Bức ảnh đàn ông Việt tụ tập, ngồi "thất thần" đợi cơm chiều gây bão

Nhanh lên đi chứ, cơm đến giờ này vẫn chưa xong là thế nào? Chúng tôi ngồi hóng mát muốn rã chân, tán dóc đến mỏi miệng rồi đây này.



Chúng tôi - đám đông đang ngồi đây, gồm có ông tôi, bố tôi, chú bác tôi và mấy lão hàng xóm, những người đàn ông sức dài vai rộng đã oằn mình ngồi đợi cơm từ xế chiều đến lúc mặt trời sắp khuất bóng. Gió thổi vù vù lạnh buốt sống lưng, dưới ruộng thì đám muỗi vo ve chực chờ hút máu, đập phát nào phát nấy đỏ lừ. Thế mà ba tiếng đồng hồ chảo thịt kho tàu vẫn chưa chín, nồi canh nước dùng vẫn chưa thơm, là lý làm sao?

1
Một đám đàn ông ngồi ngồi tán dóc đợi cơm.

2
"Muỗi đã chích chúng tôi no máu, cớ sao vẫn chưa có cơm, thưa các bà?"

Cả ngày chúng tôi mệt mỏi kiếm đồng tiền, phải nhậu nhẹt tiếp khách, ca hát ngoại giao để lo chèo chống cái gia đình này. Trách nhiệm nặng nề thế còn gánh được, có vài ba mớ chén dĩa với đống đồ ăn cỏn con lo cho chồng lót dạ mà các cô, các bà, các dì cũng không quán xuyến nỗi. Thế kêu phụ nữ làm gì?

Đàn bà sinh ra là để tề gia nội trợ, suốt kiếp thờ chồng, đẻ đái thì phải lo cho con cái. Đấy là chuyện hiển nhiên, còn than vãn nỗi gì nữa. Bao nhiêu năm nay tay vẫn mau lẹ cơm nước giặt giũ, chân vẫn nhanh nhảu ra ngõ mở cửa đấy thôi. Thế mà mới có mấy năm đổi mới, hiện đại tí đã đòi nổi loạn, vượt mặt chồng. Đừng có mà tha hoá, không thay đổi được gì đâu. Tôi đây dù bận trăm công nghìn việc lớn nhưng vẫn thừa sức dạy vợ, như ba tôi, chú tôi vẫn dạy mẹ tôi, thím tôi, mấy tấm gương sờ sờ trước mặt kia kìa.

3

Nguyên văn câu chuyện "chờ cơm" và thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam được một trang mạng xã hội đăng tải.

Thấy các bà, các chị bịn rịn mồ hôi trong xó bếp, nhăn nhó cầm cây bàn chải chà đống quần áo bẩn thỉu ngoài sàn nước, còng lưng quét từng hạt bụi mỗi ngày cũng tội nghiệp thật. Nhưng đó là chuyện đương nhiên, xưa giờ vẫn vậy. Ông bà tổ tiên làm được mình làm được, ngày xưa nghèo đói lạc hậu vậy mà vẫn đạo đức tiết hạnh sáng ngời, giờ sung sướng quá rồi chả nhẽ lại thua kém.

Mà có vất vả quá thì phải lên tiếng chứ. Đằng này đã chậm chạp, yếu ớt lại còn tập thói ngậm bồ hòn, để xã hội phê phán chúng tôi lười biếng, sa đoạ, không biết yêu vợ thương con. Không nói thì ai biết mà san sẻ, mà hy sinh xoắn tay áo phụ rửa rau chiên cá, mà giơ gót chân vàng ngọc trượng phu ra để đạp giúp đống đồ dơ.

Tôi chưa bao giờ nghe mẹ nào, chị nào há miệng ra nhờ vả, năn nỉ chồng giúp. Chỉ một tiếng “anh ơi phụ em một tay”, “mình ạ em mệt quá, giúp em nhé” ngọt ngào một tí, có khi tôi đỡ đần cho ít phút. Không được vậy cũng phải mềm mỏng, thành tâm, dễ như ăn cháo. Còn cứ cái kiểu đai nghiến, nhạt như nước ốc hay ú ớ như gà mắc tóc thì xác định tự mình xử lý nhé. Vậy còn may mắn đấy, chẳng phải thằng nào cũng cao thượng bỏ qua như thằng này đâu. Vớ phải gã thô lỗ, cọc cằn thì có mà bầm da xéo thịt. Đàn ông là trụ cột, đàn ông có quyền.

4

Nhiều độc giả lắc đầu ngao ngán cho thực trạng bất cập giới tính cũng như sự cam chịu của phụ nữ Việt Nam.

Đã cam chịu thì đừng than vãn, lo mà làm cho tốt nhiệm vụ của mình đi. Bàn chuyện quốc gia đại sự, chính trị thế giới nãy giờ đến gãy cả đầu lưỡi mà vẫn chưa lết xác ra gọi về ăn cơm, có đáng để chửi rủa không chứ. Quả là ông bà tổ tiên dạy đúng, muốn cãi cũng không được, đẻ con trai vẫn tốt hơn. Phải nhanh nhẹn, chiễm chệ ra đường, sánh vai anh hào để dòng họ còn nở mặt nở mày. Đám đàn bà suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, đời nào biết chuyện nhân tình thế thái.

Muốn được bình đẳng, đổi mới như phụ nữ nước ngoài người ta thì trước tiên phải chịu khó "hoạt động miệng". Ai bảo không chịu lên tiếng, ôm hết việc nhà là đúng rồi, kêu ai?!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo Trí thức trẻ


đàn ông Việt Nam bức ảnh Mạng xã hội

Tin tức mới nhất