Ý chí thép của người duy nhất còn sống vụ máy bay rơi Hòa Lạc

Sau 4 tháng hôn mê, khi tỉnh dậy, anh vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy người thân, đồng đội, nhất là khi nghe con gái hát bài 'Cả nhà thương nhau'.

 Tròn một năm sau vụ máy bay quân sự Mi 171 rơi ở Hòa Lạc ngày 7/7/2014, Thượng úy Đinh Văn Dương, người duy nhất còn sống, giờ khuôn mặt bị biến dạng, không còn đôi chân, đôi tay lành lặn như trước. Nhưng với nghị lực sống phi thường, anh vẫn luôn giữ vững tâm thế của một người lính “tàn nhưng không phế”.

Thượng úy Đinh Văn Dương vẫn đang điều trị tích cực tại khoa Phục hồi chức năng, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Thấy tiếng gõ cửa phòng bệnh, anh giục mẹ - bà Trịnh Thị Đông - ra mở cửa. Anh nhoẻn miệng cười tươi, cố gắng giơ đôi tay giờ đây đã không còn lành lặn ra hiệu chào hỏi. Anh rất cởi mở cho biết, đã chuyển đến Trung tâm phục hồi chức năng từ ngày 13/11/2014 đến nay. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của đơn vị và của các y, bác sĩ, anh cảm thấy bản thân như được “sinh ra” lần thứ hai.

Ngày còn trong phòng cấp cứu, cả thân thể bị bó sát bởi những lớp băng trắng, trong tâm trí anh mơ hồ khi nghe giọng nói của mẹ, của vợ và cô con gái Đinh Hải Yến gọi “Ba ơi...”. Đến khi tỉnh dậy và nói được, anh vui không tả xiết khi nhìn thấy người thân và đồng đội của mình và nhất là lúc nghe con gái hát bài “Cả nhà thương nhau”. Và cũng chính giây phút ấy, nhìn đồng đội luôn túc trực 24/24, nhìn sự tận tình của các y, bác sĩ, anh như được tiếp thêm sức mạnh để anh chiến đấu với bệnh tật.

Điều đặc biệt là ngày 9/7/2014, tức là 2 ngày sau vụ tai nạn, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hải đã sinh con trai nặng 2,8 kg tại Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108. Đây cũng là điều giúp anh có nghị lực sống.
 

Thượng úy Đinh Văn Dương trong phòng tập phục hồi chức năng tại Viện Bỏng quốc gia
Lê Hữu Trác.


Tuy nhiên, để có thể thực hiện liệu trình phương pháp tập luyện bài bản, đều đặn như hiện nay, ít ai biết rằng anh đã phải trải qua cuộc giằng xé nội tâm để vượt lên chính mình.

Nhớ lại ngày tỉnh dậy sau 4 tháng hôn mê, anh cảm thấy mình rơi vào cơn tuyệt vọng không lối thoát. Anh bi quan nghĩ rằng, sắp tới đây mình sẽ nợ gia đình, nợ đồng đội rất nhiều. Cuối cùng, nhờ sự động viên của những người xung quanh cùng với sự tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia, anh đã thức tỉnh. Giờ đây, anh đã sống một cuộc đời khác, một cuộc đời mà ý chí chiến thắng số phận. Các y bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia gọi anh với cái tên thân mật: "người lính có ý chí thép”.

Anh Dương tâm sự, với tình hình sức khỏe bây giờ, khó khăn cho việc đi lại, nhưng anh mong muốn sẽ được về lại nơi chiếc máy bay gặp nạn năm trước, thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh.

Mặc dù nằm viện điều trị, nhưng không lúc nào anh thôi nghĩ đến họ, điều anh tâm nguyện bây giờ là nhờ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể sẽ xây dựng tượng đài tưởng niệm liệt sĩ cho 20 đồng đội đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay hôm ấy.

Anh không thể quên được mỗi lần gia đình các đồng đội đã hy sinh đến viện thăm, các con của họ đều gọi anh là bố. Giờ đây, anh mong bản thân có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe, đi lại được và dù ít dù nhiều có thể đóng góp sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ cho họ.

Khi được hỏi về cuộc sống gia đình hiện tại, Thượng úy Đinh Văn Dương chia sẻ, anh cảm ơn vợ mình - chị Nguyễn Thị Hải - đã chịu nhiều vất vả khi phải một mình thay anh lo toan cuộc sống gia đình và chăm sóc hai con nhỏ. Bên cạnh công việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, chị Hải lại tham gia học nâng cao về y khoa. Anh nợ người vợ yêu thương hai từ “trách nhiệm”, chị là đôi tay, đôi chân vững chắc của anh trong cuộc sống tương lai sắp tới.

Để vợ chồng Thượng úy Đinh Văn Dương bớt phần khó khăn, nhận ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã trao quyết định của Bộ Quốc phòng về việc tặng căn hộ chung cư cho gia đình anh. Căn hộ có diện tích gần 70 m2, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Gần một năm kể từ sau tai nạn kinh hoàng, là từng ấy thời gian Thượng úy Dương phải chiến đấu với bệnh tật, phải nỗ lực từng ngày. Anh bảo, trời không phụ công người, nhờ tinh thần tập luyện tốt mà sức khỏe anh đang dần hồi phục.

Hiện tại, anh đang tập vận động chức năng chân, tay, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật kéo mắt, tai, vuốt mũi… Mỗi tuần, anh đều được các bác sĩ cho xét nghiệm máu, rất may là thể trạng của anh hồi phục rất nhanh. Trong thời gian nằm viện điều trị, cứ đều đặn ngày 2 buổi sáng - chiều, anh chăm chỉ đến phòng tập phục hồi chức năng của Viện Bỏng quốc gia. Được các y bác sĩ chỉ dẫn, anh bắt đầu tập những bài tập đơn giản, như tập đi trên thanh song song, tập gập bụng…

Cách đây 2 tuần, anh có thể tập đi nhờ lắp chân giả mà không cần ai hỗ trợ. Sau vụ tai nạn, đôi chân của anh đã không còn nguyên vẹn như xưa, cơ thể bỏng nặng để lại khá nhiều vết sẹo đã cản trở ít nhiều bước tập luyện của anh.

Anh Đinh Văn Dương tâm sự: “Trước khi có chân giả, tôi tập đi bằng cách bám hai cánh tay vào thanh song song. Phải rất khó khăn và nhiều ngày tập luyện, tôi mới thích ứng với đôi chân giả này. Mỗi buổi tập, tôi có thể đi được khoảng 20m. Mỗi bước đi, là một niềm hi vọng tràn đầy”.

Từ ngày biết con có thể tập đi trở lại, mẹ Thượng úy Dương phấn khởi nói: “Gần một năm túc trực bên giường bệnh, không lúc nào tôi không lo lắng cho số phận của con trai. Dẫu biết con sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn nhưng ngay khi nhìn thấy con có thể tập đi bằng đôi chân không còn lành lặn, tôi cảm thấy trong lòng như trút đi một phần gánh nặng”.

Kể từ khi anh Đinh Văn Dương gặp nạn, gia đình đã phân công mọi người thường xuyên túc trực. Chị Đinh Thị Hiền (36 tuổi, chị gái anh Dương) cũng luôn ở bên chăm sóc em trai suốt 11 tháng, trước khi về quê lo chuyện gia đình cách đây một tháng.

Bà Đông cho hay, gia đình bà ở vùng quê chiêm trũng Hà Nam, nhà lại neo người, chồng mất sớm, con dâu bận bịu con nhỏ nên chỉ có bà và chị Hiền thường xuyên ở bệnh viện. Gia đình vốn ở nông thôn, làm nông nghiệp nên hoàn cảnh khó khăn, những lúc nông nhàn, vợ chồng chị Hiền làm nghề phụ hồ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

"Ở đây, gia đình chúng tôi đã được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, sự động viên của đơn vị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đó là niềm khích lệ lớn đối với gia đình tôi nói chung và Dương nói riêng", bà nói.

Bác sĩ Phạm Mai Phương, Phó chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng, Viện Bỏng quốc gia cho biết: “Đồng chí Đinh Văn Dương có tâm lý ổn định, sức khỏe tiến triển khá tốt. Tình hình những vết bỏng đã hồi phục, anh có thể ăn, uống và nói chuyện bình thường. Mặc dù cánh tay vẫn còn hạn chế khi chưa thể gập và duỗi do co cơ nhưng chúng tôi ưu tiên việc điều trị phục hồi chức năng hai chân trước, bắt đầu tập đi bằng chân giả, sau đó mới phục hồi chức năng cánh tay, tiến tới sau phẫu thuật đáp ứng việc cầm nắm… Chúng tôi sẽ tiến hành lắp đôi chân giả làm bằng chất liệu silicon của Đức, hy vọng sẽ hỗ trợ tốt nhất trong quá trình tập luyện của anh Dương”.

Bác sĩ Phương cho biết thêm, bệnh nhân này là trường hợp đặc biệt và quá trình chiến đấu với bệnh tật của anh khiến nhiều người nể phục. Trong quá trình điều trị, anh Dương luôn thể hiện quyết tâm của mình, kìm nén sự đau đớn về thể xác và tập trung cao vào việc điều trị.

                                                                                                                Theo Pháp luật xã hội


Tin tức mới nhất