Bị đuổi việc vì xin nghỉ 5 ngày chăm vợ đẻ

Một người đàn ông ở Quảng Đông, Trung Quốc đã “chết đứng” vì bị công ty đuổi việc sau khi xin nghỉ 5 ngày về quê chăm vợ vừa đẻ đứa con thứ hai. Thế nhưng, một cái kết có hậu đã diễn ra sau đó.

Anh Đồ là nhân viên kỹ thuật của một công ty chuyên kinh doanh vật liệu sơn ở Quảng Châu từ tháng 5/2006 đến tháng 8/2013 với mức lương hàng tháng là 5.200 NDT và 400 NDT tiền điện thoại/tháng.

Chiều 22/7/2013, khi chuẩn bị hết giờ làm anh nhận được thông tin vợ đang chuyển dạ, chuẩn bị sinh con thứ 2 và bảo anh xin nghỉ 9 ngày để về nhà giúp vợ. Để xin nghỉ, anh Đồ đã viết đơn và đã được lãnh đạo bộ phận ký duyệt.

Tuy nhiên, trong đơn xin nghỉ phép của công ty có chú thích rõ: Xin nghỉ trong vòng 2 ngày, lãnh đạo bộ phận được phép phê chuẩn, xin nghỉ quá 2 ngày sẽ do Phó Giám đốc hoặc Giám đốc công ty xem xét.

Trong trường hợp bị thương khi làm việc, ốm đau… phải có giấy chứng nhận.

Anh Đồ cho hay, khi nhận được tin vợ chuẩn bị đẻ đã là cuối giờ chiều nên vội vã đi tìm quản lý bộ phận để xin nghỉ và bàn giao công việc. Người này đã bàn giao việc của anh Đồ cho một đồng nghiệp khác.

Sau khi được người quản lý bộ phận ký đơn xin nghỉ phép, anh Đồ cũng muốn tìm người phụ trách giám sát công việc hành chính của công ty để xin chữ ký.

Tuy nhiên khi đó đã gần giờ về, nên anh chỉ gọi điện thông báo cho người này về việc vợ đẻ và xin nghỉ nhưng không nói rõ số ngày nghỉ.

Trong điện thoại, vị “tổng quản” của công ty đã đồng ý cho anh Đồ nghỉ và anh Đồ cũng đã nhờ đồng nghiệp nộp đơn xin nghỉ phép cho người này.

2, 3 ngày sau đó, Đồ nhận được điện thoại của người quản lý giám sát công việc hành chính của công ty rằng anh nghỉ quá lâu, phải sớm quay lại công ty làm việc.

Vì vậy, ông bố trẻ này đã nhanh chóng thu xếp công việc và quay lại làm việc trước hai ngày so với kế hoạch.

Trong điện thoại, vị “tổng quản” nói rằng anh Đồ không đủ điều kiện để nghỉ chăm vợ đẻ và cũng không phê chuẩn cho anh nghỉ một cách rõ ràng.

Theo “Giấy chứng sinh”, con gái anh Đồ sinh vào lúc 3h35 phút sáng 23/7/2013 tại một bệnh viện ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông.

1 tuần sau, vào sáng 30/7/2013 anh Đồ đã trở về công ty. Trong thời gian này, ngày 27 và 28/7 là thứ 7 và chủ nhật, nhân viên công ty được nghỉ nên tính ra, anh Đồ chỉ nghỉ 5 ngày.

Khi đi làm trở lại, anh đã bổ sung vào đơn xin nghỉ với nội dung xin nghỉ 5 ngày và được quản lý bộ phận chấp nhận.

Tuy nhiên, việc xin nghỉ của nhân viên này không được Phó Giám đốc hoặc Giám đốc công ty phê chuẩn. Vì thế, ngày 6/8 cùng năm, anh Đồ bị đuổi việc vì lý do nghỉ liên tiếp 5 ngày.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghỉ 5 ngày phải xin trước 1 tuần

Công ty nơi anh Đồ làm việc giải thích rằng, “tổng quản” ngay khi thấy đơn xin nghỉ của anh Đồ vào ngày hôm sau đã lập tức gọi điện cho nhân viên này thông báo rằng thời gian xin nghỉ quá dài, công ty chỉ có thể cho nghỉ 1 ngày.

Quá 3 ngày phải xin tổng giám đốc trước mới được nghỉ, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của công ty.

Trên thực tế, anh Đồ nghỉ liên tiếp 5 ngày (trừ ngày nghỉ cuối tuần) và sau khi quay lại làm việc 3 ngày mới bổ sung đơn xin nghỉ.

Về phía người lao động, anh Đồ giải thích rằng sau khi đi làm trở lại, anh đã lập tức liên hệ với người quản lý giám sát việc hành chính nhân sự của công ty nhưng người này trong 3 ngày liên tiếp không ở công ty nên đến ngày 2/8 anh mới bổ sung đơn xin nghỉ được.

 Không phục trước lý do bị đuổi việc, anh Đồ đã khiếu nại sự việc ra tòa và nhận được phán xét công tâm. (Ảnh minh họa).

Không phục trước lý do bị đuổi việc, anh Đồ đã khiếu nại sự việc ra tòa và nhận được phán xét công tâm. (Ảnh minh họa).

Phán quyết của tòa án

Ngày 21/8, anh Đồ trình bày sự việc này lên Hội đồng trọng tài chuyên giải quyết những tranh chấp trong lao động của địa phương và đơn vị này ra phán quyết cuối cùng, rằng công ty phải bồi thường cho anh Đồ tất cả 2.416 NDT.

Không phục, anh Đồ quyết định đưa việc này ra tòa án nhân dân thị xã Tăng Thành, Quảng Đông. Kết quả phán xét cuối cùng kết luận, việc sa thải anh Đồ của công ty nói trên đã vi phạm “luật hợp đồng lao động”.

Vì thế, công ty này phải bồi thường cho nhân viên bị đuổi việc 78.000 NDT, cùng với hơn 2.000 NDT do Hội đồng trọng tài địa phương phán quyết, tổng số tiền anh Đồ được bồi thường là hơn 80.000 NDT (tương đương 280 triệu đồng).

Dù rất bất mãn và đã khiếu nại phán quyết của tòa án Tăng Thành lên tòa án nhân dân thành phố Quảng Châu song khiếu nại của công ty nói trên đã bị tòa án bác bỏ.

Theo thế giới trẻ


Tin tức mới nhất