Căn bệnh tưởng lành tính nhưng có thể khiến bạn bị ung thư

Viêm dạ dày mạn tính có thể tiến dần đến các chứng bệnh nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, loét dạ dày, ung thư dạ dày...

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp, trong đó lớp niêm mạc của dạ dày bị viêm có thể kèm xuất huyết niêm mạc.

Nếu tình trạng viêm loét dạ dày có tính chất tạm thời được gọi là viêm dạ dày cấp tính. Nhưng nếu hiện tượng này diễn ra từ từ và tồn tại trong thời gian dài thì được gọi là viêm dạ dày mạn tính.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ viêm dạ dày mạn tính rất cao, chiếm khoảng 50% dân số, trong đó viêm dạ dày mạn tính do HP chiếm khoảng 95%.

Ở Việt Nam, viêm dạ dày mạn tính là bệnh khá phổ biến trong nhân dân, chiếm khoảng 31- 65% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa trên, trong đó tỷ lệ nhiễm HP chiếm 63- 94,8%.

Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 40-49 tuổi, tiếp theo là nhóm 30 - 39 tuổi, sau đó là nhóm 50 - 59 tuổi.

Tỷ lệ nhiễm HP trong viêm dạ dày mạn tính là 53,33%.

Bệnh viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Hơn nữa, căn bệnh này có tỷ lên tái phát sau điều trị rất cao

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm dạ dày mạn tính có thể tiến dần đến các chứng bệnh nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, loét dạ dày, ung thư dạ dày...


1. Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mạn tính:

Thủ phạm chính gây bệnh viêm dạ dày là vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP) với tỷ lệ 95% số ca viêm dạ dày mạn tính có chứa loại vi khuẩn này.

Người bị viêm dạ dày mạn tính do HP thường không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng mà thường chỉ thấy đau bụng vùng thượng vị (trên rốn, khi ăn no), ợ hơi, ợ chua hay nôn, buồn nôn...

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mạn tính gồm rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống và tâm lý. Các nhà khoa học đã thống kê những tác nhân có thể dẫn đến bệnh viêm dạ dày mạn tính như sau:

- Viêm dạ dày mạn tính có thể bắt nguồn từ chứng viêm dạ dày cấp tính nhưng không được điều trị đúng cách và triệt để dẫn đến chuyển sang mạn tính.

- Thói quen uống rượu, hút thuốc lá, uống cà phê đặc lâu ngày khiến cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương.

- Tình trạng ăn uống không điều độ, đúng giờ, không nhai kỹ thức ăn, ăn đồ ăn quá nóng...

- Ăn nhiều thức ăn có nhiễm chất độc hóa học, ăn nhiều gia vị chua cay...

- Tình trạng dùng thuốc bừa bãi: Một số loại thuốc gây kích thích niêm mạc dạ dày như Salicylat, Aspirin, thuốc lợi tiểu có thủy ngân... nếu không được sự chỉ định của bác sĩ mà tự ý dùng có thể gây tổn thương dẫn đến viêm dạ dày mạn tính.

- Hậu quả của một số căn bệnh nhiễm trùng mủ ở miệng, cổ họng như bệnh viêm mủ chân răng, viêm amidan gốc mủ, viêm mủ xoang hàm... cũng có thể gây nên viêm dạ dày mạn tính.

- Hậu quả của một số bệnh lý ở các cơ quan tiêu hóa khác như viêm gan, viêm ruột non, viêm đại tràng, táo bón... cũng có thể dẫn đến viêm loét dạ dày mạn tính.

- Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu chất đạm và các loại vitamin như B12, vitamin C, vitamin PP, axit folic... có thể dẫn đến đau dạ dày mạn tính.

- Yếu tố tâm lý căng thẳng gây ảnh hưởng đến cơ quan thần kinh khiến cho phản xạ điều hòa chức năng của dạ dày hoạt động không tốt cũng là yếu tố quan trọng gây ra căn bệnh này.

2. Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm dạ dày mạn tính:

Như đã nói, bệnh viêm dạ dày mạn tính không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh mà còn có nguy cơ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm sau:

- Hẹp môn vị: Viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến tình trạng đau bụng và nôn ói rất dữ dội, thậm chí nôn ra thức ăn của ngày hôm trước, có mùi hôi thối, đó chính là chứng hẹp môn vị.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ đau thượng vị nhiều hơn, lúc đau lâm râm, lúc đau dữ hội do thức ăn và dịch vị dạ dày bị ứ đọng, khi nằm đau nhiều hơn khi ngồi.

Người bệnh có khi bị nôn nhiều gây mất nước và điện giải, cảm giác thèm ăn nhưng không dám ăn nhiều dẫn đến suy nhược cơ thể trầm trọng.

- Xuất huyết tiêu hóa: Đây là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hóa. Người bệnh có thể nôn ra máu, đi cầu phân có máu đỏ hoặc phân đen.

Nếu là loét hành tá tràng gây chảy máu thì rất nguy hiểm vì chảy máu tá tràng rất ồ ạt cần cấp cứu kịp thời.

- Thủng dạ dày: Một số bệnh nhân bị loét ngầm nên không có những triệu chứng như đau bụng hoặc đau rất ít, rồi đột ngột bị thủng dạ dày. Khi bị thủng dạ dày, bệnh nhân đột ngột có cơn đau dữ dội như dao đâm.

Nếu thủng dạ dày mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc (màng bụng) gây sốc và có thể tử vong.

- Ung thư dạ dày: Nếu vị trí viêm dạ dày mạn tính xảy ra ở bờ môi cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc viêm loét hang vị không được điều trị triệt để có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày là một dạng ung thư thường gặp, chiếm vị trí hàng đầu trong các ung thư đường tiêu hóa.

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất