Số phận bi thương của diễn viên đóng thằng Bờm

Diễn viên Nguyễn Hoàng Hiệp đã duyên dáng nhập hồn vào nhân vật Bờm đầy hồn nhiên, chân thật. Phải chăng, anh đã mang cuộc đời bi thương của chính mình vào thân phận thằng Bờm.

Bộ phim Thằng Bờm của đạo diễn Lê Đức Tiến đã được làm gần 30 năm về trước, vào năm 1987.

Đây là bộ phim đánh dấu một cuộc hội ngộ duyên dáng của các gương mặt điện ảnh đáng nhớ gần 30 năm về trước là NSND Trịnh Thịnh (ông của Bờm), NSND Trần Tiến (thầy đồ), NSƯT Lê Vân (vợ Bờm) và Nguyễn Hoàng Hiệp (Bờm), Trọng Phan (bố của Bờm)...

 Hoàng Hiệp vào vai thằng Bờm năm 1987.
Hoàng Hiệp vào vai thằng Bờm năm 1987.


Trong phim, Bờm tuy ngốc dại nhưng may mắn lại có cô vợ không những xinh đẹp mà còn rất thông minh.

Ông nội Bờm đã dạy học thầy không tày học vợ, bởi thế nên vợ Bờm đã là người đỡ cho Bờm khá nhiều những trò đùa có phần ác của dân làng khi cố tình chọc ghẹo một người ngu ngơ như Bờm.

Trên Tuổi trẻ đã miêu tả Bờm của Hoàng Hiệp rất đáng yêu, luôn mơ ước về một tương lai tốt đẹp: được võng lọng ngựa xe, áo gấm về làng, được trân trọng, được yêu quý.

Bờm rất cầu thị: học bố, học ông nội, học bố vợ và học cả vợ. Bờm rất lương thiện: Phú ông xin đổi nào trâu nào bò, nào gỗ lim, nào ao sâu cá mè nhưng Bờm khẳng khái: tự tôi cũng sẽ có, tự tôi sẽ làm được.

Nhưng rồi Bờm chỉ học được ba chữ và cho rằng như thế đã là đủ. Bờm vội vã đeo tay nải đi làm thầy thuốc, mang lưng vốn của vợ đi buôn, gánh lều chõng đi giành giải trạng nguyên.

 Anh đã diễn tả xuất sắc một Bờm vừa khôn vừa dại.
Anh đã diễn tả xuất sắc một Bờm vừa khôn vừa dại.


Tất nhiên Bờm sẽ làm hỏng tất cả. Bệnh nhân đuổi đánh thầy lang Bờm. Người làng bên lừa bán đàn vịt trời cho anh lái buôn ngẩn ngơ. Gánh lều chõng cháy tan... Chẳng giấc mơ nào có thật nếu không có con đường đi.

Chẳng thành công nào đến mà không phải đổ mồ hôi cho học tập, cho trải nghiệm. Đầu phim, tam đại đồng đường nhà Bờm hể hả: “Cả họ nhà mình khôn” giữa sân vườn tan nát bởi chính bàn tay ông chặt, bố chặt, con chặt.

Cuối phim, ông nội và bố Bờm vác cáng cõng Bờm về, diễn nốt tấn tuồng “võng lọng ngựa xe”, và khóc: “Cả nhà mình, Bờm vẫn hoàn Bờm mà thôi”. Chính là lúc nhà Bờm đã bắt đầu khôn ra.

 Thằng Bờm đã đánh dấu tên tuổi của Hoàng Hiệp.
Thằng Bờm đã đánh dấu tên tuổi của Hoàng Hiệp.


Nhưng phải chăng khi Bờm khôn ra thì bi kịch của Nguyễn Hoàng Hiệp bắt đầu.

Nguyễn Hoàng Hiệp, chàng trai Hà Nội một thời từng là diễn viên tuấn tú, khôi ngô của điện ảnh và sân khấu Việt, cùng lứa với thế hệ Phương Thanh. Anh diễn không nhiều nhưng vai nào anh diễn thì đều có thể nói là "lên đồng".

Và thằng Bờm trong bộ phim cùng tên là một vai diễn như vậy. Anh đã diễn như thể anh là Bờm và Bờm chính là hiện thân của anh. Thằng Bờm đã "ám" vào Hoàng Hiệp.

Sau bộ phim Thằng Bờm, gần 10 năm sau, Hoàng Hiệp mới lại tỏa sáng một lần nữa trong bộ phim "Anh sẽ về". Và anh cũng lại vào vai một người không bình thường, một anh lính bị ảnh hưởng tâm thần sau chiến tranh.

Bộ phim này được làm lại từ vở kịch "Anh ấy không cô đơn" đã gây tiếng vang và xúc động lớn trong dư luận cách đây hơn 20 năm. Kể về một anh bộ đội bị ảnh hưởng tâm thần, không thể nhớ nổi người thân, quê quán của mình.

Được một gia đình ở Hà Nội cưu mang, chăm sóc, anh bộ đội sau đó đã tìm được quê hương và người thân... Hoàng Hiệp đã xuất sắc khi vào vai anh bộ đội điên.

Từ ánh mắt ngây dại, nụ cười ngây ngô, cử chỉ điên dại... đều làm người xem gai người. Một nhà phê bình điện ảnh khi đó đã nhận xét: "Không có Hoàng Hiệp, bộ phim này có lẽ... đổ".

Nhưng, bi kịch là Hoàng Hiệp đã mang cái ngây ngô của Bờm, cái điên của anh bộ đội ra cả ngoài đời thực. Hoàng Hiệp đã không thoát ra được những vai diễn của chính mình, lúc nào anh cũng nghĩ mình là Bờm.

"Bờm" Hoàng Hiệp uống rượu, "Bờm" Hoàng Hiệp đi lang thang... Vợ Hoàng Hiệp, một diễn viên cải lương tài sắc, đã yêu thương Hoàng Hiệp hết lòng nhưng cuối cùng cũng đã phải đem con bỏ đi tìm hạnh phúc khác.

"Bờm" Hoàng Hiệp như dòng suối hết nguồn. Hoàng Hiệp thành Bờm thật. Rồi, Hoàng Hiệp về với cõi hư vô... cũng đã vài năm rồi.

"Thằng bờm Nguyễn Hoàng Hiệp hiện lên, tay cầm cái quạt mo vung vẩy và nụ cười trong sáng, hắn vừa đi vừa nghêu ngao: “Thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò chín trâu..." (trích Ký ức về Người nghệ sĩ điên trong tùy bút của Đặng Hà My).

Theo Giadinh

Tin tức mới nhất