Sư Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ: Luật sư nói 'sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra?'

Thầy Thích Tâm Vượng cũng thông tin, việc sư Toàn xin giữ lại tài sản mang tên cá nhân sẽ được xem xét giải quyết ngay trong tháng 10 này.

UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vừa hoàn tất báo cáo về sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép của nhà sư Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng vừa bị bãi nhiệm ngày 7/10 vừa qua).

Trong đó có thông tin UBND huyện Tam Đảo nhiều lần xử lý sai phạm của nhà sư Thích Thanh Toàn. Cụ thể, trong 6 năm liền (từ 2012 đến 2017), sư Toàn liên tục bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về các vi phạm đất đai như: lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Mặc dù đã nộp phạt nhưng sư Toàn vẫn không tháo dỡ công trình vi phạm.

Tối 7/10, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Hòa thượng Thích Thanh Duệ, Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cho Đại đức Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, SN 1976, quê Quảng Trị) xả giới hoàn tục.

Trước đó, tại cuộc họp chiều 5/10, Đại đức Thích Thanh Toàn đã xin xả giới hoàn tục vì "không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia". Bên cạnh đó, sư Toàn cũng xin giữ lại tài sản cá nhân gồm đất đai, trang trại để nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện.

"Trang trại quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai hay chuyển như thế nào. Nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỷ đấy", sư Toàn nói.

Sư Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ: Luật sư nói sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra?-1
Sư Thích Thanh Toàn tại buổi làm việc với Giáo hội phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc

Sau khi thông tin sư Toàn xin giữ lại tài sản cá nhân được đăng tải, nhiều người đặt vấn đề liệu sư Toàn có nhiều trang trại thật không? Và nếu có thì tại sao một sư trụ trì lại có nhiều tài sản đất đai đứng tên cá nhân như vậy.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khá gay gắt nói: "Sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra? Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền, thế thì phải chăng ở Giáo hội này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua sư thầy".

Phân tích về vấn đề này, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP. HCM) thông tin trên báo chí rằng luật pháp Việt Nam không quy định nhà tu hành không được có tài sản riêng. Vì họ cũng là công dân nên đều bình đẳng trước pháp luật.

"Về mặt quyền nhân thân, tu sĩ cũng là công dân, họ có quyền nhận đất để canh tác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải xem chính xác họ có khả năng làm hay không để giao?", luật sư Huy nói thêm.

Sư Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ: Luật sư nói sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra?-2

Bên cạnh đó, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Hà Nội) cho rằng, sư Toàn có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Theo luật sư Tú, nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì phải chuyển lại cho chùa.

Sau khi xin xả giới, sư Toàn nói "lấy vợ thoải mái không sợ gì cả" và xin giữ lại tài sản 200 - 300 tỷ đồng

Nói về việc này, Thầy Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tài sản mang tên chùa Nga Hoàng (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sẽ được trả về cho nhà chùa còn tài sản mang tên thầy Toàn, thầy Toàn sẽ được giữ.

Theo thầy Thích Tâm Vượng, Giáo hội Phật giáo sẽ nhận lại và quản lý các tài sản của chùa Nga Hoàng từ sư Toàn. "Ví dụ giấy chứng nhận đất, tài sản của chùa Nga Hoàng, trong đó có bao nhiêu nghìn mét thì các thầy quản lý bấy nhiêu. Thứ nữa là có bao nhiêu quả chuông thì tôi giữ bấy nhiêu quả chuông, bao nhiêu cái khánh, vật dụng trong đất ấy...".

Thầy Thích Tâm Vượng cũng thông tin việc sư Toàn xin giữ lại tài sản mang tên cá nhân sẽ được xem xét giải quyết ngay trong tháng 10 này.
 


Theo Nhịp Sống Việt


sư thầy

Tin tức mới nhất