Bêu tên người mua bán dâm giữa đường: Công an làm trái luật

Theo các luật sư, công an đã làm trái luật. Việc xử lý như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và nhân phẩm là các quyền hiến định của những người bị xử lý.

Ngày 30/1, trên mạng xã hội xôn xao trước clip dài hơn 4 phút về việc Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) công khai danh tính những người mua dâm và bán dâm tại đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông.

Bêu tên người mua bán dâm giữa đường: Công an làm trái luật-1
Hình ảnh một người đàn ông mặc sắc phục công an đọc tên người mua bán dâm giữa đám đông (ảnh cắt từ clip)

Trong đoạn clip này, một cán bộ công an đứng đọc mức xử phạt hành chính đối với các đối tượng mua dâm và bán dâm. Cụ thể, bà Phạm Thị B. bị phạt 25 triệu đồng, tịch thu sung công quỹ 250 triệu đồng; bà Phạm Thị C. (chủ quán cà phê M.) bị xử phạt hành vi môi giới mại dâm 25 triệu đồng; ông Phạm Văn T., người mua dâm….

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công (giám đốc công ty Phương Đông Luật) cho rằng: “Xử lý hành vi mua bán dâm đã được quy định theo pháp luật hiện hành theo Điều 22 và Điều 23 Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm 2003 thì tùy tính chất, mức độ vi phạm của hành vi vi phạm của người mua dâm, người bán dâm sẽ bị xử lý hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.

Cũng theo luật sư Công, trong trường hợp người mua dâm, người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự về Điều 148, Tội lây truyền HIV cho người khác; hoặc Điều 149, Tội cố ý truyền HIV cho người khác.

Đồng thời, tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán dâm, với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng.

“Như vậy, điều đầu tiên Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) sai là xử lý hành vi vi phạm của những người mua bán dâm nêu trên không dựa trên căn cứ pháp luật, mặc dù Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm 2003 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về cách thức xử lý”, vị luật sư này nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng: “Thẳng thắn mà nói, công an đã làm trái luật. Việc xử lý không đúng căn cứ pháp luật đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và nhân phẩm là các quyền hiến định của những người bị xử lý, cho dù là người đó là người mua dâm hay bán dâm”.

Đồng quan điểm với luật sư Công, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TPHCM) nêu quan điểm: “Hành vi bán dâm là một hành vi bị xã hội ta lên án rất nhiều. Nó xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của người Việt vốn có truyền thống công dung ngôn hạnh.

Hành vi bán dâm trước đây bị lên án mạnh mẽ đến mức nhà nước coi nó là bệnh và buộc các cố gái bán dâm vào cơ sở chữa bệnh theo qui định tại Điều 26 Pháp lệnh xử lý hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2/7/2002. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma tuý là từ một năm đến hai năm, đối với người bán dâm là từ ba tháng đến mười tám tháng”.

Luật sư Dũng cho biết thêm: “Dần dần xã hội phát triển, quan niệm về việc bán dâm bớt khắt khe hơn trong xã hội. Hành vi bán dâm không bị luật pháp coi là “bệnh tật” nữa. Ngoài mức phạt tiền qui định tại Nghị định 167 ra, không ai được phép xử lý bổ sung bất kỳ hình thức nào đối với người vi phạm”.

“Tôi cho rằng phía công an đã tùy tiện, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của họ. Tuy vi phạm về mua dâm, bán dâm nhưng họ vẫn còn đầy đủ các quyền con người hiến định. Cần phải xử lý nghiêm đối với những người mặc sắc phục công an nhân dân trong video clip”, luật sư Dũng nói.

Theo Dân Trí


Mại dâm

Tin tức mới nhất