Sau sinh, mẹ trầm cảm, bỏ chăm con vì nghiện Facebook

Người mẹ trẻ phải điều trị tại bệnh viện tâm thần do chứng trầm cảm sau thời gian dài nghiện điện thoại, Facebook.

TS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết khoa đang điều trị cho ba bệnh nhân còn rất trẻ nghiện Facebook phải nhập viện.

Nguyễn Thị Tú (26 tuổi, ở Hà Nội, đã đổi tên) là một bệnh nhân trầm cảm nặng do nghiện Facebook trong một thời gian dài.

Theo chia sẻ của người nhà, trong thời gian mang bầu, Tú bị động thai nên nghỉ việc ở nhà. Trong thời gian này, cô liên tục dùng điện thoại để giải trí.

Sau sinh, mẹ trầm cảm, bỏ chăm con vì nghiện Facebook-1
Nữ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. 

Tuy nhiên, sau khi sinh con, bà mẹ trẻ này vẫn không rời được chiếc điện thoại, thậm chí có những thái độ kỳ lạ như bỏ bê trông con, quên cho con bú. Đặc biệt khi đưa con về nhà bố mẹ đẻ, Tú liên tục đóng kín cửa, nhốt mình trong nhà, chỉ nằm ôm điện thoại, không tiếp xúc với ai, không ở cạnh con.

Tình trạng này xảy ra liên tục gần một tháng. Sau khi khuyên can không thành công, gia đình đã đưa Tú đi viện khám. Kết quả, cô bị trầm cảm và phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).  

Sau đó, khi trở về nhà, việc gia đình cắt internet, cấm dùng điện thoại đã khiến người mẹ này xuất hiện những hành vi chống đối và bệnh càng nặng hơn. Cô không ăn, không nói, nằm bất động, đại tiểu tiện tại chỗ… Người bệnh được chuyển xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị.

“Khi mới vào viện, bệnh nhân phải ăn qua đường xông, nằm bất động khiến các nhân viên y tế và người nhà rất vất vả trong việc chăm sóc. Đến nay, sau hai tuần điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực mặt mũi hồng hào, tinh thần khoan khoái hơn và bắt đầu ăn được. Tuy nhiên, để khỏi bệnh, chúng tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian”, TS Phương cho biết.

Sau sinh, mẹ trầm cảm, bỏ chăm con vì nghiện Facebook-2
TS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Theo TS Phương, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.

“Khi thấy người thân, đặc biệt là trẻ vị thành niên có những biểu hiện bất thường, dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội, gia đình cần sớm đưa bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán và điều trị”, TS Phương khuyến cáo.

Người trẻ liên tục nhập viện tâm thần vì nghiện điện thoại

PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho biết trong vòng chưa đến 10 ngày, khoa Tâm thần, liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp mắc các chứng rối loạn tâm thần do nghiện điện thoại. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 18 tuổi, nhiều nhất là 27 tuổi.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
 


Theo Zing


trầm cảm sau sinh Mạng xã hội

Tin tức mới nhất