Tận mắt nơi linh hồn tộc người bí ẩn trú ngụ, được đại bàng canh giữ miệng hang

Dãy núi phía sau UBND xã Suối Bàng có rất nhiều hang động có quan tài cổ. Hầu hết những quan tài thân cây đã bị phá vỡ, hoặc tự bửa ra làm đôi, thành những chiếc máng nằm ngổn ngang.

Đầu giờ chiều, nắng chói chang, chúng tôi lên đường nhằm hướng đỉnh núi Củm Tây, thuộc bản Nà Lồi (Suối Bàng, Vân Hồ, Sơn La), để chinh phục hang mộ Tạng Mè, nơi linh thiêng và sợ hãi bậc nhất với người Mường, người Thái bản địa. Đỉnh núi Củm Tây, là lãnh địa của những hang mộ chứa ăm ắp mộ thân cây. Thậm chí, trên những khe vách nhỏ nhất, cũng có quan tài. Toàn bộ ngọn quả núi ấy, là chi chít những chiếc quan tài thân cây nhét trong vách đá.

Đi xuyên qua những quả đồi ngô xanh rờn, thì lạc vào khu rừng phòng hộ. Theo anh Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã, rừng phòng hộ Suối Bàng rộng gần 8.000 héc-ta, toàn là rừng già nguyên sinh, núi non trùng điệp. Trong rừng, còn rất nhiều thú quý, ngay cả gấu ngựa còn rất nhiều, thi thoảng vẫn mò về phá nương rẫy của người dân. Nhiều cánh rừng vẫn chưa có dấu chân người.
 


Dãy núi phía sau UBND xã Suối Bàng có rất nhiều hang động có quan tài cổ.

Leo núi chừng hơn tiếng, thì tôi và ông Mùi Văn Chiển, cùng chàng thanh niên bản Nà Lồi đặt chân đến vách núi Củm Tây. Vách núi đá vôi với những thân cây trăm tuổi bấu vào đá, những dây leo bò loằng ngoằng như con trăn dài bất tận. Nhiều chỗ, vách đá dựng đứng, phải bám vào dây rừng trèo lên. Đến con người đi lại còn khó khăn, thì quả thực khó hiểu vì sao người xưa lại vác những chiếc quan tài thân cây rất lớn lên đỉnh núi này làm gì.

Để đưa được khúc gỗ chứa xác người lên độ cao này quả thực không phải đơn giản. Đứng dưới một mái đá, mà trên đầu là thành vách dựng đứng, không thể trèo lên nổi, ông Chiển bảo rằng, cách chỗ tôi đứng khoảng 100m, trên phía đỉnh núi, có mấy chiếc quan tài bằng thân cây, đường kính khoảng 80cm, dài 2,5m. Những chiếc quan tài này nhét vào trong khe đá. Mỗi khe đá chỉ đủ để nhét một chiếc quan tài.

Ông Chiển vốn là thợ săn tài ba, tuổi trẻ xuyên rừng lội suối, nằm ngủ trên vách đá để săn khỉ về ăn thịt, có thể leo trèo không kém gì vượn, thế nhưng, ông cũng không bò đến được nơi đặt những chiếc quan tài đó.

Vách núi ấy dựng đứng, thậm chí tạo ra một cái hõm, có vết nứt ở trong hõm, và chiếc quan tài thân cây chứa xương người được nhét vào trong. Nghĩ rằng, người xưa chỉ có cách thả thang dây từ đỉnh núi xuống, rồi bám vào dây mà tụt xuống đặt quan tài, thế nhưng, ông Chiển đã thử thả thang dây, vẫn không thể nào đu được vào chỗ đặt chiếc quan tài đó. Nghiền ngẫm, nghiên cứu mãi, ông vẫn không hiểu người xưa đã làm cách nào để đưa được chiếc quan tài thân cây lên vách núi ấy.
 


Quan tài la liệt trong hang.

Cuốc bộ leo núi qua vách đá dựng đứng, thì hang mộ Tạng Mè hiện ra, với cơ man nào là quan tài thân cây khoét rỗng. Gọi là hang, nhưng nó chỉ là một mái đá, sâu chừng 6-7m, rộng cỡ 6-7m. Dưới nền hang, quan tài thân cây xếp chồng lên nhau, cái bửa làm đôi, cái còn nguyên vẹn, mộng vẫn đóng khít.

Ông Mùi Văn Chiển ngăn chúng tôi lại ở cửa hang. Ông trèo lên vách đá, phía bên trái hang, nơi có bát hương lạnh lẽo. Ông đốt hương, khấn vái, nói rất to bằng tiếng Mường. Khấn vái xong, ông bảo rằng linh hồn người Xá đã cho phép khám phá hang động.
 


Ông Chiển thắp hương xin phép linh hồn người xưa trước khi vào hang.

Theo ông Chiển, hang động này chứa tới 36 mộ thân cây. Hầu hết những quan tài thân cây đã bị phá vỡ, hoặc tự bửa ra làm đôi, thành những chiếc máng nằm ngổn ngang. Chỉ có những quan tài nằm phía dưới, sâu bên trong, không bị tác động bởi con người, thì còn nguyên vẹn. Một số quan tài vẫn còn nguyên vẹn, tròn ùng ục, được gác một đầu vào vách đá, một đầu vào giá đỡ hình rừng trâu. Có quan tài vẫn nằm trên vách hang, được đỡ bởi hệ thống giàn giáo bằng gỗ quý.

Ông Mùi Văn Chiển lấy một khúc gỗ cứng, to bằng cổ tay đâm vào vết hở của một áo quan, rồi bẩy mạnh tạo khe hở lớn. Tôi nhìn vào bên trong quan tài, thấy xương ống chân còn nguyên vẹn ở phần cuối, và phần đầu áo quan là hộp sọ trắng hếu, hàm răng đã vỡ nhưng vẫn còn dính những chiếc răng ở trên.

Theo ông Chiển, cách đây mấy chục năm, khi những hang động này mới được phát hiện, thì các mộ thân cây đều còn nguyên vẹn, trong các mộ thân cây hầu như đều còn xương cốt. Nếu quan tài nào không còn xương, thì vẫn còn những chiếc răng. Xương người có thể bị phân hủy theo thời gian, nhưng riêng những chiếc răng thì gần như vĩnh cửu với thời gian, vì chúng chẳng khác gì đá.

Thế nhưng, mấy chục năm qua, con người tàn phá, đặc biệt là những người lạ mặt tìm đến, nên xương cốt biến mất. Cũng có thể, những quan tài bị phá, xương cốt lộ ra ngoài, bị ánh sáng chiếu vào, mưa hắt ẩm ướt, nên bị phân hủy nhanh hơn, mà tiêu hết.
 


Quan tài bong ra lộ hộp sọ phía trong.

Theo lời ông Chiển, với những quan tài còn nguyên vẹn, chưa bị mở ra, thì khả năng còn xương cốt là rất nhiều. Cách đây mấy năm, khi dẫn Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường lên nghiên cứu hang mộ này, ông cùng ông Cường đã mở một quan tài nguyên vẹn và thu được nhiều xương cốt. Ông Cường đã mang chiếc đầu lâu đó về Hà Nội nghiên cứu, nhưng chưa thấy mang trả lại. Sau này, xem một bộ phim trên tivi về hang mộ thân cây, ông Chiển thấy chiếc đầu lâu đó đã nằm trong một bảo tàng dưới Hà Nội.

Theo lời ông Chiển, với những quan tài còn nguyên vẹn, chưa bị mở ra, thì khả năng còn xương cốt là rất nhiều. Cách đây mấy năm, khi dẫn Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường lên nghiên cứu hang mộ này, ông cùng ông Cường đã mở một quan tài nguyên vẹn và thu được nhiều xương cốt. Ông Cường đã mang chiếc đầu lâu đó về Hà Nội nghiên cứu, nhưng chưa thấy mang trả lại. Sau này, xem một bộ phim trên tivi về hang mộ thân cây, ông Chiển thấy chiếc đầu lâu đó đã nằm trong một bảo tàng dưới Hà Nội.

Điều ông Chiển thấy lạ lùng nhất, là những bộ xương trong mộ thân cây ở các hang đá đều rất lớn. Xương sọ của người chết đều to hơn bình thường. Đặc biệt, các xương ống tay, ống chân đều dài hơn người hiện đại. Ông Chiển đã lấy thử một dóng xương ống chân và so với chân mình thì thấy dài hơn rất nhiều. Cứ từ những bộ xương mà suy diễn, thì những người nằm trong quan tài thân cây này phải cao đến 2m, như thế, họ chẳng khác gì người khổng lồ từng tồn tại ở vùng đất này.

Để khẳng định người xưa rất cao lớn, ông Chiển kéo tôi vào phía trong cùng của hang, chỉ một chiếc quan tài thân cây nằm phía đáy hang, còn rất nguyên vẹn. Ông Chiển dùng bước chân ướm thử và khẳng định rằng, chiếc quan tài thân cây này dài tới 2,5m, đường kính 0,8m.

Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường cũng đã dùng thước dây để đo và kinh ngạc vì độ khủng của chiếc quan tài này. Ông tin rằng, phải là người rất to lớn mới cần dùng đến chiếc quan tài dài như vậy. Nhưng điều ngạc nhiên hơn và cũng khó trả lời hơn, là làm cách nào người xưa có thể mang được khúc đinh thối nặng đến 3 tạ lên tận vách núi cheo leo dựng đứng này?

Phía trong cùng hang, còn khá nhiều quan tài còn nguyên vẹn. Hai đầu quan tài có mấu hình "đầu thuyền đuôi én", các viền khắc gọt tinh xảo hình răng cưa, sóng nước. Điều đáng ngạc nhiên là rất ít quan tài bị mọt, mục. Hầu hết đều còn nguyên vẹn, thậm chí bên trong quan tài vẫn nhẵn thín, các vết chạm khắc còn nguyên vẹn và khi úp 2 mặt quan tài vẫn khít như mới.

Theo ông Mùi Văn Chiển, toàn bộ quan tài trên các vách đá đều làm từ thân cây đinh thối, loại gỗ quý từng rất phổ biến ở thung lũng Suối Bàng. Theo anh Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng, cách đây chừng 30, ở Suối Bàng còn rất nhiều cây đinh thối.

Đinh thối là thứ gỗ cực quý, rất bền, không mối mọt, côn trùng không xâm phạm. Đinh thối không mọc ở rừng sâu, mà mọc ở thung lũng thấp, nơi bìa rừng. Thi thoảng, khi cày ruộng, đào mương, người dân suối Bàng vẫn chạm phải những gốc đinh thối chìm sâu dưới lòng đất. Có thể, những cây đinh thối này đã được người xưa khai thác để làm quan tài, chỉ còn lại gốc.
 


Nhiều quan tài vẫn còn nguyên vẹn, mộng khít.

Cách nay 20-30 năm, người dưới xuôi lên khai hoang, đã khai thác tuyệt chủng loài đinh thối ở Suối Bàng. Giờ ở Suối Bàng chỉ còn một số cây to cỡ một người ôm, chưa khai thác được. Cũng thời điểm đó, những nhóm săn tìm cổ vật dưới xuôi cũng kéo nhau vào các hang đá phá dỡ quan tài để tìm đồ cổ, của quý.

Ngày đó, người ta còn chưa quan tâm đến những quan tài, mồ mả cổ xưa này, nên mặc kệ nhóm mộ tặc kia hoành hành. Nhóm đào mồ trộm mả này đã xâm phạm nghiêm trọng các hang mộ đá, khiến ngày nay chúng không còn nguyên vẹn.

Tôi đứng ở miệng hang, ngửa mặt lên trời để tìm những quan tài còn găm trong vách đá, thì bất chợt một bóng đen khổng lồ bay vụt qua, mất hút trong một hang động nào đó trên vách đá phía trên hang ma, kèm theo đó là tiếng kêu rợn người. Ông Mùi Văn Chiển thấy con chim khổng lồ, thì chạy lên chỗ bát hương khấn vái, rồi yêu cầu chúng tôi rời khỏi hang động.
 

Ông Chiển bảo rằng, đó là con đại bàng khổng lồ, đã sống ở vách đá này 40 năm rồi. Từ ngày nhỏ xíu, ông đã thấy con đại bàng khổng lồ, sải cách dài cỡ 2m, bay lượn trên đỉnh Củm Tây mỗi chiều, rồi mất hút trên đỉnh núi rậm rạp này. Các cụ bảo, con đại bàng đó đã thành tinh, canh giữ hang ma, bảo vệ linh hồn người Xá.

Hồi đi săn khỉ và phát hiện ra hang mộ này, ông Chiển đã thấy con đại bàng trú ngụ ở vách đá ngay phía trên hang động và giờ nó vẫn ở đấy. Ông Chiển kéo tôi vào những khe đá ngay miệng hang động quan tài, chỉ tôi những bãi phân, cùng những đống xương trắng hếu, toàn là xương chuột rừng, xương sóc và những con thú nhỏ. Con đại bàng khổng lồ này đã ăn thịt, nuốt chửng các loài vật, rồi thải ra những chiếc đầu lâu thú nhỏ tràn lan trên vách đá.
 


Xương chuột, sóc do đại bàng ăn thịt nhả ra.

Theo VTC


chuyện lạ

Tin tức mới nhất