Vì sao web drama giang hồ, bạo lực của nghệ sĩ Việt chết trên YouTube?

Sau thời gian bùng nổ, web drama về chủ đề giang hồ, bạo lực đã không còn phổ biến trên YouTube. Nguyên nhân đến từ lượt xem giảm, nội dung phim gây tranh cãi.

Web drama giang hồ, bạo lực từng bùng nổ như “nấm mọc sau mưa” trên YouTube. Hàng loạt web drama ra đời với sự tham gia của không ít nghệ sĩ nổi tiếng như Việt Hương, Nam Thư, Thu Trang, Quách Ngọc Tuyên… Chủ đề này cũng được ưa chuộng ở thể loại phim ca nhạc với sự góp mặt của Hồ Quang Hiếu, Lâm Chấn Khang…

Những sản phẩm từng thu hút hàng triệu lượt xem giúp các nghệ sĩ đạt nút vàng, nút bạc của YouTube. Tuy nhiên, sau khoảng gần 2 năm “làm mưa làm gió” trên mạng, khoảng nửa năm trở lại đây, theo quan sát của Zing.vn, web drama, phim ca nhạc giang hồ, bạo lực đã giảm hẳn về số lượng. Đâu là nguyên nhân?

Vì sao web drama giang hồ, bạo lực của nghệ sĩ Việt chết trên YouTube?-1
Hồ Quang Hiếu trong phim ca nhạc Thiếu niên ra giang hồ.

Lượt xem giảm, không gây bão

Thập tam muội của Thu Trang ra mắt năm 2018 từng gây chú ý lớn trên mạng. Ngay tập 1 của web drama này đã thu về 46 triệu lượt xem, được cho là động lực để các nghệ sĩ đồng loạt thực sự các sản phẩm về chủ đề giang hồ, bạo lực pha hài sau đó.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2019 không còn sản phẩm nào đạt được lượt xem tương đương. Thập tứ cô nương của Nam Thư ra mắt đầu năm 2019, tập 1 có 24 triệu lượt xem. Lượt xem này được đánh giá là lớn so với mặt bằng chung của web drama do nghệ sĩ Việt sản xuất.

Song, các tập tiếp theo của Thập tứ cô nương không giữ vững được phong độ. Tập 3 của web drama này có 20 triệu lượt xem, đến ngoại truyện giảm xuống còn 10 triệu lượt xem.

Đến nay, Thập tứ cô nương đã dừng sản xuất. Nam Thư đã chuyển hướng sang làm hài ma. Mới đây, nữ nghệ sĩ làm đạo diễn dự án phim do Kiều Linh đầu tư với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như Hoài Linh, Huỳnh Lập…

Lượt xem giảm dần cũng là tình trạng của web drama Trật tự mới hay còn có tên là Giang hồ Chợ Mới tiền truyện do Việt Hương sản xuất và đóng chính.

Tập 1 của web drama này có 13 triệu lượt xem, đến tập 5 chỉ còn 7.6 triệu lượt xem. Web drama này dừng ra tập mới cách đây 3 tháng. Việt Hương cũng đã chuyển hướng sang làm hài ma với tên gọi Hài ma Việt Hương.

Vì sao web drama giang hồ, bạo lực của nghệ sĩ Việt chết trên YouTube?-2
Việt Hương là gương mặt sung sức trong mặt trận web drama.

Kịch bản đi xuống

Khán giả là thước đo cho sự giảm sút của những web drama nội dung giang hồ. Nhiều khán giả nhận định lượt xem giảm có liên quan mật thiết đến chất lượng nội dung. Nhiều web drama giang hồ, bạo lực rơi vào bi kịch chỉ hấp dẫn được 1-2 tập đầu, các tập sau tỏ ra đuối sức, thiếu hấp dẫn, lặp lại kịch bản.

“Các phim giang hồ của Thu Trang, Nam Thư, Quách Ngọc Tuyên, Việt Hương có phần lấy ý tưởng từ Người trong giang hồ của Hong Kong. Do vậy, nội dung rất dễ đoán, xem tập này đã biết được tập sau, thiếu bất ngờ”, khán giả Hoài Nam bình luận.

Trong khi đó, tài khoản Bảo Nhân nhận xét: “Tuy bùng nổ nhưng nhiều web drama na ná nhau về nội dung, những mảng miếng hài cũng lặp lại, do vậy, càng về sau lượt xem càng giảm vì không còn đủ thú vị để hấp dẫn người xem”.

Đồng quan điểm, độc giả Minh Thư cho rằng web drama là một xu hướng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế, nhiều sản phẩm thiếu đầu tư về kịch bản, diễn xuất, hình ảnh. Đó là lý do chỉ sau vài ba tập, lượt xem đã “xuống dốc” và phải dừng lại.

Vì sao web drama giang hồ, bạo lực của nghệ sĩ Việt chết trên YouTube?-3
Nam Thư hiện đã dừng sản xuất Thập tứ cô nương.

Thông điệp gây tranh cãi

Trong một buổi công bố đề cử của một giải thưởng mới đây, đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm chấm phim chiếu mạng hay còn gọi là web drama là nếu có phim về lớp học hay thì vẫn dành ưu thế hơn phim về giang hồ hấp dẫn.

Đạo diễn nói rằng ông không kỳ thị giang hồ nhưng phải nghĩ đến tác động xã hội của nó. Nếu có phim về học đường và phim về giang hồ và diễn xuất hay ngang nhau thì ông sẽ ưu tiên chọn phim học đường. Quan điểm này sau đó bị diễn viên Việt Hương phản ứng ngay tại cuộc họp báo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của Lê Hoàng. Tiến sĩ, nhà nghiên cứu truyền thông Vũ Tuấn Anh  bày tỏ với Zing.vn rằng nội dung giang hồ, bạo lực có thể là "vô thưởng, vô phạt" với một đối tượng khán giả. Tuy nhiên, với giới trẻ, nội dung này lại đánh đúng vào tâm lý “nổi loạn” của tuổi mới lớn.

"Đến lớp 5, lớp 6, nhiều em học sinh đã có điện thoại thông minh riêng và được tự do sử dụng không bị kiểm soát bởi cha mẹ. Các em đang ở tuổi quá nhỏ hoặc ở tuổi đang lớn vì thế rất tò mò về thế giới xung quanh, những gì gây tò mò thì các em sẽ xem và chưa nhận thức được những sản phẩm hay hay dở", ông nói.

Sự phản ứng của báo chí và một số chuyên gia được cho là có tác động đến việc giảm nhiệt của web drama giang hồ, bạo lực. Mới đây, Huỳnh Lập chuyển hướng sang làm điện ảnh. Anh nói với Zing.vn: “Thực tế web drama cũng là thời thế và chỉ có thời nhất định, không bền được”.

Nhiều người đồng tình với quan điểm cái gì lên đến đỉnh ắt cũng phải thoái trào, web drama giang hồ, bạo lực không ngoại lệ.

Khán giả Minh Quốc nhận định: "Suốt một thời gian, web drama Việt xoay quanh chuyện tranh đoạt giữa băng nhóm giang hồ, xã hội đen, với cảnh đánh nhau, ăn chơi Thập Tam Muội, Vi cá tiền truyện, Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ, Người trong giang hồ... Đến một thời điểm khán giả cũng sẽ ngán và chuyển sang một ăn khác".

Trong khi đó, tài khoản Minh Trang nêu quan điểm: "Ngay cả web drama hài ma đang bùng nổ hiện nay cũng sẽ có thời điểm thoái trào, vấn đề là nhanh hay chậm. Nếu kịch bản thiếu đầu tư, chất lượng đi xuống nhanh, tốc độ thoái trào càng nhanh".

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/vi-sao-web-drama-giang-ho-bao-luc-cua-nghe-si-viet-chet-tren-youtube-post1024789.html

Web Drama

Tin tức mới nhất