Trầm trồ trước sự độc lập của trẻ em Nhật Bản

(2Sao) - Nhiều người nước ngoài tại Nhật Bản rất sốc khi nhìn thấy học sinh nhỏ tuổi của nước này đi bộ từ nhà đến trường, thậm chí là tự đi tàu điện hoặc xe buýt một mình.

Trong khi ở hầu hết các nước khác trên thế giới, hình ảnh này là hiếm gặp thì ở Nhật, nó lại là điển hình.

Kênh truyền hình Úc SBS 2 mới đây đã chia sẻ một phim tài liệu nhỏ mang tên "Đứa trẻ độc lập tại Nhật Bản" trên Youtube. Theo đó, clip này cung cấp một cái nhìn thoáng qua về sự khác nhau giữa việc đến trường của một bé gái người Nhật và bé gái người Úc. Bên cạnh đó giải thích nguyên của các yếu tố xã hội dấn đến sự kỳ vọng khác nhau về tính độc lập của trẻ em ở mỗi nước.

Clip đứa trẻ độc lập tại Nhật Bản

Phim tài liệu nhỏ được mở đầu bằng cách chia sẻ câu tục ngữ của Nhật Bản: "Kawaii ko ni wa tabi o saseyo", nghĩa là "Gửi con yêu dấu vào một cuộc hành trình". Câu nói này khuyến cáo rằng trẻ em nên tìm hiểu để nhận thức những thử thách và khó khăn của cuộc sống ngay trong giai đoạn đầu của cuộc đời, ám chỉ thực tế là trẻ em Nhật Bản thường được xã hội hóa, trở nên độc lập và biết tự chăm sóc bản thân ở độ tuổi nhỏ hơn rất nhiều so với trẻ em các nước phương Tây. Một ví dụ nổi bật của sự độc lập ở trẻ em Nhật Bản là việc học sinh tiểu học ở Nhật Bản tự đến trường mỗi ngày.



Thậm chí ở Nhật Bản có một chương trình truyền hình chỉ xoay quanh việc cho con ra bên ngoài để hoàn thành công việc lặt vặt đầu tiên của chúng một mình.



Tiếp đó là hình ảnh cô bé Noe Ando, 7 tuổi, tự chuẩn bị trang phục, sách vở và đến trường bằng xe điện. Cô bé thậm chí đã phải chuyển chuyến một lần tại ga Shinjuku. nhà ga đông đíc nhất thế giới với số lượng hành khách khổng lồ. Việc đi bộ qua các trạm thôi cũng đã là một thứ thách vất vả cho người lớn, nhưng một mình cô bé đã làm được trong giờ cao điểm.



Trong khi việc để con cái tự đến trường là việc khó tưởng tượng nổi ở những nước ngoài Nhật Bản thì mẹ của Ando chia sẻ quan điểm: "Bố mẹ sẽ không thể ở bên con bé được vì vậy con bé phải học cách để tự giải quyết công việc một mình. Nếu chẳng may con bé bị lỡ hoặc bắt sai chuyến tàu, nó phải tự hình dung ra điều đó".

Mẹ của bé Ando

SBS 2 sau đó đã phỏng vấn Jake Adelstein, một nhà báo điều tra của Mỹ nổi tiếng là một chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản, người đã trải qua cú sốc văn hóa ở mức độ nhất định khi cô con gái 4 tuổi của ông bất đầu tự đi bộ đến trường một mình ở Nhật Bản.

Cô bé người Úc - Emily, 10 tuổi mong mình sớm được độc lập

Tiếp theo, SBS 2 gặp gỡ gia đình anh Fraser ở Úc có con gái 10 tuổi tên Emily. Hàng ngày, Fraser đưa con gái đến trường trên chiếc xe ô tô của mình. Khi được nói rằng, nếu sống ở Nhật Bản, Emily sẽ phải tự đến trường một mình trong 4 năm, cô bé trả lời: "Điều đó thật tuyệt!". Emily mong đợi nhanh đến Trung học, khi cô được phép tự đi bộ về nhà.

Cuối cùng đoạn phim tài liệu đưa ra cuộc thảo luận ngắn gọn xung quanh sự khác biệt xã hội và kỳ vọng ở trẻ em Nhật Bản và Úc.

Một trong những ý kiến được đưa ra là Nhật Bản có dân số gấp 5 lần Úc nhưng tỷ lệ giết người chỉ bằng 1/4.



Sau khi đoạn phim tài liệu được đăng tải, một số cư dân mạng trên diễn đàn trực tuyến nổi tiếng Reddit đã đưa ra ý kiến của mình.

"Tôi nghĩ rằng ngoài tỷ lệ tội phạm thấp, cộng đồng Nhật Bản có xu hướng tập thể khi nuôi con.... Tôi nghĩ rằng, nhiều trẻ em Nhật Bản, nếu chúng bị lạc hoặc gặp rắc rối chúng sẽ không mấy khó khăn khi yêu cầu người giúp đỡ, đặc biệt là người lớn. Tôi thì lại lớn lên hoàn toàn trái ngược, mỗi người lạ đều có thể là một tên tội phạm mà họ có thể muốn làm tổn thương tôi".

"Bé gái trong đoạn phim không phải trường hợp bình thường, cô bé phải đi xa một mình vì cha mẹ cố gửi cô đến một loại trường tư đặc biệt. Nó xa hơn so với đoạn đường ngắn mà học sinh tiểu học ở Nhật Bản thường đến ngôi trường gần nhà của mình, Những đứa trẻ hiếm khi đi bộ một mình, có những điểm được chỉ định, nơi chúng sẽ gặp những đứa trẻ khác cùng khu phố và đi bộ đến trường theo nhóm. Những đứa trẻ lớn sẽ dẫn đầu nhóm".

"Tôi nghĩ rằng đoạn phim này đã nói trúng các điểm cần thiết. Trẻ em Nhật Bản thường độc lập hơn nhiều so với trẻ em phương Tây. Không hẳn trong mọi trường hợp, mọi tình huống... nhưng nói chung là như vậy. Chỉ có điều, họ đã chọn một trường hợp hơi cực đoan để làm ví dụ".


Bảo Châu
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất