Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ mắc tay chân miệng

Người lớn chỉ chú ý tới việc rửa tay cho trẻ mà quên mất việc vệ sinh cho chính mình. Sai lầm này khiến các bậc phụ huynh vô tình trở thành nguồn lây bệnh cho con.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM), cho hay bệnh tay chân miệng lưu hành ở miền Nam quanh năm. Tuy nhiên, thời gian trẻ tựu trường, số ca mắc tăng lên cao. Hiện tại, khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 40-50 bệnh nhi.

Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ mắc tay chân miệng-1
Mỗi tuần Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị cho khoảng 50-60 trẻ mắc chân tay miệng. Ảnh: Phú Mỹ.

Bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.


Trẻ mắc bệnh từ đôi tay của cha mẹ

Theo bác sĩ Khanh cách phòng tay chân miệng là cần phải rửa tay đúng cách. Trẻ bị bệnh cần phải được nghỉ học và chăm sóc tại nhà và thông báo cho nhà trường để phòng ngừa virus có trong lớp học.

“Hiện nay, khi phòng bệnh tay chân miệng người lớn chỉ chú ý tới việc rửa tay cho trẻ con mà quên mất việc rửa tay cho chính mình. Người lớn có mang virus nhưng không phát bệnh, nên virus có nguy cơ bị nhiễm sang trẻ nhỏ”, bác sĩ Khanh nói.

Việc rửa tay với nước sạch chỉ làm giảm bớt được số lượng của virus gây bệnh. Vì vậy, cha mẹ lưu ý phải rửa tay bằng xà phòng ít nhất 15 giây, sau đó rửa sạch lại bằng nước sạch. Nếu chỉ vệ sinh trong chậu, virus sẽ bám lại tay và gây bệnh cho trẻ nhỏ.


Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Theo Zing


Tin tức mới nhất