Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau

Rõ ràng qua những phim cổ trang gần đây đã cho thấy sự không đồng đều về chất lượng và doanh thu. Phim có đầu tư truyền thông thì doanh thu cao nhưng chất lượng nội dung tầm trung, hoặc kém. Còn ngược lại thì doanh thu kém, hoặc may ra hòa vốn.

Hiện tại thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn là những phim hiện đại, có khuynh hướng hài và nhẹ nhàng. Đôi khi cũng có những thể loại mới lạ như kinh dị, trinh thám… Tuy nhiên cổ trang vẫn là thể loại mà khán giả “khát” nhất, khi gần như có rất ít dự án phim cổ trang trong những năm qua.

Khán giả vẫn mong mỏi điện ảnh Việt Nam sẽ có những tác phẩm cổ trang xuất sắc như Trung Quốc, Hàn Quốc…tuy vậy thực tế thì khó mà làm được cả về chất, về lượng lẫn doanh thu. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-1
Mảng cổ trang của điện ảnh Việt Nam vẫn rất khan hiếm

Kể từ Gái nhảy năm 2003 mở màn cho phim điện ảnh Việt trở lại rạp và thu hút khán giả, từ đó trở đi, số lượng phim Việt chiếu rạp mỗi năm đều gia tăng. Nhưng mãi tới năm 2010, Khát vọng Thăng Long mới được xem là phim cổ trang chiếu rạp đầu tiên ở Việt Nam, kể từ 2003.

Là phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, được đầu tư tiền tỷ và mời những diễn viên như Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Ngô Mỹ Uyên… đảm nhận. Tuy vậy Khát vọng Thăng Long lại thất bại thảm hại ở phòng vé.

Suất chiếu ít, không có hiệu ứng truyền thông, kinh phí bỏ ra quá cao… đã khiến phim thảm bại, dù nội dung thực sự khá tốt. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-2
“Khát vọng Thăng Long” dù đầu tư hàng tỷ nhưng vẫn thất bại vì truyền thông kém

Năm 2012, Thiên mệnh anh hùng do đạo diễn Victor Vũ thực hiện ra mắt dịp Tết. Kinh phí đầu tư 25 tỷ đồng, nhưng phim chỉ thu về khoảng 16,4 tỷ đồng, còn không thể hòa vốn nổi và lỗ nặng.

Phim có nội dung kịch tính, hấp dẫn với  những màn võ thuật đặc sắc, cùng dàn diễn viên nổi lúc bấy giờ như Vân Trang, Huỳnh Đông, Midu… Thất bại của Thiên mệnh anh hùng là sự hời hợt trong việc tìm hiểu văn hóa Á Đông với một người trưởng thành ở nước ngoài như Victor Vũ, cũng như nội dung và tâm lý nhân vật không được đào sâu.

Ngoài ra tâm lý khán giả thích xem phim nhẹ nhàng hài hước dịp Tết hơn. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-3
“Thiên mệnh anh hùng” lại không hợp thị hiếu khán giả ngày Tết 

Năm 2013, cũng vào dịp Tết, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho ra mắt Mỹ nhân kế, là phim cổ trang giả tưởng xoay quanh những mỹ nhân ở Đường Sơn quán. Phim quy tụ dàn diễn viên đình đám bấy giờ như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà… cùng hiệu ứng PR tốt, đã giúp mang về doanh thu 57 tỷ đồng, cao nhất mùa phim Tết 2013.

Tuy nhiên nội dung phim lại bị phàn nàn là quá đơn giản, rời rạc, dễ đoán… và không có chiều sâu trong xây dựng tính cách. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-4
“Mỹ nhân kế” thành công doanh thu nhưng nội dung lại có vấn đề

Năm 2016, Ngô Thanh Vân cho ra mắt phim Tấm Cám chuyện chưa kể vào tháng 8. Phim được quảng bá là câu chuyện Tấm Cám quen thuộc được kể lại dưới góc nhìn mới mẻ, nhưng khán giả chưa kịp xem phim đã thấy nhiều lùm xùm quanh vụ Ngô Thanh Vân tố CGV chèn ép.

Rồi khi phim trình chiếu, doanh thu 66 tỷ đồng hơn lại tỷ lệ nghịch với chất lượng phim. Nội dung bình thường, không đặc sắc, dàn diễn viên diễn không đồng đều… Phim tạo ra sự tranh cãi trên mạng xã hội về nội dung, khi những gì quảng bá lại không được như thành phẩm. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-5
“Tấm Cám chuyện chưa kể” lại có nội dung quá tầm thường dù được PR dữ dội

Năm 2019, Trạng Quỳnh và 3D Cung Tâm Kế là 2 phim cổ trang ra mắt dịp Tết. Nếu Trạng Quỳnh bị lùm xùm vụ Đức Thịnh – Trấn Thành nhưng vẫn thu được trăm tỷ thì 3D Cung Tâm Kế lại là thất bại phòng vé khi doanh thu kém cỏi.

Điểm chung của 2 phim cổ trang này là nội dung kém, rời rạc và không có gì gọi là đặc sắc. Tuy nhiên Trạng Quỳnh còn ăn điểm ở phục trang và bối cảnh được đầu tư, còn phim còn lại thì phục trang hời hợt, bối cảnh sơ sài, qua loa. 

Thực trạng đáng buồn của phim cổ trang Việt: doanh thu và chất lượng không tương xứng với nhau-6
“3D Cung Tâm Kế” lại là thảm họa phòng vé, từ nội dung tới dàn dựng

Rõ ràng qua những phim cổ trang gần đây đã cho thấy sự không đồng đều về chất lượng và doanh thu. Phim có đầu tư truyền thông thì doanh thu cao nhưng chất lượng nội dung tầm trung, hoặc kém. Còn ngược lại thì doanh thu kém, hoặc hòa vốn.

Vốn dĩ làm phim cổ trang đã tốn kém gấp mấy lần so với phim hiện đại, nên không lạ khi với điện ảnh Việt Nam, thể loại cổ trang vẫn còn quá xa lạ, không ai muốn đầu tư.

Dù khán giả có “khát” phim cổ trang đi nữa thì vẫn phải đợi thêm nhiều năm nữa, khi chất lượng ổn định và có thêm nhiều nhà đầu tư, thì mới mong thể loại này sẽ phát triển. 

Lãng Khách
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/thuc-trang-dang-buon-cua-phim-co-trang-viet-n-210933.html

phim cổ trang

Tin tức mới nhất