Album tái bản: Chiêu 'moi tiền' từ fan cuồng của sao Kpop

Viết về tái bản album, trang Yonhap News đánh giá đây là hình thức "lấy tiền không biết xấu hổ" từ người hâm mộ của các công ty giải trí Hàn Quốc.

Trở thành fan yêu nhạc Kpop đã không còn đơn giản và là một sở thích ít tốn kém như người ta hay nói cách đây vài năm. Đi cùng sự cạnh tranh khốc liệt trong giới thần tượng là những chiêu trò mới nhằm tăng doanh thu từ các công ty quản lý, chẳng hạn album kèm sách ảnh hoành tráng, thẻ in hình thành viên, cơ hội tham gia fan meeting, đêm nhạc… hay đặc biệt là việc tái bản album (album repackage) đang trở thành xu hướng.

Rõ ràng, đây là một trong những cách kinh doanh, kiếm tiền siêu lợi nhuận dựa trên sự yêu thích cuồng nhiệt của fan. Ngoài ra, việc phát hành album repackage còn tô điểm về mặt thành tích và không ít nhóm nhạc đã giật giải lớn, được tôn vinh như những ông hoàng bán album nhờ cách làm này. Trong đó, EXO là ví dụ điển hình, đồng thời cho thấy album repackage có lợi đến thế nào.

Tích cực kiếm tiền từ người hâm mộ

Album repackage trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc vào đầu những năm 2000. Một trong những lần tái bản thành công nhất, mở đường cho trào lưu thực hiện album repackage chính là khi Loveholics phát hành sản phẩm đầu tay năm 2003. Bản tái bản mang tên Re_all Floristra ra mắt tháng 10/2003, sáu tháng sau khi album gốc là Florist được phát hành.

Xét về hình thức, một album tái bản thông thường sẽ bao gồm việc làm mới bao bì và hình minh họa. Nó cũng thường được bổ sung những vật tặng kèm, chẳng hạn thẻ có in hình của các ca sĩ hoặc thành viên trong nhóm nhạc.

Trong đó, S.M. Entertainment đã hoàn toàn đổi mới album tái bản The War: The Power of Music phát hành cách đây ít ngày của EXO theo khái niệm siêu anh hùng và mang màu sắc truyện tranh, trong khi đó abum gốc là The War lại đậm chất nhiệt đới.

Album tái bản: Chiêu moi tiền từ fan cuồng của sao Kpop-1
Album tái bản của EXO gồm một ca khúc mới mang tên Power và được thiết kế theo hình tượng siêu năng lực.

Về nội dung, thông thường ba ca khúc mới hoặc thậm chí chỉ một bài sẽ được thêm vào album gốc để từ đó tạo nên album tái bản. Album repackage tạo cơ hội lý tưởng để các nhóm nhạc tiếp tục được quảng bá trên sóng truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác.

Để tận dụng sức nóng, đồng thời tăng thành tích bán đĩa, album repackage sẽ được phát hành không lâu sau khi bản gốc ra mắt, và thời gian thường thấy nhất mà các nhóm nhạc Hàn Quốc hay tận dụng chính là ba tháng. Bằng cách này, nhiều ca sĩ, nhóm nhạc đã quảng bá hiệu quả cho ca khúc mới, dù thực chất album của họ có tới 90% nội dung cũ.

Hình thức lấy tiền không biết xấu hổ?

Kiếm tiền dựa trên việc in lại album rõ ràng là một quyết định dựa trên lợi nhuận thay vì tính nghệ thuật. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh cách làm này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc.

Các đơn vị sản xuất video game lớn cũng phát hành thêm nội dung để người dùng có thể tải về. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng trong hai lĩnh vực đó là người chơi game không phải bỏ tiền để mua toàn bộ trò chơi cũ, thay vào đó họ chỉ phải chi thêm một khoản nhỏ hơn so với fan Kpop để sở hữu nội dung bổ sung.

Các chuyên gia âm nhạc cho rằng xu hướng tái bản album ngày càng lan rộng là bởi hình thức tiêu thụ hiện tại chủ yếu là nghe trực tuyến, dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán đĩa. Do đó, các công ty đang ráo riết thực hiện album tái bản nhằm hạn chế tiền đầu tư mà vẫn thu được khoản lợi lớn từ những fan cuồng sẵn sàng mua bất cứ thứ gì mà thần tượng của mình bán ra.

Chuyên gia âm nhạc Im Jin Mo lý giải: "Ngày càng có nhiều người chuyển sang nghe nhạc trực tuyến, bởi thế đĩa CD chỉ được coi như vật lưu niệm hoặc thỏa mãn sở thích sưu tầm của người hâm mộ, nhất là trong văn hóa thần tượng. Về cơ bản, cách làm này là một mẹo tiếp thị nhằm tối đa hóa doanh số bán hàng dựa trên sức mạnh của các cộng đồng fan".

Ngoài lợi nhuận khủng, album tái bản còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ca sĩ nâng cao thành tích, điều này đặc biệt quan trọng trong một thị trường âm nhạc rất nhạy cảm với doanh số bán hàng như Hàn Quốc.

Trước The War, các album trước của EXO đều đạt doanh số hàng triệu bản. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là thành tích cộng gộp cả album gốc lẫn bản in lại.

Mới đây, nhóm nhạc nhà SM còn được ghi danh vào cuốn sách Kỷ lục Thế giới Guinness phiên bản 2018 nhờ thành tích Nhóm nhạc chiến thắng hạng mục Daesang nhiều nhất tại giải thưởng Mnet Asian Music Awards. Trong đó, EXO hai lần nhận Daesang Album của năm vào 2013-2015.

Trước đó, EXO cũng được ngợi ca là “ông hoàng bán album” của Kpop. Trong đó, album phòng thu thứ ba Ex'Act phát hành tháng 6/2016 cùng bản tái bản ra mắt sau đó 2 tháng đã bán được 1.1 triệu bản.

Album tái bản: Chiêu moi tiền từ fan cuồng của sao Kpop-2
GFriend sẽ phát hành album tái bản mang tên Rainbow vào ngày 13/9 tới.

Dù bị giới chuyên môn, truyền thông chỉ trích khi đặt lợi nhuận lên trên yếu tố nghệ thuật nhưng rõ ràng, khi nhìn vào EXO, hẳn sẽ có không ít công ty lập tức lao vào cách kiếm tiền béo bở này.

Trong khi đó, người hâm mộ Kpop cũng không tỏ ra tức giận hay chán nản trước cách làm này. Thậm chí, họ còn cho rằng đây là hành động nhằm kích thích thị trường bán đĩa, vốn đã sụt giảm đáng kể, đồng thời, tạo điều kiện sở hữu album cho những người hâm mộ chưa có cơ hội mua bản gốc.

"Tôi không có cơ hội để nghe album mới của GFriend khi họ phát hành nó trong vài tháng trước. Nếu có một bản in lại, bao gồm ca khúc mới và bao bì được cải tiến hơn thì tôi không thấy có bất cứ lý do nào cản trở việc tôi mua nó", Kim Cheol Hoon, một nhân viên văn phòng ở Seoul nói.

Theo Zing


GFriend Kpop EXO

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao