Tác giả bài thơ 'Bắt Nạt' trong sách giáo khoa trải lòng khi bị... kết tội

"Nhiều người vì thiếu những hiểu biết rất cơ bản hoặc dễ bị thao túng tâm lý nên dễ dàng lan truyền thông tin sai sự thật và hùa nhau kết tội, tấn công bằng điều đó", tác giả bài thơ "Bắt nạt" nêu.

Những ngày qua, dư luận dành sự quan tâm tới bài thơ "Bắt nạt" hiện được sử dụng trong sách giáo khoa ngữ văn 6 (tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Để làm rõ những băn khoăn của độc giả, phóng viên Dân trí đã trao đổi với tác giả bài thơ, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, ghi nhận quan điểm của cá nhân ông về bài thơ này.

- Đây không phải lần đầu bài thơ "Bắt nạt" khơi lên tranh cãi về chất lượng tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa. Là tác giả bài thơ, ông nói sao với những nhận định về tính nghệ thuật, từ chuyện vần điệu, chất liệu ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm?

Thật ra những thông tin, nhận định nhiều người nêu lại như "bài thơ không vần", "vần trúc trắc", "vần gượng ép", "vần khác biệt"… không phản ánh vấn đề về vần điệu bài thơ.

Những ý kiến đó phản ánh một thực trạng đang phổ biến là nhiều người vì thiếu những hiểu biết rất cơ bản hoặc dễ bị thao túng tâm lý nên dễ dàng lan truyền thông tin sai sự thật và hùa nhau kết tội, tấn công bằng điều đó.

Chính thực trạng này tạo ra một chuỗi lan truyền những kết tội sai rất ngô nghê và vô lý khác về bài thơ rồi điều đó trở thành định kiến trong đầu nhiều người khiến họ khó lắng nghe điều đúng.

Thực tế là bài thơ rất vần theo cách cơ bản và vần được gieo mượt mà, dễ đọc như một bài đồng dao, thể hiện kỹ thuật gieo vần, tạo nhạc cho bài thơ.

Tôi xin đưa ra sơ đồ vần cơ bản đơn giản, dễ thấy này:

Tác giả bài thơ Bắt Nạt trong sách giáo khoa trải lòng khi bị... kết tội-1
Sơ đồ vần điệu của bài thơ "Bắt nạt" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

- Không ít ý kiến bày tỏ sự khó hiểu khi tác giả dùng hình ảnh gượng ép giữa "bắt nạt" với "ăn mù tạt", ví von bắt nạt "dễ lây", "rất hôi"… Đặc biệt, khổ thơ cuối bài khó hiểu, tối nghĩa, kiểu: "Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi"… Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng viết bài thơ, nhất là về đoạn kết gây tranh cãi?

Tôi từng nghe ý kiến bình luận rằng đưa "mù tạt" vào để ghép vần là do… bí vần. Tôi khẳng định, nếu hiểu trình độ và sự chỉn chu trong thơ ca của tôi sẽ không phỏng đoán bừa bãi như vậy.

Tại sao lại là "mù tạt"? Vì khi tìm một hình ảnh thể hiện ý thử thách có độ khó mà trẻ con, vui nhộn, tôi đã nghĩ đến mù tạt. Mù tạt là thứ khiến nhiều bạn nhỏ lắc đầu, lè lưỡi.

"Mù tạt", như vậy, là một thử thách khó, một đối thủ mạnh mà hầu hết mọi người đều "chào thua" với thách thức đánh bại một túyp mù tạt nhỏ bé. "Mù tạt", theo đó, là một hình ảnh có đủ sức nặng chứ, nhất là với các bạn nhỏ.

Tác giả bài thơ Bắt Nạt trong sách giáo khoa trải lòng khi bị... kết tội-2
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tôi nhớ những lần chứng kiến người ăn vò đầu bứt tai bên bàn ăn hay trên Youtube khi "đấu" với loại gia vị này, hình ảnh rất vui nhộn, hài hước.

Vậy nên "mù tạt" còn là một hình ảnh để tạo không khí vui vẻ trong đối thoại với bạn bắt nạt.

Bài thơ với chủ đề nặng nề về hành vi "bắt nạt", nếu không cân bằng với tính hài hước sẽ thành giáo điều, phản tác dụng với trẻ em.

Những hình ảnh nhân hóa hay ẩn dụ chuyển đổi cảm xúc như "bắt nạt dễ lây", "bắt nạt rất hôi" cũng là chi tiết sinh động, hài hước và đắt giá tôi dụng ý lựa chọn.

Định hướng tìm hiểu bài thơ tại phần trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa cũng là để thấy sự ý vị, hài hước đó.

Vậy mà nhiều người lại cho rằng những hình ảnh đắt giá, khiến trẻ con rất thích thú đó là "vô tri", bí từ.

- Thế còn về đoạn kết được cho là khó hiểu thì sao, thưa ông?

Về đoạn kết, nhân vật trữ tình "tớ" ở đây chính là tác giả, một người hơn 30 tuổi khi viết bài thơ này. "Tớ" như một chú dế lương tâm trò chuyện cả với người quen bắt nạt cũng như thủ thỉ an ủi, giúp đỡ bạn bị bắt nạt.

Bên cạnh đó, tác giả vẫn xuất hiện như một người lớn, một trọng tài đưa ra lời đe: "Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay/Cứ đến bắt nạt tớ (xem)". Người trọng tài ấy dọa chút rồi lại dịu giọng, lại hài hước gây cười ngay, kiểu "tớ không lạ gì, bị bắt nạt quen rồi" thay vì phô trương sức mạnh.

Quen nhưng không lựa chọn đi bắt nạt lại người khác, lý do lớn nhất là "Vì bắt nạt rất hôi". "Hôi" ở đây vì đó là trò chơi bẩn và không dành cho người có lòng tự trọng. Việc khơi gợi lòng tự trọng, tính quân tử như không bắt nạt kẻ yếu, không làm chuyện xấu bẩn như bắt nạt cũng là thông điệp nhắn gửi.

- Ông có nghĩ bài thơ được cho là "ngô nghê" vì không mấy phù hợp với học sinh lứa tuổi trung học cơ sở (lớp 6), cũng chưa chuẩn để đưa vào sách giáo khoa?

Tôi thấy bài thơ đủ chất lượng nghệ thuật để vào sách giáo khoa ngữ văn chứ. "Bắt nạt" cũng có nhiều lớp nghĩa, nhiều kỹ thuật văn chương để học sinh lớp 6 khám phá.

Tôi sao có thể gật đầu đưa một tác phẩm của mình vào sách giáo khoa nếu bài thơ đó dở được.

Tác giả bài thơ Bắt Nạt trong sách giáo khoa trải lòng khi bị... kết tội-3
Nội dung bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Tác giả bài thơ Bắt Nạt trong sách giáo khoa trải lòng khi bị... kết tội-4
Bài thơ này nằm trong tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh việc chọn một tác phẩm mình thấy hay và tốn nhiều công sức để bảo vệ nó trước nhiều lời chê của dư luận, tôi và những người làm sách còn mong muốn bài thơ có sự tác động làm giảm bớt vấn nạn bắt nạt trong nhà trường.

Nỗ lực giữ lại bài thơ trước dư luận trái chiều cũng là sự can đảm, tâm huyết đáng trân trọng ở những người làm sách.

- Vậy đón nhận những lời khen - chê xung quanh một tác phẩm suốt từ 2021 tới giờ, ông thấy sao?

Tôi khá mệt vì bị nhiều người xúc phạm, tấn công, spam trên mạng xã hội trong khi vẫn phải gánh bao việc hàng ngày nhưng cũng phần nào "quen rồi".

Những xung đột nhận thức là điều tất yếu, tôi chỉ hơi tiếc là nếu nhiều phụ huynh có thẩm mỹ hơn, bớt bị thao túng bởi những thông tin sai trái thì họ đã nhìn nhận tác phẩm, tác giả với sự kính trọng hơn, không làm lây lan định kiến sang trẻ em, làm giảm sự cảm thụ tự nhiên, giảm uy tín, hiệu lực của bài thơ.

Thực tế, bài thơ này nằm trong tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" đã bán được hơn 11.000 bản, chưa từng nhận một bình luận chê trách nào.

Những người bỏ tiền mua tập thơ liệu có phải là nhãn quan văn chương tệ hơn những người còn chưa biết đến tập thơ, tác giả và tấn công kiểu đầy định kiến?

- Bài thơ "Bắt nạt" được xem là một ngữ liệu hiện đại được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng dư luận trái chiều mạnh như vậy cho thấy việc lựa chọn, thẩm định những cái mới như vậy chưa thuyết phục, cần điều chỉnh, thưa ông?

Tôi nghĩ sách giáo khoa dù ở thời nào thì vẫn nên là những gì hay, mạch lạc, thông thái, có thẩm mỹ nhất. Hay để kích thích sự học. Mạch lạc để học dễ vào.

Thông thái để học thông minh lên. Thẩm mỹ để giúp nhận ra, cảm thụ được nhiều cái đẹp, tầm cao và cư xử đẹp hơn trong cuộc sống.

Trong kho tàng tri thức nhân loại cả cũ và mới, cả trong và ngoài nước, luôn đủ nội dung để làm nên những cuốn sách giáo khoa như vậy ở mọi lĩnh vực, cho mọi lứa tuổi, chỉ cần tìm đúng người chọn giỏi, và luôn có rất nhiều người có thể chọn giỏi.

Dù các phương pháp học có thể điều chỉnh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau hơn theo xu hướng xã hội hóa với nhiều cách làm thì nền tảng chất lượng sách và danh dự nghề nghiệp cao vẫn luôn cần đặt vào sách giáo khoa. Đây là sự điều chỉnh lý tưởng.

Nhưng trong trường hợp chưa có sự điều chỉnh lí tưởng đó thì phụ huynh cũng nên hiểu là giáo dục có ở khắp nơi, không cần quá phụ thuộc vào sách giáo khoa, nhất là ở thời đại có thị trường sách rộng lớn, có internet và điện thoại thông minh như một công cụ truy cập tri thức nhân loại hiệu quả.

Điều cần nhất ở phụ huynh để giúp đỡ con em mình trước vấn nạn chất lượng thấp của sách giáo khoa là không gây áp lực điểm số.

Người lớn cần khuyến khích trẻ đọc, học hỏi và bản thân cũng tiếp tục đọc, học hỏi để không tụt hậu.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/tac-gia-bai-tho-bat-nat-trong-sach-giao-khoa-trai-long-khi-bi-ket-toi-20231011225006124.htm?fbclid=IwAR2exZf7YD42JOMqOS-mOF61MJbUBx3_cgYNbVyPG3vGPeew9AipwqQWgyA

ngữ văn

Tin tức mới nhất