Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc

Sau vòng thi trang phục dân tộc tại Miss Grand Vietnam 2022, chủ đề này được giới mộ điệu bàn tán sôi nổi với những luồng ý kiến trái chiều.

National costume (trang phục dân tộc/ trang phục truyền thống) là phần thi phụ không thể thiếu tại các cuộc thi hoa hậu quốc tế như Miss Universe, Miss Earth, Miss International, Miss Grand International.

Thông thường, mỗi thí sinh mang đến bộ trang phục được thiết kế dựa trên ý tưởng về văn hóa dân tộc, nghệ thuật, ẩm thực, du lịch... của đất nước mình. Ban tổ chức sẽ tổ chức một buổi trình diễn và trao giải trang phục ấn tượng nhất.

Riêng Miss World không tổ chức thi, nhưng thí sinh vẫn chuẩn bị trang phục dân tộc để biểu diễn ở phần mở màn Dances of the World.

Quan sát vòng thi trang phục truyền thống tại các đấu trường nói trên có thể thấy không có quy định cụ thể về việc phải thiết kế theo tiêu chí nào. Nhiều bộ đồ được làm cầu kỳ, tỉ mỉ với thông điệp rõ ràng, song cũng có những trang phục chỉ đơn giản như mẫu đầm dạ hội thường ngày.

Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-1

Nhiều thiết kế độc đáo trên đấu trường quốc tế

Những năm qua, sân khấu Miss Universe hay Miss Grand International không thiếu những bộ cánh độc lạ đúng nghĩa, thậm chí gây tranh luận. Ví dụ, năm 2016, đại diện Myanmar - Htet Htet Htun - mang hình ảnh sân khấu múa rối thu nhỏ đến Miss Universe và giành chiến thắng.

Đến bây giờ, giới mộ điệu chắc hẳn cũng chưa quên khoảnh khắc người đẹp Thái Lan Aniporn Chalermburanawong xuất hiện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015 với trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ xe Tuk Tuk kèm hiệu ứng đèn pha chiếu sáng. Màn biểu diễn sôi nổi, độc đáo của cô từng được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn sắc đẹp.

Năm 2020, người đẹp Thái Lan Amanda Obdam được chú ý khi lựa chọn trang phục dân tộc ở Miss Universe là bộ đồ mang hình dáng cá chọi xiêm, loài cá là động vật thủy sinh quốc gia.

Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-2
Aniporn Chalermburanawong mang thiết kế ấn tượng đến Miss Universe. Ảnh: Misosology.

Những mẫu thiết kế ấn tượng tại Miss Grand International có thể kể đến bộ đồ lấy cảm hứng từ chợ nổi Thái Lan của người đẹp Chanrarapadit Namfon (năm 2020), trang phục "thịt gà xiên" của đại diện Indonesia (mùa thi 2020).

Năm 2021 - mùa Thùy Tiên đăng quang, đại diện Hong Kong trở thành tâm điểm với màn vừa trình diễn vừa ăn dimsum theo phong cách hài hước. Hình ảnh của cô tràn ngập trên các diễn đàn sắc đẹp.

Lishalliny Karanan, người đẹp Malaysia, gây choáng ngợp với bộ cánh cồng kềnh nhiều chi tiết, được lấy cảm hứng từ điệu múa dân gian Ulek Mayang của quốc gia này. Trang phục được thiết kế kết hợp bánh xe để thí sinh thuận tiện di chuyển trên sân khấu.

Nhìn chung, với sự hấp dẫn và tính giải trí cao, phần thi trang phục dân tộc hàng năm được giới mộ điệu trông đợi không kém những màn trình diễn áo tắm.

Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-3Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-4Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-5
Trang phục dân tộc tại các mùa Miss Grand International. Ảnh: MGI.

Trang phục dân tộc của người đẹp Việt khác xưa

Thời gian đầu tham gia đấu trường hoa hậu quốc tế, trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam chủ yếu xoay quanh tà áo dài, áo tứ thân, mấn, nón lá. Từ đây, các nhà thiết kế sáng tạo bằng cách thêm thắt chi tiết, đính kết họa tiết, hoa văn ấn tượng, chọn chất liệu truyền thống làm điểm nhấn.

Võ Hoàng Yến, Trương Thị May, Diễm Hương, Phạm Hương đều mặc áo dài khi thi Miss Universe. Năm 2013, mẫu áo dài lấy ý tưởng từ hoa sen của Trương Thị May, do Thuận Việt thiết kế, từng được Missosology bình chọn vào top 10 trang phục đẹp nhất.

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, các người đẹp Việt bắt đầu thử nghiệm những trang phục khác lạ, mới mẻ hơn. Lệ Hằng mặc thiết kế mang hình ảnh "lờ bắt cá", có dáng dấp như bông lúa và được kết lại tạo hình hoa sen. Tiếp đến, H'Hen Niê mang váy bánh mỳ tới Miss Universe 2018 và từng khiến dư luận tranh cãi.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, một bộ phận khán giả cho rằng trang phục không đẹp mắt và chưa phải món ăn đặc trưng của người Việt.

Ngoài ra, Hoàng Thùy diện bộ jumpsuit lấy cảm hứng từ cà phê phin sữa đá, Kim Duyên trình diễn váy bánh tét rực rỡ màu sắc. Năm 2021, trên sân khấu Miss Grand International, Ngọc Thảo trình diễn bộ bodysuit vàng ánh kim, nặng khoảng 30 kg và lấy ý tưởng từ nghệ thuật cây cảnh bonsai, kết hợp kim hoàn.

Theo chia sẻ từ ê-kíp, loài cây quý này vốn là biểu tượng của cuộc sống vương giả chốn cung đình thời xưa.

Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-6Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-7Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-8Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-9
Trang phục dân tộc của người đẹp Việt tại Miss Universe có nhiều thay đổi trong 5 năm trở lại đây.

Trang phục mang tên Kén Em của Khánh Vân được cựu Hoa hậu Hoàn vũ Catriona Gray đánh giá là một trong 6 bộ cánh ấn tượng nhất. Mẫu thiết kế mang ý nghĩa tôn vinh nghề dệt tơ tằm của Việt Nam, được làm trên nền phom dáng áo dài truyền thống, kết hợp thêm phần khung mới lạ.

Không thể phủ nhận với việc mở rộng chủ đề, khai thác những khía cạnh mới, sáng tạo về kiểu dáng, chất liệu, trang phục dân tộc của người đẹp Việt trên đấu trường quốc tế ngày càng đa dạng, thú vị hơn.

Giới hạn nào cho sự sáng tạo

Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng đi kèm ý kiến trái chiều. Trong năm 2022, hai cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam - Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Hòa bình - tổ chức riêng vòng thi trang phục dân tộc. Mẫu thiết kế chiến thắng sẽ được tân hoa hậu mặc khi thi quốc tế.

Tại đây, nhiều ý tưởng mới lạ xuất hiện. Khán giả được chiêm ngưỡng những bộ cánh lấy cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, ẩm thực của người Việt.

Những tác phẩm nổi bật ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có thể kể đến Chiếu Cà Mau, Bánh tráng, Tôm tre mỹ nghệ. Với Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, thiết kế Bài chòi phố Hội, Trúc chỉ (nghệ thuật tranh trúc chỉ tại Huế), Giá đồng thiên phủ, Vũ khúc thủy đình, Mùa nước lên (hình ảnh đầm sen)... được khen ấn tượng và đẹp mắt.

Tuy nhiên, không ít tác phẩm cũng bị nhận xét nặng về tính trình diễn, sáng tạo nhưng chưa đúng tinh thần hoặc đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Ví dụ, ý tưởng món ăn được sử dụng rất nhiều - gồm phở, bún mắm, bánh tráng trộn, bánh xèo, hủ tiếu - song không phải thiết kế nào cũng được làm chỉn chu và tinh tế.

Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-10Tranh cãi về sự bất thường của trang phục dân tộc-11
Một số mẫu thiết kế tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam gây bàn tán.

Hình ảnh cô dâu mặc áo dài đỏ xuất hiện liên tục trên sân khấu đêm thi của Miss Grand Vietnam, trong đó tạo hiệu ứng mạnh nhất là mẫu thiết kế Ngày xuân vui cưới, do thí sinh Khánh Linh trình diễn.

Không đơn thuần là một trang phục, Khánh Linh kéo theo một bộ khung gồm bàn tiệc và hai hình nộm đại diện cho khách mời. Một bộ phận khán giả thích thú với màn biểu diễn hài hước này, song số khác lại không đồng tình.

Trước đó, tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, thiết kế Ủn ỉn (hình ảnh con lợn đất), Nail salon từng gây tranh cãi vì không rõ thông điệp.

Như đã đề cập ngay từ đầu, phần thi trang phục dân tộc có yếu tố giải trí và không giới hạn sáng tạo. Nhưng điều quan trọng là sáng tạo cần phải đúng, không đi quá xa chủ đề chính.

Trao đổi về vấn đề này, nhà thiết kế Thuận Việt, người từng thiết kế trang phục dân tộc cho Phạm Hương hay Trương Thị May, bày tỏ: "Theo dõi các cuộc thi thế giới, tôi thấy khả năng sáng tạo rất phong phú, không đóng khung trong hình dạng một bộ trang phục truyền thống vốn đã được định hình.

Mỗi năm phần thi này thu hút lượng người xem tương đối nhiều. Chính vì vậy mà bộ trang phục càng độc đáo thì càng bắt mắt và gây được sự chú ý. Rất nhiều trang phục được đầu tư bài bản chuyên nghiệp, ý tứ rõ ràng. Người xem có thể nhận biết được đây là bộ trang phục đến từ quốc gia nào".

Nhà thiết kế nhấn mạnh với phạm trù trang phục dân tộc thuộc khuôn khổ cuộc thi hoa hậu, tính thời trang không phải điều quan trọng. Theo anh, điều cần thiết là ý nghĩa và tính thẩm mỹ, giúp người mặc tự tin. Đồng thời, Thuận Việt cho biết không ủng hộ những thiết kế cố tính làm lố hoặc hài hước quá mức.

Trước câu hỏi đâu là giới hạn khi thiết kế trang phục dân tộc cho người đẹp Việt, Thuận Việt nhận xét các cuộc thi hiện nay đều mở rộng cho tất cả đối tượng tham dự, trong đó có các bạn còn rất trẻ, thừa sự sáng tạo nhưng lại thiếu kinh nghiệm, chưa qua trường lớp dẫn đến non tay trong việc tiết chế các chi tiết thừa mà không làm nổi bật được điểm nhấn của bộ trang phục.

"Sáng tạo nhằm tìm ra cái mới lạ phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi nhưng cũng cần phải chắt lọc nội dung ý nghĩa, cách thể hiện bộ trang phục sao cho có tính thẩm mỹ, tinh tế, vừa giữ gìn văn hoá, vừa thể hiện được trình độ, nhận thức của người làm ra bộ trang phục đó. Còn ngược lại, nếu như sa đà với những sáng tạo vô tội vạ, lai căng sẽ dẫn đến một bộ trang phục phản cảm", anh nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/su-bat-thuong-cua-trang-phuc-dan-toc-post1359244.html?fbclid=IwAR1Ml-2WZfpOeEWii-W3OzfP14o28pwCxuzgHy7wrg8RczdjZ_X32AN4W48

Trang phục dân tộc

Tin tức mới nhất