Câu chuyện "chèn ép show" bị phơi bày, đã đến lúc rung hồi chuông báo động về sự cạnh tranh không lành mạnh trong Vbiz?

Chỉ trong vòng một tháng, nhiều câu chuyện nghệ sĩ lên tiếng phẫn nộ về việc chèn ép show, "danh sách đen" của các bên tổ chức… khiến mọi người băn khoăn về góc khuất cạnh tranh không lành mạnh đang tồn tại trong môi trường showbiz.



Nhiều người trong nghề vẫn thường nhận định showbiz Việt bản chất không khác gì một xã hội thu nhỏ bên ngoài. Nghĩa là bên cạnh những bề nổi hào nhoáng mà công chúng nghĩ họ vẫn biết hết, vẫn luôn tồn tại những góc khuất đầy cạnh tranh và bon chen mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu tường tận nhất. Thế nhưng vì quyền lợi, hình ảnh và vị trí của mình, đa phần họ chọn cách im lặng.

Nghệ sĩ đứng ngoài im lặng vì họ không liên quan. Nghệ sĩ là "nạn nhân" im lặng vì cho rằng nếu có lên tiếng thì phần thiệt cũng hướng về mình. Đó là lý do góc nhìn này bị giữ im lặng trong bóng tối như một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chính người trong cuộc lại lên tiếng tố cáo về các trường hợp chèn ép show mà họ đang chịu đựng.

Dùng quyền lực tác động lên người khác để khẳng định vị trí

Cuối tháng 10, Trang Pháp đăng tải trên trang cá nhân dòng trạng thái khá dài, bày tỏ sự bức xúc về việc cô không được hát ca khúc "We Don't Talk Anymore" trong một chương trình ca nhạc diễn chung với Sơn Tùng M-TP chỉ vì nam ca sĩ sẽ hát bài "Chúng ta không thuộc về nhau". Yêu cầu lạ lùng này được quản lý của Sơn Tùng đưa ra sau khi biết danh sách bài Trang Pháp biểu diễn có ca khúc "We Don't Talk Anymore", dù phía họ là người xác nhận biểu diễn sau, còn danh sách bài hát đã được Trang Pháp gửi cho nhà sản xuất từ trước đó.

Câu chuyện chèn ép show bị phơi bày, đã đến lúc rung hồi chuông báo động về sự cạnh tranh không lành mạnh trong Vbiz? - Ảnh 1.
Mâu thuẫn của Trang Pháp và phía quản lý Sơn Tùng M-TP nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Theo lời nữ ca sĩ, phía tổ chức chương trình đã "lật lại", đưa ra yêu cầu: để Trang Pháp có thể biểu diễn ca khúc "We Don’t Talk Anymore" thì đòi hỏi phải có giấy tờ chứng minh sự cho phép của tác giả nước ngoài. Điều này vô tình đưa cô vào thế buộc phải đổi bài vì chỉ còn một ngày sau là đến đêm diễn. Sau đó, Trang Pháp đã quyết định rút tên khỏi danh sách ca sĩ biểu diễn trong đêm nhạc và chấp nhận đền bù hợp đồng 300%. Những bức xúc này khiến người ngoài cuộc liên tưởng đến một cuộc chiến chèn ép, hạch sách giữ các đồng nghiệp với nhau, để âm thầm đảm bảo quyền lợi riêng và khẳng định cái tôi.

Việc chèn ép show diễn cũng xuất hiện khi mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công ty cũ xảy ra trục trặc. Đó là lúc quản lý từ phía công ty chứng tỏ sức ảnh hưởng của họ bằng việc "dằn mặt", chi phối lên các chương trình, dự án mà nghệ sĩ cũ của họ tham gia. Trường hợp này có thể thấy qua một số lời tố cáo về việc tước vai diễn, hủy lịch diễn... từ những ca sĩ trẻ hướng đến một đàn chị trong nghề cách đây vài năm. Sau sự việc, người ta càng nhìn rõ ra được, một đàn anh, đàn chị có tên tuổi trong showbiz chỉ cần một "đòn tấn công" đơn giản bằng lời nói là có thể gạt tên đàn em mà họ không ưa ra khỏi một chương trình nào đó.

Và điều này tiếp tục tái diễn ở giới chân dài trong những ngày qua, trước tiết lộc sốc về việc hàng loạt cái tên người mẫu bị chèn ép, cấm diễn tại các sự kiện lớn, tiêu biểu như Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam như: Lê Thúy, Kha Mỹ Vân, Cao Thiên Trang, Thùy Dương, Hằng Nguyễn, Lê Thanh Thảo…

Những chân dài này cũng đã xác nhận việc họ bị cấm diễn tại tuần lễ thời trang nói trên mặc dù các nhà thiết kể yêu cầu mời riêng họ biểu diễn nhưng vẫn không được nhà tổ chức đồng ý, với lý do đơn giả là… ghét. Theo lời người mẫu Lê Thúy chia sẻ trên trang cá nhân, cô không biết lý do cấm diễn là gì, có thể đó là lý do cá nhân, hoặc cũng có thể cô nằm trong danh sách chân dài dám lên tiếng đòi quyền lợi cho người mẫu tránh bị ép giá.

Cùng thời điểm, cựu người mẫu Xuân Lan cũng lên tiếng bênh vực Kiki Lê – chân dài được chọn đại điện Việt Nam tham gia "Asia’s Next Top Model 2017". Cô thẳng thắn nói về việc học trò của mình bị công ty sản xuất "Vietnam’s Next Top Model" - đồng thời quản lý loạt chân dài trong làng mốt - chèn ép, hù dọa bởi những ràng buộc không có giá trị pháp lý, bắt chân dài này phải dự thi dưới danh nghĩa của họ mà theo lời Xuân Lan thì sự thật lại không phải vậy. Người mẫu Cao Thiên Trang không lâu sau đó cũng đăng dòng chia sẻ khá dài đồng tình với lời "tố" của Xuân Lan và chỉ ra một số luận điểm để làm rõ sự chèn ép của phía công ty này đến các người mẫu.

Hàng loạt lời tố cáo bất ngờ từ những thành phần trong làng mốt, trong đó có cả người mẫu từng hoạt động lâu năm cho thấy, còn rất nhiều sự nhẫn nhịn, cam chịu để đổi lấy sự yên ổn làm nghề đằng sau các mối quan hệ tưởng chừng êm thắm, vẫn chưa được tiết lộ.

Câu chuyện chèn ép show bị phơi bày, đã đến lúc rung hồi chuông báo động về sự cạnh tranh không lành mạnh trong Vbiz? - Ảnh 2.
Xuân Lan tố BTC "Vietnam's Next Top Model" chèn ép, hù dọa người mẫu.

Vị trí xuất hiện của hàng loạt nghệ sĩ xuất hiện trong một chương trình cũng là cách họ khẳng định mình có là vedette hay không. Ví dụ trong một show thời trang, nhiều người mẫu quan điểm tên của họ phải xuất hiện ở hai vị trí: hoặc là mở màn, hoặc kết màn để xứng tầm đẳng cấp và nhận được nhiều sự chú ý hơn hết. Hay việc phải diện một trang phục đặc biệt nhất trong bộ sưu tập cũng nằm trong yêu cầu để một chân dài có danh tiếng nhận show diễn.

Lan Khuê và Minh Tú cũng từng vướng phải tranh cãi về vấn đề này trong một chương trình thời trang hồi cuối tháng 10. Theo như sắp xếp ban đầu thì siêu mẫu Minh Tú được trình diễn ở vị trí kết show, nhưng đến sát giờ diễn thì trang phục, vị trí vedette của Minh Tú lại bị tráo đổi cho Lan Khuê. Điều này khiến Minh Tú lên tiếng bức xúc trên mạng xã hội, cho rằng vị Huấn luyện viên The Face muốn giành vị trí quan trọng của mình. Sau đó, Lan Khuê đã nhẹ nhàng giải thích bên dưới phần bình luận, sự thay đổi này là ý của khách hàng và đạo diễn chương trình, chứ cô hoàn toàn không can thiệp.

Sự việc khiến khán giả và nhiều người trong nghề xôn xao, bày tỏ quan điểm riêng. Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cho rằng, là người mẫu, quan trọng nhất vẫn là truyền tải được tinh thần của trang phục đến khách hàng, chứ không phải thứ hạng "ảo" trong show diễn. Như cách làm việc của các siêu mẫu hàng đầu thế giới: Họ luôn tự tin tỏa sáng nhất dù là ở vị trí nào. Đây cũng là tư duy làm việc của Hoàng Thùy – Quán quân "Vietnam’s Next Top Model 2011". Cô cho biết, bài học đầu tiên cô dạy cho lớp người mẫu trẻ đó là phải làm tốt dù ở vị trí đầu, giữa hay cuối. Nếu cạnh tranh, quá soi xét mãi vấn đề này thì show diễn, chương trình chung không bao giờ có thể thành công được.


Minh Tú nhận nhiều ý kiến trái chiều khi lên tiếng bài tỏ "thái độ" với Lan Khuê vì cho rằng mình bị
cướp vị trí vedette.

Một ca sĩ bày tỏ quan điểm: "Khi biểu diễn trong một chương trình, ai cũng muốn được sắp xếp ở vị trí xuất hiện tốt nhất, đẹp nhất. Theo tôi thấy, đây cũng là điều đơn giản, dễ hiểu và quá quen thuộc trong showbiz rồi. Họ bỏ nhiều công sức, nỗ lực để có được sự nổi tiếng thì chính họ cũng được có những yêu cầu về vị trí diễn mà theo họ cảm thấy là phù hợp. Tuy nhiên những hạch sách, yêu cầu thế nào tốt nhất cứ nên nói thẳng thắn từ đầu, để cho những người trong cuộc còn có sự dàn xếp ổn thỏa, tránh tình trạng nói xấu, chơi xấu sau lưng".

Ở bất cứ một môi trường làm việc nào, quy luật cạnh tranh luôn tồn tại để giúp mọi người ý thức hơn về sự phát triển của vị trí và công việc của họ, và dĩ nhiên chuyện "cá lớn nuốt cá bé" là điều không quá lạ lẫm. Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc quá ảo tưởng về vị trí mà mình đang đứng, để rồi đưa ra những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh thì có khi "chiêu trò" ích kỷ mà người nghệ sĩ đó vạch ra lại tác động ngược, gây ra sự tổn thất cho chính họ. Danh tiếng, vị trí mà khán giả mang lại cho một người nghệ sĩ là để giúp họ có thêm cơ hội phát triển hơn với nghề, chứ hoàn toàn không phải dùng nó để hạ bệ người khác chỉ vì sự đố kỵ cá nhân

Theo Trí Thức Trẻ


chèn ép show câu chuyện vbiz

Tin tức mới nhất