Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện

Không minh bạch rõ ràng dòng tiền thu - chi khi kêu gọi quyên góp từ thiện có thể khiến danh tiếng nghệ sĩ xuống dốc, thậm chí đánh mất sự nghiệp, hợp đồng quảng cáo.

"Trách nhiệm của nghệ sĩ nhận tiền từ khán giả là phải công bố rõ ràng, rành mạch toàn bộ dòng tiền ra và vào, tiền được dùng vào việc gì, chi tiêu bao nhiêu. Hơn nữa, muốn chứng minh bản thân trong sạch, chẳng gì dễ hơn là minh bạch khoản tiền từ thiện nghệ sĩ đã nhận được", nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn chia sẻ 

Đồng tình quan điểm với chuyên gia Lê Ngọc Sơn, nhiều khán giả nhận định minh bạch khoản tiền kêu gọi để làm từ thiện là trách nhiệm bắt buộc của nghệ sĩ. Nếu không làm được việc này, danh tiếng của nghệ sĩ bị tổn hại nghiêm trọng.

Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-1
Trấn Thành công bố 1.000 trang sao kê sau khi vướng lùm xùm liên quan đến tiền quyên góp từ thiện. Ảnh: Hiền Max.

Khi công chúng yêu cầu minh bạch, thì đừng chậm trễ

Với quan điểm minh bạch trong từ thiện không phải là cuộc đấu đá cá nhân, Đằng Phương - nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, quản lý nghệ sĩ lâu năm, là người giúp Đông Nhi thành danh - cho rằng việc công khai minh bạch khoản tiền từ thiện là hành động cấp bách nhất để chứng minh sự trong sạch của nghệ sĩ.

Theo nhạc sĩ Đằng Phương, nghệ sĩ làm từ thiện với tư cách một công dân bình thường, nhưng có sức ảnh hưởng với một nhóm khán giả nhất định. Không phải hình thức từ thiện đại diện cho một cơ quan đoàn thể nào, nên nghệ sĩ khi làm từ thiện là hành động mang tính tự nguyện, xuất phát từ cá nhân.

Do đó, nghệ sĩ không nên than trách, hờn dỗi khán giả hay thách đố ai đó khi bị đặt câu hỏi về tính minh bạch và động cơ làm việc.

Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-2
Nhạc sĩ Đằng Phương đưa ra quan điểm nghệ sĩ không nên hờn dỗi, oán trách khán giả khi được yêu cầu cung cấp sao kê tài khoản từ thiện. Ảnh: NVCC.

"Tôi cho rằng mọi người đang sa đà vào cuộc chiến cá nhân khi được yêu cầu giải trình. Và khi đưa ra sao kê, họ cũng xem đó là thành tích vẻ vang, trong khi đấy là cái nghĩa vụ rất cơ bản và đương nhiên phải làm", nhạc sĩ Đằng Phương nói.

Anh cũng chia sẻ quan điểm không riêng nghệ sĩ, với bất kỳ ai khi đứng ra nhận tiền và đại diện một tập thể làm từ thiện, yếu tố minh bạch và công khai là điều hiển nhiên, là bổn phận và trách nhiệm với những người đã tin tưởng và gửi gắm gửi tiền quyên góp cho nghệ sĩ.

Theo nhạc sĩ Đằng Phương, minh bạch thu chi, công bố sao kê vốn là việc phải làm từ ban đầu, để tránh những ồn ào trong cộng đồng như hiện tại. Không cần chờ dư luận hỏi, người làm từ thiện mới chứng minh.

Anh chia sẻ thêm: "Tôi cũng hiểu tâm lý các bạn nghệ sĩ khi đã bỏ công sức làm từ thiện nhưng lại bị công chúng quay lưng. Sẽ không dễ dàng gì, nhất là những người làm nghệ thuật lại nhạy cảm và có cái tôi lớn, nhưng khi được công chúng yêu cầu minh bạch thì tốt nhất đừng chậm trễ".

Nhạc sĩ Đằng Phương cho rằng nghệ sĩ gạt bỏ một chút cái tôi của bản thân, để có thể xử lý vấn đề ổn thỏa hơn. Hành động này không chỉ nhằm giữ lại quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng, mà còn là vấn đề niềm tin với những đơn vị làm từ thiện khác.

"Tôi đánh giá cao hành động của anh Lý Hải, và gần đây là Trấn Thành. Vẫn có ý kiến trái chiều về mức độ xác thực (của sao kê), nhưng ít nhất hành động trên cho thấy thiện chí của nghệ sĩ. Còn vấn đề đúng sai cuối cùng, hãy để những người có chuyên môn và pháp luật phán xét", anh nói thêm.

Minh bạch là trách nhiệm cấp bách

Ởgóc nhìn nghệ sĩ phải chịu sự ràng buộc của các bộ luật, trong đó có điều khoản về việc làm từ thiện, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng quy tắc ứng xử hoặc điều khoản luật sẽ giúp nghệ sĩ có trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xã hội, đồng thời tránh được những "con sâu làm rầu nồi canh".

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: "Nhiều sự việc xảy ra theo cảm tính của con người, đặc biệt là với người làm nghệ thuật. Nhưng hoạt động xã hội cần một điều duy nhất, đó là lý tính. Đặc biệt, trong việc nhận tiền làm từ thiện, bất kỳ ai cũng phải lý trí, bình tĩnh và luôn rõ ràng về chuyện thu - chi".

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng khán giả không nên đánh đồng danh tiếng ở mảng nghệ thuật của nghệ sĩ với các vấn đề khác, từ đó dẫn đến hành động cảm tính về tiền bạc và làm từ thiện.

Cô nói: "Khi bàn đến nghệ sĩ, người ta sẽ hình dung những hoạt động họ đã có thành tích, hiệu quả. Nhưng những điều này không phải thước đo đảm bảo bằng vàng cho những hoạt động xã hội khác".

Một khi đã nhận được khoản tiền lớn từ các mạnh thường quân, nghệ sĩ - trên danh nghĩa thay mặt cộng đồng làm từ thiện - có nghĩa vụ và trách nhiệm công khai đầy đủ, rõ ràng toàn bộ dòng tiền ra - vào trong tài khoản mà không cần bất kỳ ai nhắc nhở.

"Là nghệ sĩ, khi đứng ra kêu gọi từ thiện, họ phải chuẩn bị sẵn sao kê cuối kỳ, phải thông báo rõ ràng cho khán giả và những người đã quyên góp tiền rằng họ đã tiêu tiền vào đâu, chuyển tới tài khoản nào. Ở thời điểm này, khi được nhắc nhở, nghệ sĩ mới đưa giấy tờ ra, khiến mọi giấy tờ đều bị khán giả đưa vào diện 'cần xem lại'", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm.

Theo nhận định của luật sư Nguyễn Thế Truyền (thành viên Đoàn luật sư TP. HN), các mạnh thường quân hay những cá nhân có đóng góp vào tài khoản từ thiện của nghệ sĩ có quyền được biết và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện của người đứng ra kêu gọi quyên góp.

Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-3
Đại Nghĩa cũng phải lên tiếng giải trình và đăng tải hàng trăm trang sao kê khi bị nhắc tên trong danh sách những sao làm từ thiện thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Bá Ngọc.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, cách kêu gọi quyên góp và làm từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay đều thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó, công tác thiện nguyện vốn là việc yêu cầu tính chuyên nghiệp rất cao.

Luật sư Truyền cho rằng việc làm từ thiện tự phát, không qua một quỹ hoặc tổ chức chuyên nghiệp có sự giám sát của pháp luật dễ dẫn đến sai sót, khó tránh được vấn đề lạm dụng hoặc xảy ra điểm bất thường trong thu chi.

Do đó, ông nhấn mạnh khi làm từ thiện, nghệ sĩ càng tự giác minh bạch, càng tạo được uy tín với khán giả.

Hệ quả của việc từ thiện thiếu chuyên nghiệp

Sau nhiều vụ việc lùm xùm về khoản tiền quyên góp từ thiện, nghệ sĩ Việt dần đánh mất lòng tin của khán giả. Không những đánh mất lòng tin vào tấm lòng thiện nguyện, tinh thần nhân ái, khán giả còn đánh mất cả sự nhiệt tình yêu mến dành cho cá nhân nghệ sĩ.

Trong nhận thức của khán giả đại chúng, nghệ sĩ không dám công khai minh bạch chứng tỏ họ có điều khuất tất. Ngay cả khi đã công khai toàn bộ sao kê (lên tới con số 1.000 tờ giấy A4) như Trấn Thành, khán giả vẫn sẵn sàng chỉ trích nam MC vì không tự giác minh bạch khoản thu chi ngay từ đầu. Việc Trấn Thành đợi tới khi khán giả lên tiếng phản ánh mới đưa ra sao kê khiến dư luận mất cảm tình.

Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-4
Vợ chồng Lý Hải - Minh Hà được khán giả khen ngợi khi luôn có ý thức tự công khai minh bạch khoản thu - chi của các hoạt động từ thiện. Ảnh: Phương Lâm.

Khi nghệ sĩ không minh bạch kịp thời, tất yếu gây ra làn sóng phản ứng từ dư luận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp nghệ sĩ như bị khán giả tẩy chay, nhãn hàng cắt hợp đồng đại diện. Đây cũng là vấn đề có thể xảy ra với bất kỳ ngôi sao nào bị khán giả chỉ trích, tẩy chay.

Nghệ sĩ Hoài Linh khiến người hâm mộ thất vọng khi chậm trễ trong việc giải ngân 15,2 tỷ đồng quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung. Phải đến khi bị dư luận ép giải trình, Hoài Linh mới thừa nhận bản thân chưa trao khoản tiền trên tới tay người dân vùng lũ.

Khán giả thất vọng, chỉ trích nghệ sĩ Hoài Linh. Từ nghệ sĩ được ví như "ngôi sao quốc dân" và được nhà nhà yêu mến, nam danh hài đánh mất danh tiếng xây dựng suốt hai thập kỷ.

Hành động kém minh bạch, thiếu tự giác khi kêu gọi từ thiện của nghệ sĩ không chỉ khiến danh tiếng nghề nghiệp của nghệ sĩ xuống dốc, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường, sức khỏe tinh thần của họ khi phải đối mặt với lời chỉ trích của hàng triệu khán giả.

Thủy Tiên là trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất, khi cô không những chậm trễ đưa ra sao kê, mà còn từng khiến khán giả thắc mắc khi tổng kết chi tiêu khoản tiền gần 180 tỷ đồng chỉ trên một mặt giấy A4 viết tay.

Ban đầu, khi kêu gọi quyên góp và đích thân ra miền Trung lội nước cứu trợ đồng bào, khán giả yêu mến gọi nữ ca sĩ bằng nhiều biệt danh mỹ miều như "cô tiên đời thực", "cô tiên quốc dân". Nhưng khi thấy dấu hiệu thiếu minh bạch, chính những người từng yêu mến, góp tiền vào tài khoản của Thủy Tiên đã quay lưng và lên án cô.

Gần một năm trôi qua, hiện nay tên tuổi của Thủy Tiên chỉ gắn liền với những lời mỉa mai, đàm tiếu. Ngay cả khi cô livestream và bật khóc trước những lời chỉ trích của khán giả, nữ ca sĩ cũng không nhận được bất kỳ lời cảm thông nào. Thay vào đó, khán giả chỉ liên tục yêu cầu cô đưa ra sao kê cụ thể cho khoản tiền gần 180 tỷ đồng.

Hiện tại, Trấn Thành đã công bố sao kê như lời khẳng định bản thân sẵn sàng chịu trách nhiệm và đối mặt với sự tin tưởng trước đó của khán giả. Còn Thủy Tiên, khi nào cô và chồng mới hành động, không chỉ để lấy lại lòng tin của khán giả, mà để cứu lấy danh tiếng và sự trong sạch của chính mình?

Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-5Nghệ sĩ Việt đừng thách đố khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện-6
Hoài Linh, Thủy Tiên bị khán giả quay lưng vì vấn đề kêu gọi quyên góp làm từ thiện. Ảnh: Bá Ngọc.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nghe-si-viet-dung-thach-do-khi-bi-yeu-cau-minh-bach-tu-thien-post1261139.html?fbclid=IwAR0mUGs-22Y2NdD6QHs2a2oveHldbv3WznMS46mjyjue4IeOJGAZhi2tS3Q

Từ Thiện Showbiz Việt Thủy Tiên Hoài Linh Trấn Thành

Tin tức mới nhất