Cảnh báo loại rượu gây ngộ độc trong vòng 30 phút sau uống

Nếu sử dụng rượu methanol có thể gây các triệu chứng nhiễm độc trong vòng 30 phút sau khi uống (hoặc muộn hơn) tùy thuộc vào số lượng rượu mà bệnh nhân uống.

Trong khoảng thời gian cuối năm, với những đợt nghỉ lễ, Tết kéo dài cũng là thời điểm xảy ra nhiều các ca ngộ độc do uống quá nhiều rượu bia, hoặc uống rượu bia không đảm bảo.

Suýt tử vong vì ngộ độc rượu

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.H ( nam, 49 tuổi, địa chỉ ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), đã phải cấp cứu tại BV Bạch Mai vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 với lý do hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp (nhưng không điều trị) và sỏi thận.

Được biết, cách ngày vào viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân uống rượu với số lượng nhiều và uống nhiều lần. Khoảng 17 giờ chiều trước hôm vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhìn mờ, nhìn mờ tăng dần, và nhanh chóng rối loạn ý thức. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An trong tình trạng hôn mê sâu, thở nhanh sâu, đồng tử hai bên giãn đều 5 mm... Sau đó bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ là hôn mê gan, và chuyển ra Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Qua khám xét, đánh giá và trên cơ sở các kết quả xét nghiệm mà bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã làm, y bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 đã nghĩ ngay đến tình trạng ngộ độc rượu (ngộ độc Methanol). Xét nghiệm định lượng Methanol máu, có kết quả sau vài giờ, là 107 mg/dl.

Với tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử hai bên, toan chuyển hóa nặng nề... bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Ngay sau khi nghĩ tới bệnh nhân bị ngộ độc Methanol, y bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân bằng Natri bicarbonat 4,2% truyền tĩnh mạch, lọc máu liên tục...

Không chỉ có vậy, việc sử dụng quá nhiều rượu bia trong những ngày nghỉ dài ngày cũng là gia tăng tình trạng mất an toàn và tai nạn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 1 đến 3/1 (nghỉ Tết dương lịch), riêng đường bộ đã xảy ra 121 vụ tai nạn giao thông làm chết 62 người, bị thương 94 người, trong số đó, đa số vụ tai nạn do sử dụng rượu bia.

 canh bao loai ruou gay ngo doc trong vong 30 phut sau uong - 1

Bác sĩ đang khám cấp cứu cho một bệnh nhân hôn mê tại Khoa cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai.

Rượu methanol gây ngộ độc trong vòng 30 phút

Trước tình trạng sử dụng quá nhiều rượu bia trong dịp nghỉ Tết, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) quan ngại: “Thực tế trong dịp Tết Âm lịch năm 2015 không hề có ca ngộ độc thực phẩm nào.

Tuy nhiên, số ca nhập viện và ngộ độc do uống rượu thì vẫn còn. Đây là vấn đề nan giải cần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân để hạn chế việc sử dụng rượu, bia. Nhất là những loại rượu không nguồn gốc, xuất xứ, không tem, không nhãn mác”.

Theo các chuyên gia, loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều loại rượu có độc tính rất cao như rượu methanol. Đây chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vụ ngộ độc rượu, trong đó có cả những vụ ngộ tập thể. Bởi, methanol có nhiều ứng dụng khác nhau trong công nghiệp như dùng làm sơn, để lau chùi véc ni, dùng làm dung môi... và tuyệt đối không được sử dụng methanol làm rượu thực phẩm.

ThS. BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống.

Thông thường có hai giai đoạn đó là: Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.

Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Một số biểu hiện khi bị ngộ độc rượu:

- Thần kinh: lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

- Mắt: lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...).

Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc.

Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

- Dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu (kiểu thở kussmaul), huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở.

Theo Eva/ khám phá


Tin tức mới nhất