Bí ẩn về vùng đất "thiêng" Ai Cập cổ đại

Ai Cập cổ đại, nơi được xem là cái nôi của nền văn minh nhân loại cho đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí mật thôi thúc con người khám phá.



Ai Cập, tên chính thức ngày nay là Cộng hòa Ả Rập Ai Cập, là một quốc gia thuộc Bắc Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, nổi tiếng với dòng sông Nile, những kim tự tháp hùng vĩ cùng bí ẩn về nền văn minh cổ đại thu hút khách du lịch và giới khoa học.

Ai Cập - cái nôi của nền văn minh nhân loại

Nền văn minh Ai Cập cổ đại hay còn được biết tới là nền văn minh sông Nile được xem là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Địa lý chính là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần hình thành nên nền văn minh sớm nhất thế giới.

Sông Nile dài hơn 6 ngàn km, có 7 nhánh đổ ra Địa Trung Hải, là một trong những con sông dài nhất thế giới. Hạ lưu sông có hình dáng tam giác, dài 700 km với hai bên lưu vực sông có đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhờ lượng phù sa lớn bồi đắp, thuận tiện cho các loại cây trồng phát triển. Nơi đây cũng sở hữu quần thể động vật đa dạng. Nhờ đó, cư dân sống ở hai bờ sông Nile không chỉ an cư lạc nghiệp mà còn phát triển thông thương. Thiên nhiên đã ưu ái ban cho nơi này điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển nền văn minh sớm nhất thế giới.


Sông Nile, Ai Cập ngày nay trở thành một trong những điểm du lịch hút khách (Ảnh: Internet)

Theo Wikipedia, năm 3150 TCN (trình tự thời gian của bảng niên đại Ai Cập), nền văn minh Ai Cập được thống nhất dưới thời pharaoh Narmer, thường được gọi là Menes. Đây cũng là vị vua đầu tiên của đế chế Ai Cập cổ.

Trải qua nhiều đời pharaon với những biến động lịch sử, nền văn minh Ai Cập cổ đã tạo ra được vô số thành tựu, từ tín ngưỡng - tôn giáo, văn hóa cho đến xây dựng, tiêu biểu là kim tự tháp - một trong 7 kỳ quan thế giới cổ còn sót lại tới ngày nay.

1. Kiến trúc

Không thể không kể đến các công trình kiến trúc vĩ đại như Kim tự tháp, Tượng nhân sư khi nhắc tới nền văn minh Ai Cập cổ đại. Cho đến nay, những công trình này vẫn đứng sừng sững như tượng đài bất tử, khẳng định sự tồn tại của một nền văn minh thịnh vượng cổ xưa. Những bí ẩn xoay quanh chúng vẫn là đề tài thu hút các nhà khảo cổ, và là điểm đến lý tưởng với những người yêu thích du lịch khám phá.

Theo các học giả, đặc trưng của kiến trúc Ai Cập cổ đại là sự khan hiếm gỗ. Nguyên vật liệu chính mà người Ai Cập cổ dùng để xây dựng là gạch và đá. Quan niệm, tín ngưỡng mà người Ai Cập cổ đại gửi gắm trong những công trình xây dựng này đến nay vẫn khiến các nhà khoa học phải đau đầu.


Kim tự tháp - một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại còn sót lại tới tận ngày nay (Ảnh: Internet)

Kim tự tháp, hay chính là mộ của các Pharaoh và hoàng hậu bắt đầu được xây dựng từ thời vua đầu tiên của vương triều III, là các công trình có hình chóp được làm bằng đá. Tính đến năm 2008, có tất cả 138 kim tự tháp được khám phá ở Ai Cập (theo Wikipedia). Bên trong mỗi kim tự tháp đều ẩn chứa nhiều bí ẩn vừa khiến con người tò mò, lại vừa khiến họ sợ hãi.

Nhiều hình vẽ khắc họa được tìm thấy bên trong các kim tự tháp cũng cho ta thấy nghệ thuật phong phú của nền văn minh cổ xưa nhất trong lịch sử loài người, với đề tài phong phú: cảnh sinh hoạt ngày thường; thế giới khi con người đi vào cõi vĩnh hằng.

2. Chữ viết

Năm 1894, một nhóm khảo cổ học đã tìm thấy những ký hiệu tượng hình được khắc trên các bức tranh trong các di tích tìm thấy khi tiến hành khai quật "thành phố diều hâu" Nekhen, một trong những đền thờ cổ nhất ở Ai Cập.


Ký tự cổ Ai Cập được khắc trên đá (Ảnh: Wikipedia)

Theo các nhà khoa học, chữ viết Ai Cập cổ ra đời từ khi xã hội hình thành giai cấp. Chữ tượng hình là cơ bản và thông dụng nhất tại nền văn minh này, còn đối với các khái niệm phức tạp hơn, người Ai Cập cổ dùng phương pháp mượn ý. Tuy nhiên, chữ tượng hình và mượn ý vẫn chưa đủ để giao tiếp, vậy nên họ tạo ra những hình vẽ biểu hiện âm tiết, rồi từ đó trở thành chữ cái và được sử dụng suốt hơn 3000 năm. Trong nền Ai Cập cổ đại có khoảng 1000 chữ tượng hình, trong đó có 24 chữ cái.

Loại chữ cổ này được khắc trên đá, gỗ, đồ gốm, viết trên vải gai, da và giấy papyrus - loại giấp thông dụng nhất của người Ai Cập cổ. Mực được làm từ quả bồ hóng và bút được chế tác từ thân cây sậy.

Vào cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã truy ra mẫu tự Phoenix được biến tấu từ văn tự Ai Cập cổ. Các dân tộc Do Thái, Ả Rập, Hy Lạp và La tinh đã dựa theo mẫu tự này để tạo nên chữ viết của riêng mình. Có thể nói, ngôn ngữ của chúng ta dùng ngày nay đều thừa hưởng di sản từ chữ viết Ai Cập cổ.

3. Thiên văn học

Theo nhiều nhà khoa học, 12 cung hoàng đạo mà chúng ta biết đến ngày nay đã được người Ai Cập cổ đại khám phá từ hàng ngàn năm trước. Ở thời kỳ đó, thiên văn học phát triển nhiều hơn chúng ta tưởng. Họ không chỉ biết tới các chòm sao, mà còn phát minh ra công cụ đo lường thời gian từ việc xác định bóng mặt trời. Tuy nhiên, dụng cụ này chỉ xem được khi có ánh mặt trời. Về sau, họ đã phát minh ra đồng hồ nước có thể tính giờ cả ngày lẫn đêm. Ở nền văn minh cổ ấy, người Ai Cập cũng đưa ra cách tính 1 năm bằng 365 ngày, ứng với 12 tháng, mỗi tháng chỉ có 30 ngày nhờ vào quy luật dâng nước của sông Nile.


Người Ai Cập cổ đại đã khám phá ra sự tồn tại của 12 chòm sao, chính là 12 cung hoàng đạo trong chiêm tinh ngày nay (Ảnh: Internet)

Một trong những câu hỏi lớn thách thức khoa học là liệu có phải người Ai Cập cổ đã trông thấy hoặc tiếp xúc với người ngoài hành tinh hay không; bởi trong một số bức tranh tường được khám phá trong lăng mộ của các Pharaoh, họ đã khắc những hình ảnh khó hiểu, trông giống người ngoài hành tinh. Nhiều giả thiết cho rằng những bức tranh ấy mô tả cuộc sống ở nơi ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, có ý kiến phản bác lại giả thiết đó, họ cho rằng nếu nghĩ như vậy là đã xúc phạm tới các di sản của người Ai cập cổ đại.


Hình khắc trên tường trong hầm mộ khá giống với sinh vật ngoài hành tinh (Ảnh: Internet)

4. Thuật ướp xác

Thuật ướp xác của người Ai cập cổ đại ra đời từ năm 2700 TCN và kéo dài tới tận thế kỷ thứ 5. Đây được xem là một trong những tục lệ mai táng phức tạp nhất trong lịch sử nhân loại. Người Ai Cập cổ tin vào sự vĩnh hằng, và ướp xác là một trong những cách để người đã khuất có thể tiến vào thế giới bên kia, nơi Chúa trờ che chở họ.

Nhờ y học phát triển mà họ đã tìm tòi ra được phương pháp ướp xác có thể nói là hoàn hảo nhất. Nguyên tắc của việc ướp xác là dựa trên việc làm mất nước của cơ thể, lấy đi các bộ phận dễ bị phân hủy như nội tạng và bộ não. Sau đó, thi thể được bảo quản trong natron khô (một loại muối nhằm làm khô thi hài) khoảng 70 ngày. Bước cuối là nhồi hương thảo vào phần rỗng của nội tạng, xoa dầu thơm và quấn vải một cách cẩn thận lên thi thể. Xác ướp được chôn cất cùng với những món đồ mà người Ai Cập tin rằng người đã khuất sẽ sử dụng khi sang thế giới khác.


Ướp xác, một phong tục mai táng phức tạp của người Ai Cập cổ (Ảnh: Wikipedia)

Bộ phận duy nhất không bị lấy ra khỏi cơ thể người chết là trái tim; vì người Ai Cập cổ cho rằng trái tim là hiện thân của trí tuệ, người chết sẽ cần nó khi sang thế giới bên kia.


Xem tận mắt quy trình ướp xác "ảo diệu" của người Ai Cập (Nguồn: Trí thức trẻ)

5. Tín ngưỡng

Ngay từ thủa sơ khai, người Ai Cập cổ đại đã tin vào các vị thần và thế giới bên kia. Họ xây các đền thờ chịu sự quản lý của các vị tư tế đại diện cho vua, nơi những vị thần trú ngụ để bảo vệ và che chở cho họ. Thông thường, lãnh địa của các vị thần được xây dựng cách biệt với thế giới bên ngoài và chỉ có quan chức của ngôi đền mới được phép ra vào thường xuyên. Chỉ đến các ngày lễ thì tượng thần mới được đem ra thờ phụng công khai cho người dân tới thờ. Ngoài ra, mọi người có thể thờ riêng các bức tượng thần trong nhà họ và đeo bùa để chống lại các thế lực xấu.


Ngôi đền Horus tại Edfu, Ai Cập (Ảnh: Wikipedia)

Mèo là con vật linh thiêng trong nền văn minh cổ xưa này. Người Ai Cập cổ đại rất yêu động vật, nhưng đặc biệt thờ phụng mèo, ướp xác chúng sau khi chúng qua đời và thờ mèo như một vị thần. Hầu hết các gia đình thời Ai Cập cổ đều nuôi mèo và tin rằng mèo mang lại may mắn cho họ.


Mèo là con vật linh thiêng với người Ai Cập cổ đại (Ảnh: Internet)

Trong tín ngưỡng của nền văn minh cổ này, đôi mắt của loài mèo là ánh sáng soi lối cho họ trong đêm tối. Nếu xảy ra hỏa hoạn trong nhà, mèo sẽ được ưu tiên cứu trước. Và với những ai vô tình hay cố ý làm chết mèo, người đó sẽ phải đối mặt với hình phạt đáng sợ của đám đông: bị ném xuống một hố đầy rắn độc.


Người Ai Cập cổ ướp xác mèo sau khi chúng qua đời (Ảnh: Internet)


và thờ chúng như một vị thần. (Ảnh: Internet)

Với những gia đình không có điều kiện ướp xác mèo, họ sẽ để tang mèo bằng cách cạo lông mày của mình. Năm 1888, người ta đã phát hiện hàng chục ngàn xác ướp mèo trong một ngôi mộ lớn. Khám phá này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lĩnh vực khảo cổ.


Boho
Theo Vietnamnet

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/bi-an-ve-vung-dat-thieng-ai-cap-co-dai-n-108158.html

bí mật Ai Cập cổ đại nền văn minh lịch sử xác ướp Ai Cập kim tự tháp khảo cổ học tín ngưỡng lời nguyền Ai Cập

Tin tức mới nhất