Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất

Truyền thông quốc tế bất ngờ về cuộc chiến chống dịch hiệu quả của Việt Nam

Nhiều bài viết xuất hiện trên các diễn đàn và truyền thông quốc tế đã bày tỏ sự ngạc nhiên về công tác chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế.

Trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 30/3 đã đăng tải bài viết của tác giả Sean Fleming với tiêu đề “Việt Nam cho thấy cách kiểm soát COVID-19 với nguồn lực hạn chế”.

“Làm thế nào một quốc gia với các nguồn lực hạn chế có thể đương đầu với một đại dịch toàn cầu, trong khi đại dịch này khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia phát triển có nguy cơ sụp đổ. Đó là thách thức mà nhiều nước nghèo hơn, đang phát triển trên thế giới, bao gồm cả những nước như Việt Nam, phải đối mặt. Tưởng rằng virus corona có thể tàn phá những nước như vậy, nhưng thay vào đó, Việt Nam đã trở thành ngọn hải đăng trong việc chống dịch với nguồn lực hạn chế”, bài viết trên WEF nhận định.

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 200 ca mắc Covid-19 và chưa có bất kỳ trường hợp tử vong nào. Theo bài viết, không giống như các nước châu Á giàu có hơn, Việt Nam không tiến hành các chương trình xét nghiệm hàng loạt. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã xét nghiệm 338.000 người, trong khi Việt Nam mới chỉ xét nghiệm 15.637 người (số liệu tính đến ngày 20/3/2020).

“Tuy nhiên, bằng việc tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình, Việt Nam đã nhận được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế (về công tác chống dịch)”, bài viết nhấn mạnh.

Truyền thông quốc tế bất ngờ về cuộc chiến chống dịch hiệu quả của Việt Nam-1

Hành động nhanh chóng

Tác giả bài viết cho biết từ ngày 1/2, Việt Nam đã khởi động hàng loạt sáng kiến để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Việt Nam đã đình chỉ tất cả chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đồng thời quyết định đóng cửa toàn bộ trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

2 tuần sau đó, lệnh phong tỏa 21 ngày đã được áp dụng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định này được đưa ra sau khi xuất hiện những lo ngại về tình trạng sức khỏe của những người lao động trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc - nơi khởi phát dịch.

Cũng theo bài viết, các biện pháp chống dịch của Việt Nam còn bao gồm việc cách ly 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam và hủy toàn bộ chuyến bay nước ngoài. Việt Nam cũng tiến hành cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi bất kỳ ai từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Bài viết cũng đề cập tới tinh thần giám sát cao của người Việt Nam khi chủ động thông báo cho cơ quan chức năng, nếu phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào từ những người xung quanh.

“Bất kỳ ai bị phát hiện chia sẻ thông tin sai lệch và tin giả về virus corona có thể sẽ phải gặp công an, và khoảng 800 người đã bị xử phạt vì điều này”, bài viết cho biết thêm.

Theo tác giả bài viết, “những nỗ lực chủ động của Việt Nam” trong việc phòng chống dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã có sự “cải thiện đáng kể” sau 2 thập niên.

“Từ năm 2002-2018, quá trình chuyển đổi nền kinh tế giúp hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng gấp đôi, lên hơn 2.500 USD vào năm 2018, trong khi Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng GDP thực tế 7,1%. Y tế của Việt Nam cũng được cải thiện, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 71 tuổi vào năm 1990 lên 76 tuổi vào năm 2015”, bài viết nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng được cải thiện.

Bài viết trên trang chủ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã thành công trong việc kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.

Nỗ lực chống dịch toàn diện

Trong một bài viết với tiêu đề “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus corona như thế nào” của hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW), người viết cũng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Là một quốc gia đông dân cạnh Trung Quốc, Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế trong việc đối phó với virus corona. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như vậy?

Bài viết trên DW nhận định Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Trong dịp Tết Nguyên đán hồi cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã “phát động cuộc chiến” với virus corona, mặc dù dịch bệnh khi đó mới chỉ bùng phát tại Trung Quốc. 

Theo bài viết, ngay từ đầu, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và tiến hành theo dõi toàn bộ những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Bất kỳ ai từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao tới Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và đại học đều phải đóng cửa từ đầu tháng 2.

Các nước phương Tây như Đức chỉ thống kê những trường hợp nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Trong khi đó, Việt Nam theo dõi cả những trường hợp tiếp xúc ở cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 với người nhiễm virus. Tất cả những người này sau đó đều được kiểm soát nghiêm ngặt theo từng cấp độ về quá trình di chuyển và hạn chế tiếp xúc.

Liên quan tới công tác chống dịch tại Việt Nam, hãng thông tấn EFE (Tây Ban Nha) ngày 30/3 đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 như thế nào”.

Theo bài viết, “với các nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn đại dịch Covid-19 bằng cách triển khai các biện pháp phòng ngừa như cách ly hàng loạt và theo dõi triệt để các ca nghi nhiễm”.

EFE dẫn lời ông Park Kidong, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, cho biết "phong tỏa trong thời bình", "kích hoạt sớm hệ thống ứng phó" và "cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ" là những lý do dẫn đến sự thành công của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Bài viết trên tạp chí Financial Times (Anh) cũng nhận định “Việt Nam đã chứng tỏ họ là một hình mẫu trong việc kiểm soát dịch bệnh tại một đất nước với nguồn lực hạn chế nhưng có sự lãnh đạo kiên quyết”.

Tương tự các bài viết trên WEF hay DW, bài viết trên Financial Times cũng đề cập tới hàng loạt biện pháp mà Việt Nam đã triển khai để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, như thay vì xét nghiệm hàng loạt, Việt Nam tập trung vào việc cách ly các ca nhiễm và theo dõi những người tiếp xúc với họ ở cấp độ 2, cấp độ 3.

Bài viết cho rằng cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam rất “ấn tượng” khi dừng tất cả chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đồng thời đóng cửa các trường học. Việt Nam cũng là nước đầu tiên sau Trung Quốc phong tỏa cả một khu vực rộng lớn, sau khi phát hiện các ca nhiễm trở về từ Vũ Hán tại Vĩnh Phúc.

“Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 phụ thuộc một phần vào việc huy động lực lượng quân đội, y tế, giám sát và mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia. Truyền thông Việt Nam liên tục phát đi thông điệp, các nhà chức trách minh bạch về dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn về các thông tin liên quan tới virus corona và các hướng dẫn giữ gìn sức khỏe”, bài viết cho biết thêm.

Financial Times cũng đề cập tới một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam cho thấy, phần lớn những người được hỏi đều có “nhận thức cao” về các triệu chứng của Covid-19.

“Nỗ lực của chính phủ để chiến đấu với Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của người dân, thể hiện qua các bài viết trên mạng xã hội nhằm cổ vũ các nhân viên y tế, hay chia sẻ thông điệp tuyên truyền: “Ở nhà là yêu nước””, bài viết cho biết.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/the-gioi/truyen-thong-quoc-te-bat-ngo-ve-cuoc-chien-chong-dich-hieu-qua-cua-viet-nam-20200406091149974.htm

COVID-19 Virus Corona

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất