Xoài nghi bị làm giả: Nhập ngàn tấn từ Trung Quốc mỗi năm

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, loại xoài ghi làm bằng cao su không phải là xoài giả. Đây là giống xoài bản địa của Trung Quốc, mỗi năm chúng ta vẫn nhập khoảng 2.000-2.500 tấn về Việt Nam.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 2 phút đăng tải hình ảnh bên trong lõi của hạt xoài có chứa lớp vỏ lạ màu trắng. Người đăng tải clip nghi ngờ xoài này là giả, được làm bằng cao su (?). Ngay sau đó, đã có nhiều tranh cãi về chuyện xoài giả, xoài thật và câu chuyện nguồn gốc của giống xoài này là ở Việt Nam hay Trung Quốc,...

Thực tế, ghi nhận của PV. VietNamNet, tại các sạp chợ trên địa bàn Hà Nội cũng như một số tuyến đường Xã Đàn, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu,... loại xoài được nhắc tới trong clip được dân buôn gọi là xoài mít hay xoài mút, được chất đầy trên xe thồ và bán la liệt với giá chỉ 20.000-25.000 đồng/kg.

Loại xoài nghi có hạt làm bằng cao su đang được bán tràn lan ở Hà Nội

Theo quan sát, xoài mít có hình dáng khá nhỏ, chỉ bé bằng 2 ngón tay. Quả xoài màu vàng, lấm tấm những chấm đen. Bên trong ruột có màu vàng, ăn ngọt sắc và thơm, hạt xoài cực mỏng.

Chị Lê Thị Duyên bán hoa quả tại đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hơn một tháng nay, chị chuyển từ bán mận sang bán loại xoài mít này. Nhập từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), chị bảo đầu mùa giá xoài tầm khoảng 50.000-60.000 đồng/kg nhưng giờ vào chính vụ nên giảm còn 20.000-25.000 đồng/kg, tùy loại.

Vì giá khá rẻ nên bán chạy, chị Duyên nói.

“Nhiều người tạt vào hàng cứ bảo xoài lạ, quả gì mà nhỏ xíu. Nhưng xoài này tôi đã bán được 4 năm nay rồi. Năm nay xoài được mùa, hàng nhiều nên mọi người mới thấy bán nhiều như vậy”, chị nói.

Theo chị, nhiều người cho rằng đây là xoài miền Nam, giống mới trồng, song cũng có người bảo xoài của Trung Quốc. Nhưng, do có tính ngọt thơm, vỏ mỏng, hạt mỏng nên trung bình mỗi ngày chị bán được trên dưới 1 tạ xoài. Ngày rằm, mùng 1 chị bán được 1,5 tạ.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật, loại xoài này được nhập về  từ Trung Quốc

Mỗi năm nhập 2.500 tấn

Trao đổi với PV về loại xoài lạ nghi có hạt làm bằng cao su gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), khẳng định, loại xoài xuất hiện trong clip không phải là xoài giả làm bằng cao su hay nilon.

Theo ông Hà, loại xoài này miền Nam gọi là xoài mút, còn miền Bắc gọi là xoài mít.

Xoài mít là giống xoài bản địa của Trung Quốc, được trồng nhiều ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây,... Hiện bên đó đang vào mùa nên Việt Nam nhập loại xoài này qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai với số lượng khoảng 60-70 tấn/ngày.

Ông Hà cũng cho biết, xoài mít Trung Quốc được nhập về Việt Nam được gần chục năm nay. Cứ vào cuối tháng 7 cho đến tháng 8, khi xoài Việt Nam gần hết mùa, hiếm dần thì chúng ta bắt đầu nhập về bán.

“Từ đầu vụ đến giờ, chúng ta nhập khoảng trên 500 tấn xoài mít của Trung Quốc và chỉ nhập từ thị trường này, ước tính cả vụ chúng ta nhập khoảng 2.000-2.500 tấn”, ông nói.

Quả xoài siêu nhỏ, ăn ngọt thơm, hạt mỏng nên được người dân chuộng mua

“Mọi người cứ sợ xoài này độc hại, nhưng từ đầu mùa đến giờ, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu của Cục Bảo vệ Thực vật luôn kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi chưa phát hiện thấy lô nào vi phạm quy định kiểm dịch của Việt Nam nên mọi người có thể yên tâm ăn”, ông Hà cho hay.

Trong khi đó, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng nói thêm, giống xoài này đã được đưa vào trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, vỏ trái dày thuận tiện cho việc vận chuyển đi xa.

Tuy nhiên, đây là loại xoài chưa được công nhận nên các sở nông nghiệp địa phương cần quản lý, theo dõi. Nếu giống xoài này tốt thì công nhận và cho phát triển trên diện rộng.

Còn chuyện xoài giả được làm bằng cao su đang lan truyền trên mạng xã hội, ông Trung cho rằng, trên thị trường có rất nhiều loại xoài, giá rẻ, nhiều thời điểm khó bán vì nguồn cung lớn. Do vậy, không có lý do gì để đưa xoài giả vào thị trường. Việc lan truyền thông tin không chính xác này sẽ gây nghi ngờ cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng tẩy chay, khiến các nhà vườn không bán được, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng xoài.
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất