TP.HCM ghi nhận di chứng tim phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Di chứng hậu Covid-19 đa dạng như mệt mỏi, di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tinh thần... là vấn đề trọng tâm cần giải quyết năm 2022.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19; xây dựng chính quyền đô thị; và cải thiện môi trường đầu tư là 3 nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022 diễn ra ngày 8/1.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước 2023, thậm chí sẽ xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới.

Tìm giải pháp cho các di chứng hậu Covid-19

Theo ông Tăng Chí Thượng, dịch bệnh tại TP.HCM gần đây có nhiều tín hiệu lạc quan như ca mắc, ca nặng, tử vong giảm sâu. Ca tử vong ngày 7/1 thấp nhất kể từ khi bùng phát dịch tới nay - 18 ca (11 ca của TP.HCM, 7 ca chuyển từ tỉnh về thành phố).

TP.HCM ghi nhận di chứng tim phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19-1
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng.

Năm 2022, ngành y tế tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch Covid-19; và không làm gián đoạn công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.

Hiện, tổng số ca nhiễm tại TP.HCM đã vượt 500.000 và số ca tử vong là hơn 20.000; 440.000 người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

Giám đốc Sở Y tế đặc biệt lưu ý vấn đề mới đáng quan tâm là ghi nhận nhiều di chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, như: Mệt mỏi, di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tinh thần...

Sở Y tế TP.HCM coi đây là hoạt động trọng tâm năm 2022 và đang cùng các chuyên gia xây dựng kế hoạch can thiệp với mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Tốc độ chuyển đổi số hạn chế

Báo cáo tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (TTTT) Lâm Đình Thắng thẳng thắn nhìn nhận nhiều rào cản làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số dù thành phố từng đi đầu cả nước trong khởi động Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

"Hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển nhưng quy trình công việc ở nhiều nơi không thay đổi, quyết định được đưa ra vẫn dựa trên báo cáo định tính chứ không phải dựa trên dữ liệu chuẩn xác, đáng tin cậy và theo thời gian thực", Giám đốc Sở TTTT nhìn nhận.

Nhận thức về chuyển đổi số chưa được thống nhất trong các ngành, các cấp của chính quyền thành phố. Giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần một giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có “tên đề, dấu đóng”.

Để chuyển đổi số, Giám đốc Lâm Đình Thắng đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng chính quyền số, triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; phát triển hạ tầng viễn thông...

Đáng chú ý, Sở TTTT nhận định trong quá trình chuyển đổi số sẽ có một bộ phận vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. TP.HCM hiện có hơn 144.000 người nghèo, một số người không nhỏ không có điện thoại thông minh.

Do đó, ông Thắng cho rằng cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số.

Sở TTTT và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.

Vực dậy nền kinh tế là thách thức bao trùm

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ ra 3 vấn đề lớn cần đặc biệt phân tích, rút kinh nghiệm sau đại dịch Covid-19.

Đó là quản trị thành phố trong tình hình mới, nhất là bất cập về cơ cấu kinh tế - cơ cấu lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống…; xây dựng, liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành đồng bộ công tác quản trị thành phố; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra động lực mới cho tăng trưởng.

Trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP.HCM là 381.531 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Thành phố giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021; tạo ra 140.000 việc làm mới, đạt 100% kế hoạch năm 2021.

Dự kiến, năm 2021 chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,83%; chưa đủ cơ sở tính toán được 2/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 6,89%.

"Tôi đề nghị phân tích thật kỹ những nguyên nhân, bài học hay trong công tác phòng chống dịch, thực hiện chủ đề năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta cần rút kinh nghiệm gì để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới", ông gợi mở.

Về chỉ tiêu năm 2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% (năm 2021) lên mức tăng trưởng 6 - 6,5% (năm 2022) và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm với kinh tế thành phố.

Song, việc đặt chỉ tiêu này thể hiện quyết tâm cao của thành phố và bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện mục tiêu năm 2022.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tphcm-ghi-nhan-di-chung-tim-phoi-roi-loan-tam-than-hau-covid-19-post1288360.html?fbclid=IwAR3ZbKPM6ZJmdo1EVNSxIp2ybqWD7SquEpOiDW0mdBzLLkWhpcITvbFww2k

COVID-19

Tin tức mới nhất