Tết đến, cảnh giác mỹ phẩm dỏm

Trong tổng số các vụ vi phạm về kinh doanh - sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả nhãn hiệu chiếm đến 50%.

Đua nhau “nâng cấp” nhan sắc vào dịp cuối năm, không ít chị em đã nhận lãnh hậu quả đáng tiếc do dùng nhầm các loại mỹ phẩm dỏm, giả, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.

Nhan sắc “xuống cấp”

Chuẩn bị về quê ăn Tết, chị T.X.T (quận Thủ Đức, TP HCM) dành thời gian “tút” lại nhan sắc cho “bằng chị bằng em”. Mua một hộp kem trị nám với giá 800.000 đồng về sử dụng, chỉ sau 2 tuần, da mặt chị T. sưng phù, đi khám da liễu thì được các bác sĩ cho biết chị bị viêm da dị ứng cần được điều trị và theo dõi.

Mới đây, trong một lần ghé chơi, người thân của em L.T.N.V (23 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) giật mình khi nhìn thấy gương mặt em sau gần 1 tháng không gặp. Thi trượt đại học, V. vào TP HCM làm công nhân. Đang tuổi thanh xuân, mặt V. nổi nhiều mụn. Ở phòng trọ, nhiều nữ công nhân bảo nhau mua một loại kem ở chợ gần khu công nghiệp về bôi. Tin lời, V. ra chợ mua một lọ không rõ nhãn mác về bôi thử. Ban đầu, da mặt cảm thấy dễ chịu nhưng chừng 2 tuần thì căng ra, mụn càng lấm tấm, chỗ đỏ, chỗ đen. Da mặt biến dạng, V. sống khép kín với mọi người xung quanh, lúc nào cũng đeo khẩu trang, càng không dám đến bệnh viện. Thấy bộ dạng tội nghiệp của người em họ, người chị tức tốc chở tới Bệnh viện Da liễu TP HCM khám thì hết hồn khi các bác sĩ xác định da mặt V. bị  nhiễm trùng nặng, phải dùng kháng sinh kèm thuốc bôi làm mờ sẹo.

Sau khi trộn bột mì với hóa chất, hương liệu và cho vào lọ, mỹ phẩm dỏm có dáng dấp “hàng hiệu” khó phân biệt
Sau khi trộn bột mì với hóa chất, hương liệu và cho vào lọ, mỹ phẩm dỏm có dáng dấp
“hàng hiệu” khó phân biệt

Trường hợp chị T.T.T.R, quê tỉnh Bạc Liêu, là bài học khác cho nhiều người. Chị R. mới 29 tuổi nhưng khuôn mặt chảy xệ trông như bà già 70 do lạm dụng corticoid mua ở quầy thuốc gần nhà. Cũng đã có trường hợp chết người do biến chứng của mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại tỉnh Đồng Tháp: Em N.B dùng một loại kem bôi để làm trắng da toàn thân theo lời rỉ tai của bạn bè nhưng sau đó em bị sốt cao, nôn ói, co giật, được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi...

Công nghệ “xô chậu”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công nghệ chế biến mỹ phẩm “hàng chợ” nhìn thấy là sợ! “Nhà sản xuất” dùng các loại bột mì trộn với hóa chất và hương liệu mua từ chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) rồi nhào nặn, cho vào lọ là có ngay sản phẩm mang dáng dấp... “hàng hiệu”. Mới đây, tại tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 2 đối tượng sản xuất mỹ phẩm nhái. Những người này dùng các nguyên liệu như bột gạo, bột mì, hóa chất, hương liệu... trộn với nhau để cho ra loại “mỹ phẩm” làm trắng da, trị nám.

Tại TP HCM, một cơ sở sản xuất mỹ phẩm với hàng triệu sản phẩm dỏm gắn mác Hàn Quốc cũng vừa bị phanh phui.  Số mỹ phẩm làm đẹp khổng lồ này được sản xuất tại một cơ sở ở quận Tân Bình bằng công nghệ “xô chậu”, được bán ra cho người tiêu dùng với giá 100.000-300.000 đồng/lọ.

Theo Phân viện Pháp y quốc gia tại TP HCM, kết quả kiểm nghiệm mới đây đã phát hiện hàng loạt mẫu mỹ phẩm làm đẹp chứa hóa chất nguy hại, trong đó nhiều nhất là corticoid. Chi cục QLTT TP HCM cho biết mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Trong tổng số vụ vi phạm về kinh doanh - sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả nhãn hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc chiếm 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ.

Điểm mặt các chất độc hại

Tại 2 bệnh viện Da liễu và Đại học Y Dược TP HCM, mỗi năm số bệnh nhân bị tổn thương da do dùng mỹ phẩm giả, nhái chứa độc chất phải nhập viện lên đến hàng trăm. TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng khám Da liễu Cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nếu dùng mỹ phẩm chứa corticoid lâu hơn 2 tuần thì da bị teo mỏng, giãn mao mạch, có thể nổi mụn, sạm da, thậm chí bị mập nước, suy thận, loãng xương, cao huyết áp, rối loạn điện giải... rất khó hồi phục. Theo bác sĩ Trần Thế Viện, Khoa Lâm sàng Bệnh viện Da liễu, những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, paraben, formaldehyde, propylene glycol..., không chỉ tàn phá hay gây dị ứng da mà còn có thể tác động xấu đến các cơ quan khác như phổi, thần kinh, thai nhi, thậm chí gây ung thư...

Các loại mỹ phẩm, kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc hầu hết đều có chứa chất corticoid. Khi bôi loại kem này, từ 3-7 ngày đầu sẽ cho kết quả da trắng và đẹp rất nhanh khiến nhiều chị em lầm tưởng “hiệu quả” tốt từ mỹ phẩm đó mang lại. Thế nhưng, sau đó, vùng da bôi kem bắt đầu căng mỏng, mạch máu giãn nở, nổi gân máu lên, mặt ửng đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu; mặt nổi nhiều mụn, mọc nhiều lông; da sạm, nám, teo da... Việc điều trị rất khó khăn, tốn kém, lâu dài nhưng nhiều trường hợp sau điều trị vẫn không thể phục hồi làn da như trước.

Cần công bố rộng rãi cơ sở vi phạm

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, những loại mỹ phẩm bị thu hồi sẽ được đăng trên trang web của sở, đồng thời thông báo đến UBND các quận, huyện và các cơ sở để phối hợp kiểm tra. Do người dân chưa nắm thông tin nên các công ty vi phạm vẫn tiếp tục tung hàng ra sạp, cửa hàng. Vì vậy, nên có cơ chế thông báo sản phẩm, đơn vị vi phạm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Theo Người lao động


Tin tức mới nhất