê, rời rạc. Nhiều tuyến truyện được đặt ra, nhưng không có cách giải quyết đến nơi đến chốn. Một số nút thắt tỏ ra dễ đoán và dẫn đến cái kết chưa thật sự thỏa mãn.

Phần kỹ xảo phim chỉ dừng ở mức ổn, chưa có gì nổi bật so với mặt bằng chung phim Việt Nam. Do đó, các cảnh hồn ma giao đấu trông như ở một lễ hội Halloween, chứ chưa ra dáng tác phẩm điện ảnh. Các phân đoạn hù dọa vì thế cũng không đạt hiệu quả cần thiết.

Đại Nghĩa và Ngọc Giàu là điểm sáng trong phần diễn xuất

Với phần kịch bản còn nhiều sơ hở, diễn xuất trở thành điểm sáng hiếm hoi của Pháp sư mù. Huỳnh Lập, Hạnh Thảo và Quang Trung giữ được sự duyên dáng từ loạt phim gốc. Họ liên tục có nhiều màn tung hứng hài hước và ăn ý để gây nên nhiều tiếng cười. Ngoài ra, bộ ba có sự tiến bộ rõ rệt trong những phân cảnh đòi hỏi cảm xúc.

Song, hai cái tên nổi bật nhất phải là Đại Nghĩa và NSND Ngọc Giàu. Chàng MC đã biết cách tiết chế so với những hình ảnh chọc cười quá lố trong quá khứ. Đồng thời, cậu Út Quái là một vai diễn có chiều sâu với nhiều biểu cảm khác nhau để anh thể hiện.

Quang Trung, Việt Hương không thể cứu được phim bắt ma của Huỳnh Lập-2
Đại Nghĩa tiết chế trong "Pháp sư mù" và là điểm sáng về diễn xuất của bộ phim trừ tà.

Trong khi đó, NSND Ngọc Giàu là “nốt trầm” giữa một tác phẩm trẻ trung và thiên về hài hước. Câu chuyện người bà lớn tuổi bị con cháu bỏ rơi để lại cho khán giả nhiều bài học ý nghĩa về tình thân.

Đôi khi, “người dưng nước lã” như Tinh Lâm và bà lại yêu thương nhau nhiều hơn chính con cháu trong nhà. Nhưng sau cùng, tình thân vẫn là điều quan trọng nhất, giúp con người vượt qua khó khăn và sai lầm trong cuộc sống.

Tuy nhiên, yếu tố diễn xuất trong phim có sự chênh lệch rất lớn khi những cái tên như Phương Thanh, Lê Giang, Kiều Trinh lại quá mờ nhạt và không để lại được chút dấu ấn nào trong lòng người xem.

Nhìn chung, Pháp sư mù: Ai chết giơ tay thể hiện rõ nỗ lực của Huỳnh Lập trong việc mang đến làn gió mới cho phim Việt. Song, giá như anh đầu tư hơn cho kịch bản và loại bỏ bớt những nhân vật thừa thãi, tác phẩm sẽ tốt hơn rất nhiều.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Theo Zing


Quang Trung huỳnh lập Việt Hương

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao