Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ những ngày cuối tháng 7

Do mưa nhiều nên từ nay đến 31/7, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Theo tin tức từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, tiếp tục từ chiều và đêm nay (28/07) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Khu vực Đồng Bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa to, có nơi mưa rất to. Đợt mưa này có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.

Do mưa nhiều nên từ nay đến ngày 31/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện lũ, với biên độ lũ lên trên các sông như sau: trên thượng lưu sông Đà, sông Thao từ 3-4m, thượng lưu sông Thái Bình từ 3-5m, hạ lưu sông Thái Bình từ 1-2m; thượng lưu sông Lô từ 3-5m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao ở mức BĐ2-BĐ3, thượng lưu sông Lô ở mức BĐ1-BĐ2, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) khả năng lên mức BĐ3.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An.


Cảnh báo lũ quét trong những ngày tới ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ảnh minh họa

Trước tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngày hôm qua (27/7), Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở thêm một cửa xả đáy theo chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để giảm thiểu ảnh hưởng và thiệt hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ, lũ quét.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống người dân.

Trước đó, tổng hợp từ các địa phương, tính đến 20 giờ ngày 26/7, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 78 sự cố, tăng 18 sự cố so với báo cáo ngày 25/7.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 12/286 hồ chứa lớn đầy nước, trong đó (Sơn La 2, Phú Thọ 1, Bắc Giang 3, Quảng Ninh 1, Lạng Sơn 1, Ninh Bình 1, Hòa Bình 3), số hồ còn lại đạt 45 - 75% dung tích thiết kế.

Mực nước thấp hơn mức nước dâng bình thường từ 2 - 4 m; 778/2.699 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 60 - 80% dung tích thiết kế. Mực nước thấp hơn mức nước dâng bình thường từ 1 - 3 m; 138 hồ chứa xung yếu (Hà Giang 6, Cao Bằng 4, Lào Cai 5, Yên Bái 12, Tuyên Quang 11, Bắc Kạn 6, Thái Nguyên 9, Lạng Sơn 8, Quảng Ninh 9, Sơn La 8, Phú Thọ 9, Vĩnh Phúc 7, Bắc Giang 9, Hải Dương 5, Hòa Bình 20, Ninh Bình 6).

Theo Zing


sạt lở đất Dự Báo Thời Tiết lũ lụt

Tin tức mới nhất