Cách phân biệt trúng gió và đột quỵ đáng giá cả mạng người

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của nạn nhân ngay lập tức. Tuy nhiên, triệu chứng của đột quỵ khá giống với “trúng gió” khiến cho nhiều người hoang mang và không có biện pháp cứu chữa kịp thời.



Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Đột quỵ và trúng gió

Đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột do nhồi máu não (tắc mạch, nghẽn mạch máu) hay chảy máu não (vỡ mạch máu), giết chết các tế bào thần kinh, làm cho nạn nhân tử vong hoặc mang di chứng suốt đời. Nạn nhân đột quỵ cần được sơ cứu, chữa trị kịp thời vì mỗi phút chậm trễ có thể giết chết 1,9 triệu tế bào thần kinh.

Còn “trúng gió” là từ chỉ tình trạng cơ thể bất ngờ bị cảm lạnh mỗi khi thay đổi thời tiết và cảm thấy uể oải, mệt mỏi, buồn nôn. (Tây Y gọi là cảm lạnh)

Triệu chứng của đột quỵ và trúng gió có nhiều điểm giống nhau như nạn nhân thấy nhức đầu, xây xẩm mặt mày, chóng mặt hoặc nặng hơn là méo mồm, liệt chi. Điều này đã khiến cho nhiều người khó phân biệt, dẫn đến chậm trễ trong việc sơ cứu, chữa trị gây hậu quả đáng tiếc.

Mỗi phút chậm trễ có thể giết chết 1,9 triệu tế bào thần kinh.

Cách phân biệt triệu chứng trúng gió và đột quỵ

Theo PGS-TS Vũ Anh Nhị, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là tốc độ diễn ra các triệu chứng.

Các triệu chứng trúng gió thường đến chậm hơn, người bệnh có thể cảm nhận mức độ và vùng bị trúng gió như vai, cổ. Bệnh nhân có thể gặp vài triệu chứng nặng như méo miệng, tê run, liệt bán thân....nhưng vẫn khả năng nhận biết, không bị hôn mê hoặc ói mửa trong lúc hôn mê.

Còn đột quỵ xảy đến rất nhanh với các triệu chứng rõ rệt như đột nhiên tê liệt, đi loạng choạng té ngã, giảm thị lực, mất khả năng ngôn ngữ, không phối hợp vận động, mất nhận thức hoặc chìm vào trạng thái hôn mê. 

Khi đã có những dấu hiệu này có nghĩa là máu không đi nuôi não được, người bệnh cần đặt nằm nghỉ trên giường với đầu cao nhẹ và nhanh chóng gọi xe cấp cứu, đưa tới bệnh viện gần nhất trước khi quá muộn. Hãy nhớ rằng với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là mạng sống.

Cũng theo PGS-TS Vũ Anh Nhị, không như trúng gió, chúng ta tuyệt đối không nên “xoa dầu, cạo gió, bế thốc dậy” ở người đột quỵ vì dễ dẫn đến tình trạng nặng nề hơn.

Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu nhanh nhất có thể.

Tóm tắt các dấu hiệu đột quỵ dễ nhận biết

- Mặt thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. 
- Tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Các chức năng vận động bị ảnh hưởng.
- Nói ngọng bất thường hoặc mất khả năng ngôn ngữ.
- Bệnh nhân mất nhận thức, có dấu hiệu rối loạn thần kinh, tai ù, không nghe rõ.
- Người bệnh cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là triệu chứng phổ biến với những bệnh nhân có tiền sử đau nửa đầu.

Lời kết

Đột quỵ thật sự là nỗi ám ảnh của nhiều người và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Nếu may mắn qua khỏi, người bệnh cũng phải gánh chịu di chứng nặng nề. Theo thống kê cho thấy 1/3 số người bị đột quỵ sau đó bị liệt nửa người. Đến 1/5 số bệnh nhân bị mất tiếng nói sau tai biến.

Chế độ ăn nhiều rau xanh, ít cholesterol là một trong những cách hữu hiệu phòng tránh Z
đột quỵ.

Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta cần có chế độ ăn uống nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối, tập thể dục điều độ, hạn chế làm việc quá sức hoặc luôn trong trạng thái stress hoặc suy nghĩ quá nhiều. Với những người đã mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cần theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên, sống lành mạnh và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Đại Đoàn Kết


Tin tức mới nhất