Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở Bắc Kạn: Hương vị có bị tanh nồng?

Chỉ vào dịp rằm tháng 7 hàng năm, người Tày ở Bắc Kạn lại chọn những con cá chép đồng làm nhân gói bánh chưng. Và món bánh lạ miệng này trở thành thứ không thể thiếu trong mâm cơm cúng gia tiên.

Trên khắp dải đất hình chữ S, mỗi vùng miền lại có những loại bánh chưng mang nét đặc trưng riêng.

Thịt, đỗ vốn là những nguyên liệu thường thấy, nhưng phần nhân làm từ cá có lẽ ít nơi dùng. Vậy mà người Tày ở Bắc Kạn lại có một món ăn rất đặc biệt để cúng tổ tiên vào dịp rằm tháng 7 hàng năm.

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở Bắc Kạn: Hương vị có bị tanh nồng?-1
Những miếng bánh chưng nhân cá chép được người Tày ở Bắc Kạn làm vào dịp rằm tháng 7.

Người địa phương còn gọi đó là pẻng ho - món bánh chưng nhân cá chép đồng. Mới thoạt nghe, nhiều người sẽ hình dung món ăn không tránh khỏi mùi vị tanh do làm từ cá.

Chị Thu Huyền, sinh năm 1996, người dân tộc Tày, hiện sống ở huyện Na Rì, cho biết, không rõ món này có từ bao giờ, nhưng cứ vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân ở đây lại tổ chức cúng rằm. Trên mâm cơm dâng lên tổ tiên không thể thiếu món bánh chưng truyền thống.

Nguyên liệu làm bánh chưng không thể thiếu gạo nếp nương, cá chép đồng thả trong ruộng, lá gừng hoặc rau răm, thịt mỡ và một số gia vị cơ bản.

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở Bắc Kạn: Hương vị có bị tanh nồng?-2
Lá gừng cắt nhỏ trộn cùng cá chép đồng.

"Cứ tầm tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi người dân trồng lúa sẽ thả luôn cá chép đồng vào ruộng. Chúng lớn tự nhiên không cần chăm bón gì. Gần tới ngày rằm tháng 7, dân làng lại bảo nhau ra ruộng, lấy cá về làm nhân bánh. Loại cá này chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay", chị Huyền cho biết.

Ở Bắc Kạn, chỉ có người Tày tại huyện Na Rì và Ba Bể mới làm món bánh này. Nhưng tùy theo thói quen và sở thích, có nhà dùng lá gừng, nơi khác lại thích rau răm để khử tanh.

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở Bắc Kạn: Hương vị có bị tanh nồng?-3
Cá chép đồng trộn cùng lá gừng và chút gia vị để làm nhân bánh chưng (Ảnh cắt từ clip).

Cá sau khi được mổ moi làm sạch sẽ được trộn cùng chút gia vị và lá gừng. Cách gói bánh không khác gì bánh chưng truyền thống. Vẫn là gạo nếp, lá dong, thêm chút thịt mỡ làm nhân cho béo ngậy rồi gói hình trụ tròn như bánh tét và luộc trong vòng từ 12 đến 15 tiếng.

Sau khi luộc chín, phần nhân cá nhừ xương. Lớp mỡ cũng tan ra, hòa quyện vào bánh và lá gừng. Khi đó, các bà các chị sẽ vớt bánh, treo lên sào tre chờ ráo nước.

Dù ăn lúc nguội nhưng mùi bánh hòa quyện cùng lá gừng nên hầu như không còn mùi tanh. Cá mềm lẫn vị béo ngậy của mỡ và dẻo thơm từ nếp, ăn cũng không sợ bị hóc xương.

"Loại bánh này cũng kén người ăn. Những ai chưa quen có thể thấy vị lạ miệng, khác hẳn bánh chưng truyền thống. Nhưng với người đã ăn quen lại thấy nghiện, càng ăn càng nghiền", chị Huyền chia sẻ.

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở Bắc Kạn: Hương vị có bị tanh nồng?-4
Chị Huyền bên thành quả vừa hoàn thành.

Cũng theo chị Huyền, loại bánh này gần như chỉ có ở 2 huyện Na Rì và Ba Bể ở Bắc Kạn chứ ít xuất hiện ở các địa phương khác nên ít người biết tới. Bánh không bán phổ biến, chỉ tới dịp rằm tháng 7 người địa phương mới làm. Ngày thường, khách muốn ăn bánh đều phải đặt trước.

"Vào ngày Tết cổ truyền, địa phương tôi vẫn gói bánh chưng nhân đậu, thịt như nhiều nơi khác. Ngoài ra còn có bánh chưng nhân lạc đỏ cũng lạ miệng", chị Huyền cho biết thêm.

Giá những chiếc bánh nhân cá chép cũng nhỉnh hơn so với loại thường. Loại nặng tầm 1kg có giá khoảng 50.000 đồng, trong khi bánh chưng thường tại địa phương chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/du-lich/banh-chung-nhan-ca-chep-cua-nguoi-tay-o-bac-kan-huong-vi-co-bi-tanh-nong-20231101073115164.htm

bánh chưng

Tin tức mới nhất