Trầm cảm nhấn chìm Aaron Carter

Aaron Carter có nhiều năm vật lộn với ma túy và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Sự ra đi đột ngột của “hoàng tử nhạc pop” một thời Aaron Carter khiến nhiều người bàng hoàng. Anh được tìm thấy qua đời tại nhà riêng hôm 5/11.

Trước khi qua đời, chủ nhân bản hit I'm All About You phải vật lộn với chứng nghiện chất kích thích, ma túy và những thách thức về sức khỏe tâm thần. Đây cũng là hai trong số nhiều nguyên nhân khiến Carter trượt dốc sự nghiệp và lâm vào khủng hoảng cuộc sống.

Những năm gần đây, tình trạng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất là ở người trẻ, như Carter không phải hiếm.

Trầm cảm nhấn chìm Aaron Carter-1

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và Dịch vụ sức khỏe tâm thần Mỹ (SAMHSA), 20% người Mỹ mắc một dạng rối loạn tâm thần và 5% mắc chứng rối loạn đủ nghiêm trọng ảnh hưởng đến học tập, công việc hoặc các khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày.

Không giống bệnh vật lý, các vấn đề sức khỏe tâm thần khó có thể được chẩn đoán rõ ràng. Chúng có thể bao gồm một loạt rối loạn, nhưng đặc điểm chung là đều ảnh hưởng đến tính cách, quá trình suy nghĩ hoặc tương tác xã hội của một người.

Ảnh hưởng

Rối loạn sức khỏe tâm thần xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau và các triệu chứng có thể chồng chéo, khiến việc chẩn đoán gặp khó khăn. Một số rối loạn phổ biến là rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, tâm thần phân liệt.

Đại diện của Carter từng cho biết anh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn đa nhân cách, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm thậm chí là tâm thần phân liệt. Năm 2019, bản thân nam ca sĩ cũng thẳng thắn chia sẻ về những vấn đề mình gặp phải trong chương trình truyền hình The Doctors.

Theo Psych Guides, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gây ra nhiều triệu chứng cảm xúc như thay đổi tâm trạng, suy nghĩ thất thường, lo lắng mạn tính, hành động bốc đồng.

Trầm cảm nhấn chìm Aaron Carter-2
Các chứng bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Ảnh: Pexels.

Về ngắn hạn, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể khiến một người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc hàng ngày. Nó cũng có thể gây ra sự tức giận, sợ hãi, buồn bã và cảm giác bất lực nếu người đó không biết hoặc không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Về lâu dài, các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể là nguyên nhân khiến một người tự tử. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, hơn 90% số vụ tự sát có nguyên nhân là trầm cảm hoặc một chứng rối loạn tâm thần khác.

Trong đại dịch, các vấn đề về sức khỏe tâm thần càng trở nên trầm trọng.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ năm 2021, 63% thanh niên 18-24 tuổi cho biết có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm, 25% nói đã tăng cường sử dụng chất kích thích để đối phó căng thẳng và 25% nghiêm túc cân nhắc việc tự sát.

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc, tiến sĩ Shekhar Saxena ở Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết 10% người trưởng thành gặp vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài từ các vấn đề đang vật lộn.

Ngăn chặn

Theo Medlineplus, mỗi người có thể tự cải thiện sức khỏe tâm thần của bản thân bằng những thói quen lành mạnh trong cuộc sống.

Theo đó, hãy tìm kiếm sự cân bằng giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực. Luôn lạc quan không có nghĩa là không bao giờ cảm thấy buồn rầu, tức giận. Bạn cần cảm nhận chúng để có thể vượt qua những tình huống khó khăn, nhưng đừng để chúng lấn át.

Đồng thời, cố gắng giữ lấy cảm xúc tích cực khi có được, đừng sa vào những tin đồn, tranh luận hoặc so sánh tiêu cực cuộc sống của mình với người khác trên mạng xã hội.

Trầm cảm nhấn chìm Aaron Carter-3
Cố gắng duy trì lối sống, suy nghĩ tích cực là cách cải thiện sức khỏe tâm thần. Ảnh: Pexels.

Ngoài ra, hãy thực hành lòng biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày bằng cách nghĩ hoặc viết về chúng ra nhật ký.

Đó có thể là những điều lớn lao, ví dụ như sự giúp đỡ của người thân yêu, hay điều nhỏ nhặt như được thưởng thức một bữa ăn ngon. Điều quan trọng là hãy cho phép bản thân có thời gian tận hưởng những trải nghiệm tích cực.

Bên cạnh đó, cần giữ sức khỏe thể chất tốt bởi nó và sức khỏe tinh thần kết nối với nhau. Cố gắng tập thể dục thường xuyên để giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống lành mạnh.

Kết nối với những người khác cũng là điều nên làm để cải thiện sức khỏe tâm thần. Ngoài kết nối với gia đình, bạn bè, hãy thử làm tình nguyện viên cho một tổ chức địa phương hay tham gia một nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt về điều bản thân yêu thích.

Không chỉ vậy, hãy phát triển các kỹ năng đối phó với những tình huống căng thẳng để khi gặp vấn đề, bản thân có thể linh hoạt, sáng suốt và không dễ dàng bỏ cuộc trong việc tìm ra cách giải quyết.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tram-cam-nhan-chim-aaron-carter-post1372516.html

Aaron Carter trầm cảm

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao