Sự thật về cây xáo tam phân có thể chữa được 5 loại bệnh ung thư

Thời gian gần đây, thông tin "thần dược" xáo tam phân chữa được 5 loại bệnh ung thư ác tính được đưa ra khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người đổ xô đi tìm "tiên dược" gây ra hiện tượng hỗn loạn.

Nhiều người đổ xô đi tìm "tiên dược" gây ra hiện tượng hỗn loạn. Giá "chợ đen" của loại thảo mộc này vì thế cũng tăng lên chóng mặt.

Tuy nhiên, trên thực tế công dụng của xáo tam phân không khủng khiếp như vậy và phần lớn số thảo dược trôi nổi ngoài thị trường là cây xáo tam phân giả.

Sự thật "tiên dược" xáo tam phân

Câu chuyện cây dược liệu xáo tam phân có thể chữa được những bệnh ung thư ác tính bắt đầu xuất hiện từ lời đồn đại của người dân một số tỉnh vùng Nam Trung bộ như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đây vốn được xem là những nơi tập trung nhiều "tiên dược" nhất cả nước. Theo ghi nhận, thông tin này được phát tán bởi một nhóm "lang băm" vùng Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Họ sau khi thu mua rất nhiều thảo mộc, cỏ dại không rõ nguồn gốc từ Campuchia về và quảng cáo đó chính là xáo tam phân kiếm khắp vùng rừng sâu Ninh Hòa.

Để thu hút người dân, nhóm con buôn khoác lên mình chiếc áo "thần y" tuyên bố xáo tam phân chữa được 5 loại bệnh ung thư ác tính.

- Ảnh 1

Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều người dân dù "bán tín bán nghi" nhưng sẵn sàng dốc hầu bao mua "thần dược". Cũng từ đó nhưng lời đồn đại về xáo tam phân lan rộng.

Xáo tam phân được giới thiệu rầm rộ để chữa 5 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung.

Trước sức mạnh diệu kỳ từ loại thuốc "cải tử hoàn sinh", người dân khắp cả nước đổ xô đi mua xáo tam phân. Từ vùng thành phố, thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng thấy xuất hiện những tay lang vườn lỉnh kỉnh ôm "tiên dược" đi bán.

Giá của xáo tam phân nhanh chóng "leo thang". Có nơi bán vài ba trăm ngàn trên 1kg, nhưng cũng có nơi "thần y" "chém" thành tiền triệu. Người bệnh phần vì không còn lối thoát, phần cố đi tìm chút hy vọng mong manh cứ thế "ném tiền qua cửa sổ".

Trong thời gian ngắn, cây xáo tam phân trở thành "sản vật" được săn tìm dữ dội nhất. Người ta lùng sục khắp các khu rừng ở Ninh Vân, Ninh Thuận, tràn sang tìm kiếm ở Đại Lãnh, Vũng Rô, Phú Yên...

Loại "thần dược" này vì thế nhanh chóng cạn kiệt. Thiếu xáo tam phân thật, con buôn, người khai thác lóa mắt trước đồng tiền thay vào đó rất nhiều cỏ dại không rõ nguồn gốc.

Sự "cuồng tín" xáo tam phân buộc rất nhiều cơ quan hữu quan phải vào cuộc can thiệp.

Thế nhưng dù cho được khuyến cáo không nên sử dụng dược liệu vỉa hè đề phòng bất trắc, rất nhiều người dân vẫn mù quáng sẵn sàng chấp nhận rước họa vào thân, "tiền mất tật mang".

Để kiểm chứng độ nóng của cây xáo tam phân, chúng tôi đã vào vai những bệnh nhân "khát thuốc" đi tìm hàng.

Và rất nhanh chóng, người viết được một "bà lang" bán dược liệu ở khu vực đường Trường Chinh (Cổng khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM) đon đả dẫn đi tìm kiếm.

Bà dẫn chúng tôi tới một kho thuốc khổng lồ với đủ loại cây cỏ, thảo dược bày bán tràn lan trên vỉa hè. Mặc cho trời nắng hay trời mưa, những "thần dược" đó không hề được che đậy, mặc bụi bặm bay vào.

Điều kỳ lạ là rất nhiều người đi đường vẫn bất chấp tất cả chen chân vào để cố giành phần mua được xáo tam phân.

Lần giở những bao dược liệu không rõ ràng tên tuổi, nguồn gốc, chúng tôi ra vẻ quan tâm hỏi đây có phải là cây xáo tam phân không?

Cây này chữa bệnh gì? Dùng thế nào? Hái thuốc ở đâu? Khi người viết chưa kịp dứt lời, người phụ nữ bán hàng đã thao thao bất tuyệt:

“Bệnh gì cũng chữa được, đặc biệt là ung thư ác tính hiệu nghiệm vô cùng. Còn việc hái thuốc thì xa lắm, không thể chỉ vì đây là bí quyết gia truyền, mà có nói thì quý khách cũng chẳng thể tự mình đi hái.

Chỉ cần quý khách có niềm tin, những thần dược chúng tôi bán sẽ chắc chắn giúp quý khách loại trừ bệnh tật ”.

Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ số xáo tam phân và thuốc Đông y trên được người phụ này đã mua lại từ nơi khác rồi mang về bán lại. Những "thần y" này đơn thuần là con buôn chính hiệu.

Họ thường chọn địa điểm là các ngã tư, cổng khu công nghiệp nơi có đông người qua lại để "chào hàng".

Các điểm nóng buôn bán xáo tam phân ở TP.HCM có thể kể đến như đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ Tân Quý (Quận Tân Bình), Võ Văn Kiệt (quận 1, 5), Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thanh)...

Trên thực tế, nếu có người tới xem thuốc mà hỏi chuyện này, chuyện kia, không mua thuốc lập tức bị "thần y" kiếm cớ đuổi đi.

Lợi bất cập hại

Để tìm hiểu công dụng thực sự của cây xáo tam phân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với y - dược sư Nguyễn Viết Xô, người có thâm niên nghiên cứu về dược liệu dân tộc.

Ông cho biết, về mặt sinh học, cây xáo tam phân còn gọi là thuốc mọi, thần xạ (Paramignya trimera), họ cam (Rutaceae).

Cây mọc phổ biến ở rừng núi một số tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Phú́Yên, Ninh Thuận... Là cây gỗ nhỏ, thân màu nâu, có gai, lá đơn mọc cách, chính vì thế mà nó còn có tên đơn diệp đằng thích.

Trên thân và cành của cây này có nhiều gai, kiểu thân của các cây họ cam. Thân cây có thể chất cứng, có đường kính từ 3-8cm, có thể vươn dài tới 5m, vỏ cây có màu vàng nhạt, trên thân khi cắt lát vẫn để sót lại các vết sẹo của những cái gai.

Lá đơn, mép cong xuống phía dưới, hình thuôn hẹp, phiến lá dày, phía trên xanh đậm, phía dưới nhạt. Rễ cứng màu vàng đậm".

Về phương diện y học, việc nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trong xáo tam phân có thành tố gây ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư: gan, phổi, vú, tử cung, buồng trứng.

Tuy nhiên, vị y - dược sư khẳng định, nghiên cứu trên thực nghiệm đến lâm sàng còn phải trải qua một quá trình rất dài. Thực nghiệm chỉ mang tính gợi mở những ý tưởng để tham khảo, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo mà thôi.

Để có thể trị được ung thư từ một cây thuốc, các nhà khoa học phải tiến hành chiết xuất các thành phần hóa học có tác dụng ức chế một hay nhiều loại tế bào ung thư nào đó.

Dù khẳng định xáo tam phân có khả năng gây ức chế tế bào ung thư nhưng, y - dược sư Xô khuyến cáo: "Việc sử dụng xáo tam phân, cũng như các loại dược liệu dân gian khác có rất nhiều ưu điểm, chẳng hạn như ít để lại di chứng, tác dụng phụ, dễ thích ứng...

Tuy nhiên, nếu sử dụng dược liệu không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Hơn nữa phần lớn xáo tam phân được bày bán là hàng giả, hàng nhái.

Những người bán thuốc dạo chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian, hoặc vì lợi nhuận họ sẵn sàng bất chấp tất cả.

Những người này không hề nắm được đặc tính, tố chất có trong xáo tam phân... nếu người dùng dược liệu xáo tam phân không thích ứng với tố chất có trong cây thuốc sẽ dẫn đến hiện tượng "khắc thuốc" gây ra tác dụng phụ là rất nguy hại.

Về cơ bản, nếu người bệnh muốn sử dụng dược liệu, thuốc đông y nên tìm đến phòng khám, cơ sở đạt tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính mình".

Cùng quan điểm với vị y – dược sư tâm huyết, lương y Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Đông y quận Tân Bình, TP.HCM, trăn trở:

“Việc bày bán thuốc đông dược, không chỉ riêng xáo tam phân, ngoài đường như vậy là không khả thi, thiết nghĩ đó chỉ là một hình thức kinh doanh kiếm lời của một nhóm người nào đó.

Nhiều đối tượng đang lợi dụng vào lợi thế có thật của cây xáo tam phân để kinh doanh trái phép kiếm lời, vấn nạn này gây ảnh hưởng và mất uy tín của nghề thấy thuốc.

Với xáo tam phân nói riêng và các dược liệu vỉa hè khác nói chung, chúng ta cần phải thận trọng hơn trong tình trạng phân biệt thuốc thật và giả nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc, tránh trường hợp lợi bất cập hại.

Tôi nghĩ để chấm dứt hiện trạng này cần phải có sự can thiệp từ cơ quan chức năng, cũng như sự phản ánh của truyền thông để người dân hiểu rõ hơn”.

Để giúp người bệnh có lựa chọn đúng đắn khi tìm mua xáo tam phân, ngoài việc khuyến cáo họ nên mua ở cơ sở có giấy phép, uy tín, y – dược sư Nguyễn Viết Xô còn chỉ ra bí quyết như sau:

"Dựa vào đặc điểm, cây xáo tam phân có rễ cứng màu vàng đậm. Rễ có vị đắng nhẹ, hơi chát, hơi ngọt, ngửi có mùi thơm của tinh dầu. Đặc điểm này cũng gần giống với các vị và mùi của các cây họ cam.

Điều này giúp chúng ta có thể phân biệt được với các loại xáo tam phân giả: thân và rễ không có màu vàng mà hơi xám, khi nhấm thì có vị đắng, không ngọt, không thơm.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách phân biệt mang tính chất cảm tính, tính chất sơ bộ mà thôi".

Theo Người đưa tin


Tin tức mới nhất