Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20

Ít ai biết Lee Harvey Oswald, nghi phạm nổ súng giết chết cố Tổng thống Mỹ Kennedy, từng có một chuyến đi đặc biệt trước khi tiến hành vụ ám sát.

Ngày 22/11/1963, Tổng thống Mỹ khi đó là ông John F. Kennedy bị ám sát khi đang cùng vợ có chuyến thăm tới thành phố Dallas, thủ phủ bang Texas vận động cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm sau.

Sau 5 cuộc điều tra của chính phủ Mỹ, Lee Harvey Oswald (sinh ngày 18/10/1939) đã chính thức bị cáo buộc là tay súng đã ám sát Kennedy. Oswald được xác định dùng súng trường đứng trên tầng 6 tòa nhà Dealey Plaza, nổ súng bắn chết Tổng thống Kennedy, lúc đó đang ngồi trên xe trong chuyến diễu hành, từ khoảng cách gần 1km.

Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20-1
Bức ảnh ghi lại cảnh chiếc xe chở ông Kennedy và phu nhân sau sau khi cố Tổng thống Mỹ bị bắn. Ảnh: AP

Khi bị bắt, Oswald liên tục tuyên bố y không giết Kennedy. Hai ngày sau, Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở thành phố Dallas, bắn chết Oswald ngay tại đồn cảnh sát thành phố. Việc Oswald bị giết bí ẩn cùng những lời khai mập mờ liên quan đến vụ ám sát khiến dư luận Mỹ đến nay vẫn chưa tin Oswald là thủ phạm và cố gắng tìm kiếm thông tin về người đàn ông này.

Ít ai biết rằng, mặc dù Oswald từng là một cựu binh sĩ Mỹ nhưng ông ta đã có một chuyến đi vô cùng đặc biệt tới Liên Xô cũ từ tháng 9/1959 cho tới tận tháng 6/1962.

Vị khách không mời

Tháng 9/1959, Lee Harvey Oswald đã bắt đầu cuộc hành trình đặc biệt của mình tới Liên Xô.

Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20-2
Lee Harvey Oswald sau khi bị bắt. Ảnh: ITN

Để tới được Moscow, Oswald phải đi một chặng đường khá dài. Vào ngày 20/9/1959, ông ta rời quê nhà New Orleans với lý do đến Le Havre, Pháp để học tập. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra, thay vì Pháp, Oswald đã bay đến Helsinki, Phần Lan nơi ông ta đã được cấp visa Xô Viết.

Vài ngày sau, khi chính quyền Liên Xô bác bỏ đề nghị kéo dài hạn visa của Oswald, vốn chỉ có giá trị trong vòng 1 tuần, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ đã cắt tay tự tử nhưng không chết. Oswald nói rằng mình không thể chịu được ý nghĩ phải quay trở lại Mỹ.

Đối với Liên Xô, sự xuất hiện bất ngờ của Oswald khiến chính quyền vô cùng đau đầu. Sau cuộc thăm viếng đầy trắc trở của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tới Mỹ trước đó vài tuần, ý tưởng về một kẻ đào tẩu Mỹ (đặc biệt là không hề có giá trị như Oswald) không phải là điều người Xô Viết mong đợi.

Tuy nhiên sau khi Oswald tự tử bất thành, chính quyền Xô Viết nhận ra rằng, một người Mỹ chết tại Moscow sẽ còn khiến mọi thứ tệ hơn, và họ đã miễn cưỡng để Oswald ở lại.

Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20-3
Tòa nhà tại thành phố Minsk, nơi Oswald sinh sống phần lớn thời gian trong chuyến đi tới Liên Xô. Ảnh: ITN

Oswald sau đó vui vẻ công bố từ bỏ quốc tịch Mỹ (thực tế, ông ta chưa bao giờ chính thức làm như vậy) và bày tỏ mong muốn được học tại Đại học Tổng hợp Moscow – trường đại học danh giá nhất Liên Xô thời bấy giờ. Tuy nhiên, chính quyền Xô Viết đã quyết định đưa ông ta đến Minsk (nay là thủ đô của Belarus) để làm việc trong một nhà máy sản xuất TV và radio.

Sang trọng nhưng nhàm chán

Theo các đoạn nhật ký của Oswald mới được công bố, ông ta từng nhiều lần gặng hỏi mọi người ở nơi làm việc rằng liệu Minsk có phải ở Siberia – vùng đất lạnh giá và tĩnh lặng bậc nhất Liên Xô hay không và họ chỉ cười.

Cuộc sống của Oswald ở Minsk có thể được so sánh như tầng lớp quý tộc. Mức lương của anh ta khi đó là 700 ruble, Oswald nhận thêm 700 ruble từ Ủy ban Chữ Thập đỏ và “dễ dàng” kiếm được 1.400 ruble (tương đương 5.600 USD vào năm 1959) mỗi tháng.

Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20-4
Oswald cùng người vợ Liên Xô và con gái vào năm 1962. Ảnh: Getty

Để so sánh, một công nhân bình thường tại nhà máy cùng với Oswald chỉ kiếm được khoảng 70 ruble (280 USD) một tháng.

"Tôi chẳng có nơi nào để tiêu cho hết tiền", Oswald phàn nàn trong nhật ký của mình. Quả thật vậy, Oswald cuối cùng đã cảm thấy nhàm chán với Minsk. Ông ta cũng thường kêu ca rằng ở đó không có nơi tiêu khiển và thậm chí chẳng có câu lạc bộ đêm hay sân bowling.

Tới năm 1962, “kẻ đào tẩu” đã quyết định quay về Mỹ, mang theo người vợ Liên Xô và cô con gái của họ.

Nhiều điều đáng ngờ

Quay lại năm 1959, khi làm việc ở Minsk, Oswald được bố trí giáo viên dạy tiếng Nga riêng là ông Stanislav Shushkevich. Ông Stanislav Shushkevich sau này đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Belarus khi Liên Xô tan rã.

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện cách đây không lâu, ông Shushkevich hồi tưởng Oswald là một người rất gọn gàng nhưng khá "chậm chạp". Ông Shushkevich nghi ngờ rằng đồng nghiệp cũ của mình có “gan” nổ súng giết chết Tổng thống Mỹ.

Tiết lộ mới về vụ ám sát bí ẩn và đau đầu nhất thế kỷ 20-5
Sát thủ Lee Harvey Oswald tại đồn cảnh sát Dallas. Ảnh: Getty

Trong khi đó, một đồng nghiệp của Oswald tên Pavel Golovachev cũng không tin rằng Oswald đã giết chết tổng thống Mỹ từ khoảng cách xa như vậy. Theo lời ông Golovachev, Oswald là một tay súng rất tệ và thường thất bại trong mọi cuộc thi bắn súng được tổ chức trong nhà máy.

Theo thông tin công bố chính thức từ trước đến nay, Oswald dùng súng trường đứng trên tầng 6 tòa nhà Dealey Plaza, nổ súng bắn chết Tổng thống Kennedy lúc đó đang ngồi trên xe trong chuyến diễu hành từ khoảng cách rất xa.

Các cuộc điều tra của CIA hay FBI cũng đều chỉ ra rằng Oswald đã hành động một mình và không nhận trợ giúp của bất cứ ai. Tính đến nay sau hơn 50 năm kể từ khi vụ ám sát xảy ra, có trên 4 triệu trang tài liệu được công bố nhưng không tài liệu nào nêu được động cơ của kẻ ám sát Lee Harvey Oswald.

Theo một đạo luật được thông qua năm 1992, chính phủ Mỹ phải giải mật tất cả hồ sơ trước khi kết thúc vào tháng 10/2017. Trong bối cảnh hạn này chỉ còn vài tuần nữa, dư luận thế giới lại một lần nữa sục sôi với những thuyết âm mưu về vụ ám sát bí ẩn nhất thế kỷ 20.
 

Theo Công An Nhân Dân


án mạng kinh hoàng Giết Người

Tin tức mới nhất