TP.HCM: Trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến

Tình hình sốt xuất huyết tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tỷ lệ trở nặng và tử vong ở trẻ mắc sốt xuất huyết cao

Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đã cán mốc 18.976 ca, tăng hơn 151% so với cùng kỳ. Riêng tuần 25 (từ 17/6 đến 23/6) TP.HCM ghi nhận 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 31.6% so với trung bình 4 tuần trước.

Theo số liệu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cung cấp, trong 6 tháng đầu năm bệnh viện tiếp nhận 5.493 lượt khám. Trong đó có 1.739 ca cần nhập viện điều trị nội trú, tỷ lệ nhập viện là 35,4%, lên tới 369 ca.

Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 120 ca sốt xuất huyết.

BSCK1. Đinh Tuấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: "Năm nay bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, lượng bệnh nhân nặng cũng tăng.

Cao điểm bệnh viện nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng được chuyển viện từ TP.HCM và các tỉnh lân cận lên".

TP.HCM: Trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến-1
Lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh, số ca nặng và tử vong cũng tăng cao hơn so với những năm trước.

Hiện nay, tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện đang điều trị cho 7 trường hợp bệnh nhân nặng. Trong đó có một bệnh nhân suy gan cấp đang phải lọc máu liên tục do biến chứng của sốc sốt xuất huyết và 2 trường hợp nặng đang phải thở máy.

Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho tới hiện nay, đã có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Đa số những bệnh nhân nặng đều bị mắc sốt xuất huyết trên cơ địa dư cân béo phì, mắc các bệnh nền bị sốc kéo dài, suy đa tạng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong thời gian gần đây cũng đã tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân tới thăm khám và điều trị sốt xuất huyết.

Theo BSCK2. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), từ đầu năm cho tới nay bệnh viện đã tiếp nhận 4.500 trường hợp điều trị sốt xuất huyết ngoại trú.

Trong đó có 2.000 trường hợp nội trú. Hiện tại, khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị cho 115 trường hợp, 5 trường hợp nặng cần thở máy ở khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, khoa Cấp cứu đang điều trị cho 8 trường hợp.

Nếu như số ca bệnh tiếp tục tăng như hiện nay thì bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải.

Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh khác, phụ huynh cần đề cao cảnh giác

Theo BSCK2. Nguyễn Minh Tiến, bệnh sốt xuất huyết thường có các triệu chứng đa dạng giống với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt rét, sốt siêu vi, sốt phát ban ... Ngay cả khi trẻ đã từng mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau.

Vậy nên phụ huynh không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy chân tay lạnh, xuất huyết bất thường... cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, truyền dịch điều trị cho trẻ tại nhà.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm chưa có vaccine phòng bệnh nhưng có thể phòng ngừa bằng một số hành động đơn giản hằng ngày. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêu diệt muỗi, lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt.

Trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM cũng đã lên kế hoạch đảm bảo thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động thu dung điều trị sốt xuất huyết sẵn sàng ứng phó với lượng bệnh nhân có thể tăng trong thời gian tới.

Tiếp tục đào tạo, tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho toàn bộ mạng lưới khám, chữa bệnh của thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.

Tăng cường các đợt kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình, công trình xây dựng, trường học... trên địa bàn.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Xem link gốc Ẩn link gốc https://suckhoedoisong.vn/tphcm-tre-em-nhap-vien-do-sot-xuat-huyet-tang-dot-bien-so-ca-nang-va-tu-vong-cung-tang-169220629174212836.htm

sốt xuất huyết

Tin tức mới nhất