Chủ tịch FPT Software nói gì về việc "chửi" các sếp "dốt"?

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ lại câu chuyện lớn tiếng "chửi" các sếp "dốt" tại cuộc họp.

 Chủ tịch FPT Software nói gì về việc chửi các sếp dốt? - Ảnh 1.
Ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh từ trang cá nhân.

Cách đây 20 năm, sau khi "chửi" sếp, thay vì bị sa thải, người nhân viên này đã được giao một dự án quan trọng và hiện nay, nhân viên bình thường ấy đã trở thành Chủ tịch HĐQT của một công ty con của Tập đoàn FPT với vài nghìn người và vẫn dưới trướng của vị sếp năm nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software xác nhận, mình chính là người nhân viên đã dám đứng lên "chửi" sếp năm đó và ông Tiến gọi đó là khi ông còn là "sửu nhi".

Theo lời chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, khi đó là vào năm 1994, ông mới vào làm tại công ty FPT được khoảng 6 tháng.

Lúc đó, FPT có tổ chức một cuộc họp bàn về việc phát triển một dự án phân phối lớn của tập đoàn. Trưởng phòng kinh doanh đi vắng nên ông được cử đi thay.

Thông thường, khi đi họp thay thì nhân viên chỉ ghi chép và về báo cáo với lãnh đạo. Nhưng trong buổi hôm ấy, sau một hồi nghe các lãnh đạo gồm cả Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bàn về chiến lược phát triển dự án, ông Tiến đã lớn tiếng mắng các sếp "dốt".

"Lúc đó, tôi còn là "sửu nhi" nên sau một hồi nghe các lãnh đạo nói tôi cũng buột miệng nói câu đó. Mọi người thích câu mắng sếp đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì khác gì câu chửi thề ngoài đường..."
, ông Tiến kể.

Theo ông Tiến, sau khi ông nói xong câu mắng đó, cả phòng họp im lặng. Ông Trương Gia Bình cũng hơi giật mình nhưng quay sang hỏi nhẹ: “Chú nói anh dốt thì chú có làm được không?”.

Vào thế "đâm lao phải theo lao", không còn đường lùi, ông Tiến đã gật đầu và nhấn mạnh "tất nhiên làm được".

Và ông đã cho toàn bộ lãnh đạo FPT thấy khả năng của mình trong lĩnh vực phân phối, khi mọi người đang bế tắc, khiến tất cả nhất tề đưa ông lên vị trí Trưởng phòng Kinh doanh Công ty dù còn rất trẻ (26 tuổi).

Khi được hỏi, lúc nói xong câu mắng sếp "dốt" đó, ông có lo sợ điều gì không?, ông Tiến khẳng định, ông không hề lo sợ và sau khi nhấn mạnh làm được, ông cũng chỉ nghĩ, nếu không được thì bị đuổi việc là cùng.

Ông Tiến thông tin thêm, không chỉ hỏi, sau cuộc họp đó, ông Trương Gia Bình cùng các lãnh đạo khác của FPT đã giúp đỡ ông rất nhiều.

"Cũng may việc không quá khó, tôi làm không tệ, chứ không chả ai nhớ đến câu mắng lúc đó", ông Tiến chia sẻ thêm.

Cũng theo đó, đỉnh cao phân phối của FPT là vào năm 2008, khi FDC và FMB chiếm đến 72% doanh thu, 40% lợi nhuận của Tập đoàn này.

Từ câu chuyện của mình ông Tiến cũng nêu ra bài học cho nhân viên của FPT đó là dám nói thẳng và là lãnh đạo cần phải biết lắng nghe cùng sự bao dung.

"Ở FPT có 6 chữ: Tôn Đổi Đồng. Chí Gương Sáng. Chữ đầu tiên là Tôn - tôn trọng: không phải là cấp dưới tôn trọng cấp trên... mà là: tôn trọng sự khác biệt của mọi người.

Trong đó, nhấn mạnh tôn trọng sự nghĩ khác, nói khác, làm khác của cấp dưới", ông Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, theo bà Lương Thanh Bình, Trưởng phòng Truyền thông FPT Software thì yếu tố tôn trọng cá nhân - một trong những điểm nổi bật của triết lý hiền tài, được đưa ra nhằm xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng cho FPT.

Trong đó, tôn trọng 3 yếu tố: Nói thẳng, Lắng nghe và Bao dung.

“Với FPT, bạn được quyền nói ý kiến của mình, mặc dù ý kiến đấy khác với ý kiến của lãnh đạo, khác với ý kiến chung của tập thể. Và khi bạn nói thẳng bạn vẫn được người khác Lắng nghe. Đây là điều rất quan trọng”,
bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình: “Nếu bạn nói thẳng vài lần mà không được ai lắng nghe, bạn sẽ không nói thẳng nữa. Và khi Lắng nghe, cần lắm sự Bao dung.

Tức, kể cả bạn nói sai, hay nói không đúng với những gì mọi người, nhất là người lãnh đạo đang nghĩ, thì cũng được chấp nhận”.



Theo Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất