9 bệnh về răng mọi người hay mắc

Ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến răng như: sâu răng, viêm tủy răng, viêm nướu, viêm quanh răng… Vì vậy chăm sóc xử trí như nào cho đúng là rất quan trọng.

Ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến răng như: sâu răng, viêm tủy răng, viêm nướu, viêm quanh răng …, Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng cũng có thể là triệu chứng của sâu răng.

Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, bệnh sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhai và thẩm mỹ. Vì vậy chăm sóc xử trí như nào cho đúng là rất quan trọng.

1. Sâu răng

Răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có thể bị sâu nếu không vệ sinh đúng cách. Sâu răng dễ nhận biết qua sự thay đổi màu sắc, lỗ hổng trên răng.

Sâu răng nhẹ không gây đau, sâu răng nặng hơn gây ê buốt hay đau thoáng qua, sâu răng nặng gây viêm tủy đau dữ dội.

Dự phòng bằng cách chải răng kĩ càng, dùng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng. Nguyên tắc điều trị: chú ý điều trị dự phòng cho trẻ em, điều trị càng sớm càng tốt tránh để biến chứng viêm tủy.

2. Viêm tủy răng

Do nhiều nguyên nhân, thường gặp do sâu răng nặng biến chứng vào tủy, răng chấn thương, mòn răng, nhiễm độc chì, thủy ngân, do viêm quanh răng…

Viêm tủy có nhiều dạng, có thể đau dữ dội, đau thoáng qua, hay không đau nhưng tiến triển âm ỉ và chỉ biểu hiện khi viêm cấp hay thấy sưng tấy vùng chân răng.

Nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là làm sạch hết chiều dài ống tủy, hàn kín ống tủy, việc này đòi hỏi trang thiết bị đầy đủ, chụp x-quang kiểm tra kĩ càng. Có thể điều trị xong trong một lần hay nhiều lần.

3. Viêm nướu

Là dạng nhẹ của bệnh nha chu (viêm quanh răng), cao răng và mảng bám là nguyên nhân gây kích ứng, sưng nề, mẩn đỏ, chảy máu, hơi thở hôi, co nướu, thay đổi màu sắc...

Nguyên nhân: vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc, bệnh tiểu đường, giảm miễn dịch, phản ứng với thuốc, thay dổi nội tiết tố(phụ nữ mang thai, trẻ em tuổi dậy thì, thuốc tránh thai…), khô miệng, làm răng giả sai quy cách.

Vệ sinh đúng cách (chải răng, chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng) và lấy cao răng định kỳ sẽ ngăn ngừa hiệu quả viêm nướu.

4. Bệnh viêm quanh răng:

Viêm nướu, cao răng tích tụ lâu ngày không được kiểm soát sẽ dẫn đến viêm quanh răng: xuất hiện những túi lợi sâu, tích tụ vi khuẩn, mảng bám, gây tiêu xương quanh răng, co tụt nướu, răng lung lay và là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở tuổi trung niên và người cao tuổi.

Người cao tuổi ở Việt Nam có tỷ lệ mất răng cao chủ yếu do bệnh nha chu không được điều trị đầy đủ. Bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nên khi có dấu hiệu nên đi khám bác sĩ sớm.

5. Răng nhiễm màu, đổi màu:

Màu sắc răng khác với bình thường có thể do nhiều nhóm nguyên nhân: nhiễm màu nội sinh(dùng thuốc, bệnh bilirubin máu cao bẩm sinh – răng sữa màu xanh, nhiễm màu Porphyrin – răng màu nâu đỏ), nhiễm màu ngoại sinh( do thức ăn, nước uống có màu, các vi khuẩn sinh màu, các vết trám răng..), nhiễm Fluor, mòn răng, sau điều trị tủy, sau chấn thương gây chết tủy răng…

Điều trị: theo nguyên nhân: loại bỏ mảng bám, thay đổi môi trường miệng, tẩy trắng răng, phục hình thẩm mỹ với trường hợp nhiễm màu nặng.

6. Răng sứt mẻ:

Thường gặp khi nhai mạnh vật cứng, tật nghiến răng, ăn hay uống quá nóng, quá lạnh, chấn thương…Nếu nhẹ thường không cần điều trị gì.

Với vết mẻ răng lớn gây ê buốt hay ảnh hưởng thẩm mỹ có thể điều trị trám thẩm mỹ, bôi thuốc chống ê buốt, trám răng thông thường, nặng hơn có thể phải điều trị tủy hay làm phục hình, mặt dán sứ vì có những vị trí trám răng khó lưu giữ và hay bị bong vết trám khi ăn nhai.

7. Nứt răng, nứt gãy chân răng:

Nguyên nhân giống như trường hợp răng sứt mẻ. Có thể nứt vỡ đột ngột và có đau ngay lập tức hay nứt không có triệu chứng và nặng dần theo thời gian: ăn nhai thấy ê buốt, buốt khi uống nước lạnh, cơn đau tự nhiên dữ dội.

Chẩn đoán dựa vào mắt thường và phim x-quang, đôi khi không thấy đuờng nứt gãy trên phim. Điều trị: làm bọc chụp, chữa tủy nếu có viêm tủy không hồi phục, bỏ mảnh răng nứt nếu đã tách rời, có thể phải nhổ răng nếu nứt gãy quá sâu dưới chân răng.

8. Mất răng:

Có thể mất một răng, vài răng hay cả hàm răng ở người cao tuổi. Mất răng gây khó khăn trong ăn nhai, răng di chuyển, sai lệch khớp cắn, mất thẩm mỹ, tiêu xương…

Điều trị: làm răng giả tháo lắp hoặc cố định. Để làm răng cố định có thể mài răng thật làm cầu răng hoặc cấy ghép Implant trong xương rồi làm răng trên Implant. Không nên để tình trạng mất răng quá lâu, điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn.

9. Răng khôn gây biến chứng:

Là răng mọc muộn nhất (17-21 tuổi) và thường không đủ chỗ trên cung hàm nên hay bị mọc lệch, ngầm, lợi trùm gây nhiều biến chứng: viêm quanh thân răng, dắt thức ăn gây sâu răng số 7, tiêu xương, đẩy nhóm răng phía trước xô lệch….

Nên khám phát hiện răng khôn sớm và nhổ trước khi gây biến chứng, nhổ răng khôn thường an toàn và nhẹ nhàng.

Đặc biệt phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm có răng khôn lợi trùm rất dễ bị sưng đau, xử lý khó khăn do hạn chế dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.

Theo Sức khỏe đời sống


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao