Chuyện cô hiệu trưởng "không biết tuốt" và sự hung hãn của anh hùng bàn phím

Một cô hiệu trưởng không thể hiện được sự xuất sắc như kỳ vọng của đám đông trong một show truyền hình trở thành đối tượng “ngược đãi” của những anh hùng bàn phím.

=Mạng xã hội, điện thoại thông minh càng phát triển càng trở thành một phần “thiết yếu”, “không thể thiếu nổi” trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Chúng ta nghiện điện thoại thông minh, nghiện Facebook bởi những tiện ích giải trí của nó, vì sự lan tỏa nhanh chóng và dễ “buôn chuyện” của nó; và cũng vì, đằng sau nó là cả một thế giới ẩn danh và không có giới hạn.

Cũng bởi thế, nhiều người trong chúng ta, dễ dàng trở thành những “dì ghẻ”, “con Cám”, những anh hùng bàn phím trên mạng xã hội, mà chẳng phải chịu trách nhiệm gì ghê gớm (vì cùng lắm, ta xóa bài viết, xóa bình luận, block cái đứa khiến ta ngứa mắt là xong), và sự ngược đãi, xử sự tàn ác với người khác bằng lời nói có cơ hội để lan nhanh như gió trên mạng xã hội. Một ai đó tự dưng làm ta cảm thấy không ưa, một bức ảnh xấu xí mà chủ nhân đăng tải với niềm tự tin thái quá, một tư tưởng khác biệt, đi ngược lại với số đông … tất cả đều có thể nhanh chóng trở thành chủ đề để những anh hùng bàn phím chê bai, dè bỉu, bàn tán, thậm chí thóa mạ, sỉ nhục thậm tệ với một thái độ vô cùng hung hãn.


anh hùng bàn phím
Có ai từng nghĩ, miệt thị người khác trên mạng xã hội cũng là một hành động
ngược đãi không?


Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ “điên cuồng” đoạn trích chương trình Ai là triệu phú phát sóng hôm 14/6, trong đó, người chơi là cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Ninh (Phú Thọ). Chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi trên chiếc ghế nóng của chương trình truyền hình ăn khách này, cô giáo đã nhanh chóng nổi tiếng và trở thành đối tượng chế giễu, bỉ bai, cười chê của hàng nghìn, hàng vạn “cư dân mạng” – những kẻ giấu mặt. Chỉ trả lời trót lọt được 7 câu hỏi và quyết định dừng cuộc chơi ở câu số 8 để bảo toàn số tiền thưởng 10 triệu đồng, nhưng cô giáo này đã dùng đến 4 sự trợ giúp của chương trình, với những câu hỏi, mà theo nhiều người là “kiến thức cơ bản, phổ thông”, không có gì đánh đố người chơi.

Những lời bình luận đầy tính mỉa mai kiểu như: “Một cô hiệu trưởng mà lại không biết Coco Chanel là ai! Cứ cho là cô không phải là loại ăn diện thời trang nên không biết, thế cũng tạm chấp nhận; đằng này, cô, mang tiếng là giáo viên dạy tiếng Việt mà không nhớ lời cả bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính, bảo rằng mình thần tượng và thuộc nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn mà khẳng định chắc nịch chưa từng nghe tác phẩm nào của Trịnh Công Sơn có tựa đề “Còn tuổi nào cho em” thì tôi cũng thấy lạ cho cái sự thần tượng của cô. Đã thế, một câu hỏi về địa lý cô cũng gà mờ, phải nhờ đến sự trợ giúp của hai đồng nghiệp (mà cô là sếp của họ) và một sinh viên năm nhất mới vượt qua được! Vậy có thể hiểu cô quản lý, dạy dỗ học sinh cái gì ở trường của cô rồi đấy!”.

Hay: “Cô giáo có mấy chục năm kinh nghiệm, kiến thức, lại là hiệu trưởng, khoe rằng mình đã từng đến nhiều nơi trên đất nước nhưng chưa từng nghe đến địa danh Nghĩa trang Hàng Dương và không biết nó ở đâu thì thua cô rồi ạ! Bởi cái kiến thức ấy nó nằm trong chính giáo trình của bậc giáo dục tiểu học là cái nơi cô đang làm hiệu trưởng, nó chính là cái kiến thức mà hàng ngày cô đang cùng các đồng nghiệp của mình truyền đạt lại cho học trò. Học sinh cấp 1 cũng biết, Nghĩa trang Hàng Dương là nơi anh hùng Võ Thị Sáu nằm xuống, vậy mà cô không biết, cô dời địa điểm nổi tiếng này từ Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) sang Quảng Trị thì cũng thật lạ đời và cao siêu!”… tràn ngập trên mạng xã hội, thậm chí người ta còn mỉa mai về việc cô hiệu trưởng có kiến thức “hổng trầm trọng” này được làm hiệu trưởng, và tỏ ra lo ngại cho “thế hệ các mầm non đất nước sẽ được dạy dỗ ở trường này”… 

anh hùng bàn phím
Chỉ sau vài phút trên tivi, cô hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh lẻ bỗng trở thành đối tượng bị chỉ trích thậm tệ trên mạng.

Không chỉ hung hãn tấn công dựa trên những câu trả lời và phần chơi “ấn tượng” của cô giáo, những anh hùng bàn phím còn vin vào lời cô tự giới thiệu về mình trước đó để mắng nhiếc cô, đương nhiên là trên mạng ảo, một cách thậm tệ. Số là, trước khi chương trình bắt đầu, cô hiệu trưởng có lẽ đã hơi hồn nhiên khi khoe rằng mình là thạc sĩ, thường giật nhiều giải nhất và “ít nhì” trong các cuộc thi kiến thức, chuyên môn từ bậc tiểu học đến cao học. Chưa kể, cô còn vui miệng “khai” rằng mình không thích và rất ít khi làm việc lặt vặt trong nhà, và đã có ông xã đảm nhiệm chính. Cách giới thiệu này đã khiến không ít dân mạng nóng mắt, cho rằng cô quá khoe khoang, không khiêm nhường, thậm chí là kiêu ngạo, vì việc liệt kê bảng thành tích dài dằng dặc chứng tỏ cô có một vốn kiến thức và chuyên môn đáng gờm (trong khi phần thi trong Ai là triệu phú lại dở tệ); và cô thực sự là một phụ nữ… ngược đời, tinh tướng, mang cả thói quen làm sếp ở cơ quan về để “đàn áp” chồng, ra vẻ ta đây đã giỏi việc nước thì không cần đảm việc nhà nữa chăng?...

Ô hay, các anh hùng bàn phím kể ra ghê gớm chẳng khác nào câu nói cửa miệng của cớm Mỹ trước khi còng tay tội phạm: “Anh/chị có quyền giữ im lặng. Mọi lời nói của anh/chị sẽ có thể là bằng chứng chống lại anh/chị trước tòa”; giờ thì chúng ta có thể nói câu tương tự, nhưng là “Mọi lời nói, hành động, mọi status và bài post của anh/chị trước truyền thông hay Facebook sẽ có thể được chụp ảnh màn hình và sử dụng làm bằng chứng chống lại anh/chị”. Chỉ với vài phút hớ lời trên ti vi, trong một chương trình giải trí, cô giáo hiệu trưởng nọ bỗng trở thành người bị ngược đãi, bị bạo hành bằng những lời lẽ độc ác trên mạng xã hội.

Mà chuyện cô bị “ném đá”, bị chế giễu cũng… lãng xẹt chẳng khác nào người ta dễ dàng chửi bới một người giàu có chụp ảnh đang mua sắm hàng hiệu, cho cún cưng đi spa là kẻ vô cảm, lạnh lùng với nỗi đau của đồng loại (ý là dân còn đang đói khổ, ai cho phép người giàu được hưởng thụ, tiền ấy phải đem ra làm từ thiện mới phải), người ta dễ dàng thóa mạ một cô gái là “con giáp thứ 13”, là thứ đàn bà trắc nết, chỉ cần "nghe đồn" cô ấy đang yêu một người đàn ông mà cô mới chỉ vừa biết là đã có gia đình (chưa biết ai là nạn nhân trong câu chuyện này); dễ dàng trù dập một ai đó là kẻ ngu muội, dở hơi, “thần kinh giẫm phải đinh” nếu người đó có phát ngôn khác với đám đông đang hùa theo một hướng nghĩ… Kiến thức là vô cùng, không ai có thể "biết tuốt", dù đó là giáo sư hay 1 hiệu trưởng. Nhưng hễ thấy ai trót bộ lộ ra điểm yếu của mình, mà ở đây - trong mắt cộng đồng mạng - là sự "ngu dốt, thiếu hiểu biết, không xứng làm hiệu trưởng", thì đám đông xung quanh, đã chờ sẵn như những còn kền kền, nhảy vào xâu xé, hả hê khi "quật ngã" được nạn nhân.

Điều lạ của dân mạng, đó là, có lẽ, vì chẳng có giới hạn, rào cản nào ngăn họ tấn công người khác bằng lời nói, họ nấp sau bàn phím mà nói, có thể chỉ để cho sướng miệng mình, để mua vui, nhưng với những nạn nhân, đó là sự bạo hành và ngược đãi. Lạ hơn nữa, những dòng chữ nặng nề khủng khiếp, những lời chửi bới bao giờ cũng đông đúc và hung hãn hơn hẳn những lời cảm thông. Tệ hơn, những ai thốt lên lời cảm thông cũng sẽ bị coi là “cùng một giuộc” với đối tượng mà cư dân mạng đang chỉ trích.

anh hùng bàn phím
Những anh hùng bàn phím ngày càng đông và hung hãn.


Hãy thử xem các bình luận dưới một post về chuyện đánh ghen chẳng hạn, bạn sẽ thấy, ngập ngụa trong đó là những ngôn từ mà đến việc đọc nó còn khiến nhiều người thấy ghê tởm hướng vào cô bồ, và những sự cổ vũ hung hãn cho bạo lực. Ai đó nhỡ miệng bênh, hoặc chỉ trích hành động này, thế là cả đám đông “ào ào như sôi” sẽ nhảy xổ vào mắng cho một trận tối mắt tối mũi. Hoặc mới nhất, dưới những lời bênh cô giáo tội nghiệp kia trên khắp các diễn đàn, rằng đó chỉ là cuộc chơi với áp lực sân khấu, máy quay mà không phải ai cũng giữ được bình tĩnh, rằng kiến thức là vô biên, chẳng phải ai cũng nhớ hết những gì mình từng đọc, rằng chuyện việc nhà là thỏa thuận riêng trong mỗi gia đình, không có quy định nào bắt phụ nữ phải thích và chăm làm việc nhà… sẽ là hàng loạt những lời mắng nhiếc đanh đá…

Những lời nói, những dòng chữ tưởng như vô cảm khi bàn tay gõ tách tách trên máy, với những cư dân mạng hung hãn ấy, hôm nay có thể chỉ để cho vui, để tán gẫu một chút trên mạng ảo, nhưng với những nạn nhân của nó, lại có sức nặng “nghìn cân”, như dao nhọn, như súng đạn, khiến họ bị thương tổn nặng nề về tinh thần. Cô hiệu trưởng đã bảo, cô bị mất ngủ, đã sốc nhiều khi đọc những lời nhận xét, soi mói, nghi ngờ mình từ những người xa lạ. Rồi những ngày tới, cô sẽ đối diện với đồng nghiệp, với học trò ra sao, khi những lời thóa mạ, những bình luận đầy ác ý về cô vẫn tràn ngập trên mạng xã hội, và cô, từ một giáo viên kín tiếng của một trường học ở tỉnh lẻ, bỗng chốc biến thành trò cười, thành hình tượng của một trí thức với “kiến thức phập phù”, “kiêu ngạo” và một người đàn bà “lười biếng, đẩy việc cho chồng”? Cô ấy không phải là nạn nhân duy nhất, và chắc chắn, chưa phải người cuối cùng, trong thế giới ảo đầy rẫy những nhà “đạo đức học Facebook”, những “anh hùng bàn phím” mà chúng ta đang sống. Một ngày nào đó, chính ta cũng có thể là nạn nhân!

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất