Sự thật về cụ bà 60 tuổi vác 1 tấn xi măng được trả 30.000 đồng

Con cháu của cụ De đều trưởng thành, lo toan công việc đồng áng. Hàng ngày, cụ chỉ ở nhà trông nhà, chăm gà vịt,... thời gian rảnh mới tranh thủ kiếm thêm.

Những ngày qua, cư dân mạng xôn xao trước đoạn đoạn video ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ dân tộc thiểu số, tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm công việc nặng nhọc khiến nhiều người không khỏi đau lòng, xót xa.

Theo hình ảnh trong đoạn clip quay từ cửa hàng vật liệu xây dựng, cụ bà mặc một lớp áo mưa, đầu đội chiếc áo khoác mũ trùm đã rất cũ đang nặng nhọc khuân từng bao xi măng trên vai để kiếm tiền. 

Qua clip có thể thấy, dáng người cụ bà gầy gò, khuôn mặt, mái tóc bạc trắng vì bụi xi măng nhưng vẫn cố gắng "cõng" bao xi măng hơn 50kg. Chứng kiến cảnh này nhiều người không khỏi xót xa. 

Theo người đăng tải clip, những hình ảnh này được anh quay trong một chuyến giao hàng lên xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bên dưới đoạn clip, nhiều người bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh của cụ.


Đoạn clip ghi lại cảnh cụ bà vác bao xi măng được đăng tải trên MXH trước đó

Đáng chú ý, ngay sau khi đăng tải, đoạn clip nhận được nhiều thông tin trái chiều như: chủ của kho phân phối xi măng này đang bóc lột sức lao động của người già khi chỉ trả cho cụ bà 30.000 đồng cho 1 tấn xi măng, có nghĩa là trung bình 1.500 đồng cho 1 bao xi măng nặng 50 kg.

Nhiều thông tin khác cũng cho rằng bà cụ vất vả kiếm từng đồng để nuôi cả gia đình có đông con cháu.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh T.V.S, chủ tài khoản đăng tải đoạn clip, anh cho biết trong một chuyến giao hàng lên xã Y Tý bắt gặp cảnh tượng những người phụ nữ đã cao tuổi nhưng vẫn phải lao động vất vả để nhận số tiền công là 30.000 đồng cho một tấn xi măng.

Do đó, anh T.V.S quyết định quay lại để chia sẻ lên tài khoản TikTok cá nhân của mình với mong muốn tự tạo động lực cho bản thân và để biết nghĩ đến mẹ mình nhiều hơn.

“Mình chỉ vô tình nhìn thấy các bà làm việc vất vả nên quay lại thôi. Đến đây làm có 3 bà đều cao tuổi. Các bà làm ở đây là đều dựa trên tinh thần tự nguyện không ai ép ai cả.

Cô chú kho hàng xi măng thấy các bà ấy khổ không có việc làm nên cũng tạo điều kiện cho các bà làm việc, mà các bà không chỉ làm bốc vác ở đây mà còn làm nhiều việc khác như dọn dẹp nhà cho cô chú và nhiều nhà khác quanh đó nữa...

Các bà làm được các bà mới dám làm, không ai bắt các bà làm để bóc lột các bà như mọi người nói đâu”, anh S. nói với Thanh Niên

Bên cạnh đó, trước những thông tin trái chiều về câu chuyện của cụ bà, mới đây YouTuber Trình Tường TV đã tới tận ngôi nhà của bà cụ người dân tộc để cùng trò chuyện và tìm hiểu hoàn cảnh.

Sự thật về cụ bà 60 tuổi vác 1 tấn xi măng được trả 30.000 đồng-1
Sự thật về cụ bà 60 tuổi vác 1 tấn xi măng được trả 30.000 đồng-2
Cụ bà Ly Đơ De (ngồi trước)

Theo chủ nhân kênh này, bà có tên là Ly Đơ De năm nay 62 tuổi, sống tại thôn Tả Gì Thàng, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm xã khoảng 500 m. Ngoài cụ De còn có 3 bà đều U60.

Hoàn cảnh gia đình của cả 3 cụ đều ổn, không thuộc diện khó khăn, đặc biệt là cụ De. Ngôi nhà khang trang của cụ De nằm cạnh ngôi nhà nấm truyền thống của đồng bào Hà Nhì, 3 tầng kiên cố đang xây dựng, hiện mới đổ xong mái tầng 2. 

Các con cháu của cụ De đều trưởng thành, lo toan công việc đồng áng. Cụ De hàng ngày chỉ ở nhà trông nhà, chăm gà vịt,.. thời gian rảnh mới tranh thủ làm công việc bốc vác xi măng chứ không phải cụ là lao động chính như thông tin lan truyền trên MXH. 

Trao đổi về mức giá 30.000/tấn, các cụ bà nói rằng khi nhận lời bốc vác, cả bên thuê và bên làm đều thống nhất tiền công với mức giá trên và cũng là giá thị trường chung. Với mức giá này, cả 3 bà đều đồng ý và nói rằng xứng đáng với công sức chứ không phải "bóc lột" như trên cư dân mạng lan đồn đoán. 

Trước khi rời đi, các bạn trong nhóm Trình Tường TV đã tặng cho mỗi cụ 500.000 đồng.

Hiện tại, người quay clip và đăng tải trên TikTok đã gỡ clip và  có bài viết đính chính lại sự việc trên Facebook của mình về những thông tin liên quan đến việc chủ nhà kho phân phối xi măng bóc lột sức lao động của người già. 

HT (t/h)
Theo Vietnamnet


người dân tộc cụ bà

Tin tức mới nhất