Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân

Khi được đón về khu ký túc xá của trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đón Tết, ông Quyết và bà Hằng tỏ ra xúc động bởi tình cảm mọi người dành cho mình và có nơi ở để tạm xua đi cái lạnh buốt cắt thịt đêm đông.

Mới đây, nhằm giúp những người nghèo, người vô gia cư có nơi đón Tết đầm ấm hơn, nhiều trường Đại học lớn trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt mở cửa, dang rộng vòng tay chào đón họ.

Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, tối (2/2) đã đón 2 người vô gia cư ngủ gầm cầu về ký túc xá của trường để nghỉ ngơi giữa những ngày Hà Nội đang trải qua những ngày rét buốt.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 1.

Ông Quyết xúc động khi được đưa về ký túc xá ĐH Kinh tế Quốc dân đón Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết (SN 1954, ở Thường Tín, Hà Nội) không giấu được xúc động và vui mừng khi được đưa về ký túc xá của trường, xa cảnh màn trời chiếu đất mà nhiều ngày qua ông từng trải. Ông rất ấm lòng khi phía nhà trường nói tạo điều kiện chỗ ăn ở cho những người vô gia cư có cái Tết ấm áp.

Khuôn mặt khắc khổ, ông Quyết cho biết, quê vốn ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín nhưng lên trung tâm Hà Nội mưu sinh kiếm sống bằng nghề vá xe từ nhiều năm nay. Bản thân ông có vợ và 3 con nhưng vợ chồng đã ly thân, các con đều xây dựng gia đình ở xa, cũng không có điều kiện về quê ăn Tết.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 2.

Nghĩ đến cảnh về quê, ông chạnh lòng vì không có vợ, con cái lập gia đình ở xa, cũng không có điều kiện về quê ăn Tết.

"Nghĩ đến quê nhà mà chạnh lòng lắm. Tôi lâu lâu mới về quê thôi, các con mỗi đứa một nơi nên lên trên này sống với nghề vá xăm lốp, ngày chịu khó cũng kiếm được vài chục nghìn. Ngày mưa rét thì không có khách", ông Quyết chia sẻ.

Làm công việc trên không cố định, nay gầm cầu này, mai ở chỗ khác quanh quẩn quanh địa bàn quận Hoàng Mai nên tiện làm ở đâu thì ngả lưng ở đó.

"Tiền kiếm được ngày vài chục chỉ đủ chi tiêu ăn uống nên tôi không có tiền thuê nhà. Mấy hôm mưa rét vừa rồi kinh hãi quá, tôi đành thuê tạm nhà trọ của người dân mỗi tối 40 nghìn để trú mưa rét, ở ngoài đường chắc không qua nổi", ông Quyết tâm sự.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 3.

Túi đồ đơn giản luôn gắn bó với ông Quyết.

Ông Quyết kể, tối ngày 2/2, ông được một bạn sinh viên đi đường bắt gặp khi đang nằm ngủ ở dưới gầm cầu đoạn gần trường đại học Kinh tế Quốc dân nên đã đón về ký túc xá của trường ở tạm.

"Về đây ở trong phòng tôi thấy ấm áp lắm, mọi người trong ký túc rất quan tâm đến tôi nên cũng đỡ tủi thân phần nào", ông Quyết vui vẻ nói.

Rồi ông lại lặng lẽ gấp bộ đồ cũ kĩ cho vào ba lô. "Mỗi khi tết về tôi buồn lắm, vợ con không có ai bên cạnh, về cứ lủi thủi một mình. Một hai hôm nữa tôi sẽ về quê thắp hương cúng tổ tiên rồi đóng cửa ra đây làm thôi. Ở nhà không ai thân quen buồn tủi lắm", ông buồn bã tâm sự.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 4.

Bà Hằng bị hỏng mắt trái, bà cũng vừa được đón về KTX ĐH Kinh tế Quốc dân.

Cùng hoàn cảnh như ông Quyết, cô Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị mù một mắt từ lúc nhỏ cũng sống trong cảnh không nhà cửa, tìm kiếm làm đủ nghề để trang trải cuộc sống bản thân.

"Tôi mới được một bạn đưa về đây nghỉ ngơi ở tạm, tôi rất xúc động. Ở đây đầy đủ chăn, gối ấm áp. Nghĩ đến cảnh ngủ ngoài đường mấy hôm mưa rét từng đợt gió lùa vào trong chiếc chăn mỏng và tái buốt cả người", bà Hằng nói.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 5.

Bà Hằng rất xúc động khi được mọi người trong trung tâm quan tâm.

Thật thà chia sẻ với chúng tôi, bà Hằng cho biết, bà sống đơn độc từ bé, bà có một người con trai năm nay 12 tuổi nhưng sống cực khổ nên đã gửi cho cho ông bà ngoại chăm sóc. Bản thân hằng ngày ai thuê gì làm nấy với đủ thứ nghề từ vá xe thuê, bưng bê, rửa bát thuê…

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 6.

Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, bà cũng cảm thấy tủi thân, chạnh lòng.

Bà Hằng cho biết, ở tạm ký túc xá một hai hôm nữa tranh thủ làm thuê rồi về nhà để lo tết cho đứa con nhỏ của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã tiếp nhận 2 trường hợp người vô gia cư đến sinh hoạt.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 7.

Ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Khi tiếp nhận người dân, chúng tôi đã mời họ về phòng lo chỗ ăn chỗ ngủ tử tế, có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt và khai báo tạm trú với công an phường. Nhà trường cũng sẵn sàng tiếp đón những người dân vô gia cư, khốn khó có nơi ăn ở và căn cứ vào từng trường hợp cực khổ để hỗ trợ họ có cái Tết ấm áp nhất", ông Tuấn cho biết.

Tâm sự xúc động của những người vô gia cư đầu tiên vào ở KTX ĐH Kinh Tế Quốc Dân - Ảnh 8.

Theo ông Tuấn, một nam công nhân từ Bắc Ninh đi xe máy xuống ủng hộ cho người hoàn cảnh khó khăn 1 triệu đồng.

Theo ông Tuấn, sau khi biết được tin nhà trường sẵn sàng giúp đỡ người vô gia cư, người không có điều kiện về quê ăn tết, mới đây, một nam công nhân đi xe máy từ Bắc Ninh đến trung tâm gửi hỗ trợ 1 triệu đồng cho những số phận bất hạnh.

"Cậu ấy bảo vì từng sống cực khổ nên hiểu được hoàn cảnh của những người kém may mắn phải sống cực khổ ngoài vỉa hè đêm mưa rét nên muốn góp chút ít nhờ nhà trường giúp đỡ khiến tôi cảm thấy rất xúc động", ông Tuấn bày tỏ.

Theo Kênh 14/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất