Buffalo và X-Pro cùng đăng quang tại 'Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội'

(2Sao) - 2 nhóm Buffalo và X-Pro đều giành ngôi vị Quán quân của Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội mùa đầu tiên.

Một sự kiện hi hữu đã diễn ra trong đêm chung kết xếp hạng của Cười Xuyên Việt – Tiếu Lâm Hội khi cả 2 đội chơi xuất sắc nhất chương trình là X-Pro và Buffalo đều giành ngôi vị Quán quân.

Đây là 1 kết quả xứng đáng cho những nỗ lực tuyệt vời của Buffalo và X-Pro trong suốt hành trình gần 4 tháng qua, cũng như cho 2 tiết mục chung kết vô cùng thiêng liêng và cảm xúc, thể hiện tình cảm, sự tự hào của những diễn viên trẻ đối với nền văn hóa nghệ thuật dân tộc, tình nghệ sĩ và tinh thần tôn sư trọng đạo.



Nhóm Buffalo và X-Pro đều giành ngôi vị Quán quân.

Cả 2 nhóm đã khiến cả trường quay không ngăn được những giọt nước mắt vì xúc động và tất cả đã nhiều lần đồng loạt đứng lên để vỗ tay tán thưởng cho tiết mục cống hiến cuối cùng – tiết mục không phải để thi đấu với nhau mà là để tri ân khán giả đã yêu thương mình trong suốt chặng đường của Cười Xuyên Việt – Tiếu Lâm Hội.

Với giải Quán quân, mỗi đội nhận được phần thưởng là 200 triệu đồng. 3 đội chơi còn lại là C.M.V, Chuồn Chuồn Giấy và Đời, mỗi đội nhận được giải thưởng 100 triệu đồng.  

X-Pro viết tiếp “ngoại truyện” hậu Bến Vắng


Tiết mục của X-Pro trong đêm chung kết mang tên “Tình Nghệ Sĩ”, nói về tình cảm thầy trò và đạo đức của những nghệ sĩ trẻ. Đây cũng được xem là ngoại truyện của Bến Vắng – tiết mục thành công nhất của nhóm với lượt xem tính đến hiện nay sau 5 tuần là gần 9 triệu lượt xem trên youtube. 


Các nhân vật trong tiểu phẩm chính là thế hệ sau của các nhân vật trong Bến Vắng, ngoại trừ nhân vật Hữu Tín – người duy nhất còn sống và là người truyền nghề lại cho hậu nhân của những người bạn đã khuất.

Nhờ sự cố gắng không ngừng cũng như vượt qua nhiều thử thách, các học trò của ông đều thành công với nghề, người trở thành diễn viên điện ảnh, người trở thành diễn viên hài, người làm đạo diễn, người theo đuổi nghề hát bội truyền thống của dân tộc…


Trong đó, chỉ duy nhất Dương Cường – người học trò rất tài năng nhưng lại bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng nên đã đánh mất bản thân. Tuy nhiên, sau những thất bại, Dương Cường đã nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình và tìm về với Thầy của mình để hối lỗi. Và anh đã nhận được sự tha thứ từ Thầy và những huynh đệ.


Tiết mục kết thúc trong không khí linh thiêng của ngày cúng Tổ sân khấu với màn rước kiệu Tổ vô cùng trang nghiêm. Tất cả các nghệ sĩ đã vô cùng xúc động và rơi nước mắt cũng như đứng lên khi chiếc kiệu Tổ được đưa lên sân khấu. Các thành viên X-Pro ngay sau đó tiếp tục mang đến cho khán giả những hình ảnh vô cùng ấn tượng là đánh trống lửa, màn đu dây đánh trống.


Tiết mục nhận được điểm tuyệt đối từ cả 2 hội đồng giám khảo và ban bình luận.

Sự trở về đầy thuyết phục của Buffalo

Tiếp tục kiên trì với thể loại nhạc kịch kết hợp với hài, tiết mục của nhóm Buffalo là “Tôi sẽ trở về”. Đây là câu chuyện về một gia đình người Việt giàu có. Khi ở Việt Nam người vợ là một đào hát cải lương có tiếng, do vợ chồng cãi nhau, người chồng đưa hai con sang Mỹ định cư từ nhỏ.

Sau đó, người vợ mất đi, người cha luôn mong muốn có cơ hội đưa hai con về Việt Nam, đặc biệt là đứa con gái út để cô có những ký ức về truyền thống quê nhà, tuy nhiên chưa kịp thực hiện ý định thì ông cũng qua đời.


Trong khi người anh đặc biệt yêu thích truyền thống quê hương thì cô em gái do lớn lên trong nền văn hóa phương Tây nên cô chỉ thích những ngôi sao thời thượng, những điệu nhảy hiện đại. Hai anh em thường xuyên xảy ra cãi vã vì sự khác biệt sở thích và văn hóa. Người dì luôn phải đứng giữa phân xử và dạy dỗ hai anh em về văn hóa Việt Nam.


 Vào ngày giỗ cha giữa mùa đông tuyết rơi, người anh trai và người dì đã tổ chức đám giỗ cho người cha, mời cả một đoàn hát là các du học sinh về trình diễn những loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Bội và cải lương cho cô em gái xem.

Trong lúc chờ đợi tuyết ngưng rơi ra về, nhóm du học sinh này đã phát hiện ra một căn phòng bí mật. Đó chính là căn phòng thờ được thiết kế với những bụi tre, ruộng lúa, với những chiếc gáo dừa, đôi guốc mộc… như ở Việt Nam giữa mùa đông tuyết rơi lạnh giá của ở Washington.
 

Đây là món quà người anh trai và người dì đã tự tay trồng để thực hiện mong muốn của người cha và tạo bất ngờ cho cô em gái nhưng cô cũng không hiểu điều gì.

Chỉ đến khi gặp nhóm du học sinh, nghe kể về quê nhà, thưởng thức những âm thanh của động ruộng, những lời hát mộc mạc, ăn bữa cơm quê nhà cô em gái mới cảm nhận được những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và mong muốn trở về quê hương.


Không chỉ đưa những ca khúc ngọt ngào, những điệu múa đặc trưng các vùng miền vào tiểu phẩm, nhóm Buffalo đã tự sáng tạo nhạc cụ để trình diễn từ những vận liệu đơn giản và gần gũi nhất với người dân Việt Nam như gáo dừa, ống đũa, khúc tre, cái thúng, guốc mộc... kết hợp làm nền nhạc cho bài hát “Ôi quê tôi”.


Tiết mục đã mang đến cho khán giả cảm giác ngọt ngào và xúc động. Đặc biệt hơn, với tiết mục này, Buffalo lại một lần nữa cho thấy nhóm nhạc kịch của anh không quá “Tây” như mọi người nghĩ mà nhóm còn thể làm những tiết mục đậm chất dân tộc, hồn quê, vẫn gần gũi, thân thuộc với khán.

Tiết mục cũng nhận được điểm tuyệt đối từ cả 2 hội đồng.

Đ.S
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất