Snack khói – món ăn đang gây sốt có thực sự vô hại?

Nhìn làn khói bốc ngùn ngụt từ miệng khi ăn món bánh này, liệu bạn có tự hỏi nó tác động thế nào đến sức khỏe không?

Gần đây, giới trẻ Sài Gòn gần như truy lùng ráo riết một món bánh mà từ công đoạn chế biến đến lúc ăn đều bốc ra làn khói trắng như hút thuốc lá. Món ăn lạ thường kích thích sự tò mò này vẫn chưa giảm độ “hot”, mặc cho những nghi vấn về an toàn thực phẩm đặt ra xung quanh nó.

Bánh snack khói – món ăn gây sốt trong giới trẻ

Bánh snack khói thoạt nhìn có vẻ ngoài rất bắt mắt với đủ màu sắc cùng một làn khói mỏng bao quanh những viên bánh nhỏ. Được biết, người chế biến đã sử dụng một lượng ni-tơ lỏng phủ bên ngoài từng viên bánh thông qua hiện tượng đông kết nhanh. Vì nitơ lỏng ở dạng khí, lại rất lạnh nên khi bỏ vào miệng, người ăn sẽ ngay lập thức thở ra một làn khói trắng đục như nhả khói thuốc lá. Món ăn này có nhiều vị như mặn, ngọt, béo, bùi, tuy nhiên sau khi làm cần phải ăn ngay, nếu không chúng sẽ bay hơi hoặc tan chảy chỉ sau vài phút để ngoài nhiệt độ thường.



Một bạn trẻ "nhả khói" khi ăn bánh snack khói. (Ảnh: Internet)

Nhìn làn khói trắng đục bay ra từ miệng, bên cạnh số đông tỏ ra cực kì thích thú, một số người tỏ ra e ngại về tác động của ni-tơ lỏng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên dưới các hình ảnh và clip về hiện tượng “vi diệu” của loại bánh mới này, nhiều cư dân mạng bày tỏ mối lo ngại ni-tơ gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe như tổn hại đến răng và tác động xấu đến cơ quan vị giác trên lưỡi.

Món ăn này thật sự có hại?


Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần biết rằng ni-tơ lỏng là gì, công dụng của khí này trong hóa học và y học. Thường được nói đến theo công thức giả LN2, ni-tơ lỏng là một tác nhân làm lạnh (cực lạnh), có thể làm cứng ngay lập tức các mô sống khi tiếp xúc với nó với nhiệt độ khoảng -196 độ C.


Quy trình chế biến bánh snack khói. (Ảnh: Internet)

Ni-tơ lỏng được sử dụng thường xuyên trong y học, dùng để bảo quản các bộ phận thân thể cũng như các tế bào tinh trùng và trứng, các mẫu và chế phẩm sinh học. Bởi ni-tơ lỏng có khả năng đóng băng lập tức bất cứ thứ gì ngay khi vừa tiếp xúc, các bác sĩ da liễu thường dùng nó để làm khô mô da bệnh và cho phần da ấy tự bong tróc từ từ. Bác sĩ phẫu thuật cũng sử dụng ni-tơ trong công nghệ cryotherapies để loại bỏ các tế bào ung thư.

Trong ẩm thực, ni-tơ lỏng thường được dùng để làm kem, đông lạnh nhanh các loại rau hoặc rượu. Những người bartender sẽ xoay tròn chiếc li chứa ni-tơ lỏng để chúng đông lại, khi đó, chiếc li sẽ tỏa ra một làn khói đẹp mắt cho thức uống (vì ni-tơ lỏng sẽ tạo ra một màn sương mù khi tiếp xúc với không khí).


Nếu ni-tơ lỏng được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng thì nó hoàn toàn là
một điều tuyệt vời trong ẩm thực. (Ảnh: Internet)

Về việc tác động của ni-tơ lỏng đến sức khỏe con người khi sử dụng nó trong ẩm thực, giáo sư Peter Barham từ đại học Bristol cho rằng ni-tơ lỏng chỉ nên được dùng trong khâu chuẩn bị món ăn chứ không nên nuốt vào. Ông cho rằng việc không nên nuốt ni-tơ lỏng cũng tương tự như không ai uống nước sôi hay dầu sôi – điều này cho thấy mức độ nguy hiểm khi ăn hoặc uống trực tiếp ni-tơ lỏng.

Theo nhà nghiên cứu John Emsley – tác giả của nhiều quyển sách khoa học, nếu con người nuốt phải một lượng ni-tơ lỏng nhiều hơn mức cho phép – khoảng một muỗng cà phê, lượng ni-tơ này sẽ đóng băng, nhanh chóng trở nên cứng lại và giòn như thủy tinh. Và sẽ rất khủng khiếp nếu hiện tượng này xảy ra ngay bên trong ống tiêu hóa hoặc dạ dày. “Chất lỏng sẽ nhanh chóng nóng, sôi lên và biến thành khí ga, gây thủng dạ dày" – ông John cho biết.


Sử dụng ni-tơ lỏng trong pha chế. (Ảnh: Internet)

Trước đây, Liên đoàn ẩm thực Mĩ đã thực hiện một nghiên cứu về thu nhập của các đầu bếp thuộc xu hướng ẩm thực phân tử vào năm 2011, thì kết quả cho thấy nhóm đầu bếp này có thu nhập cao nhất trong ngành công nghiệp ẩm thực nói chung. Từ đó, Viện Ẩm thực của Mỹ đã lập một chuyên ngành có tên gọi là khoa học ẩm thực. Ở đây, các sinh viên sẽ tìm hiểu phương pháp dùng ni-tơ lỏng đúng cách để đông lạnh kem hoặc một số món cầu kì hơn như nhúng dâu tây trong nitơ lỏng, sau đó đập vỡ số dâu này đã được làm đông cứng này thành một món topping rắc lên món ăn.

Theo ông Dave Arnold – giám đốc công nghệ ẩm thực tại Viện Ẩm thực Pháp, nếu ni-tơ lỏng được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng thì nó hoàn toàn là một điều tuyệt vời trong ẩm thực. Ngược lại, nếu không được sử dụng không đúng cách, tất nhiên nó sẽ gây ra nhiều mối nguy hiểm.

Theo Thế giới trẻ

Tin tức mới nhất