Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính

Come out chưa từng là một lựa chọn dễ dàng với người đồng tính. Ngoài những căng thẳng của chính họ, thái độ của người đời càng khiến việc công khai nặng nề hơn.

Đầu tháng 4 vừa qua, ca sĩ Lynk Lee gây chú ý khi công khai chuyển giới từ nam sang nữ. Quyết định come out khiến nữ ca sĩ thực sự được sống cuộc đời mà mình mong muốn.

“Ngày xưa Lynk không được làm chính mình. Đó là hình ảnh mà tôi buộc phải gồng lên. Giờ tôi không muốn sống mãi mãi trong cái vỏ bọc đó nữa. Đây mới chính là Lynk”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Lynk Lee hạnh phúc với con người mới của mình bất chấp điều tiếng của dư luận và những bình luận xúc phạm nặng nề của cư dân mạng vẫn nhắm vào cô.

Trên thực tế, công khai giới tính chưa bao giờ là điều dễ dàng với những người thuộc cộng đồng LGBT. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm lớn, bởi rất nhiều “sóng gió” đến từ lúc cả trước và khi thực hiện.

Come out không chỉ là một lần duy nhất

Trái với suy nghĩ thông thường của số đông, việc come out ở người đồng tính không diễn ra một lần duy nhất trong đời. Tùy từng đối tượng, những người đồng tính sẽ phải chọn lựa đúng thời điểm để tiết lộ giới tính thật.

Ví dụ, bạn chọn công khai giới tính tại nơi làm việc với những người đồng nghiệp. Lần khác, bạn giải thích với người con gái rằng con bé có đến hai người bố hay nói với con trai bạn rằng mẹ từng là đàn ông trước khi chuyển giới. Cứ thế, chuyện tiết lộ có thể lặp lại nhiều lần.

Theo Trung tâm Tư vấn của Đại học Washington (Mỹ), come out là cả một quá trình hiểu, chấp nhận và tôn trọng giới tính của chính bản thân, lẫn quyết định công khai với những người khác.

Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính-1
Với người đồng tính, quyết định come out hiếm khi dễ dàng.

Tùy từng người, việc công khai có thể đến sớm hay muộn và xảy đến theo nhiều cách khác nhau, vào các thời điểm riêng biệt. Một số phát hiện ra thiên hướng tình dục của mình từ sớm, trong khi có những người phải mất nhiều năm mới nhận ra.

Ngoài ra, nhiều cá nhân có thể cảm thấy thoải mái cởi mở với một số người nhất định, không phải với tất cả. Ví dụ, họ có thể công khai với gia đình nhưng che giấu tại nơi làm việc, hay tiết lộ con người thật với bạn bè nhưng lại giấu giếm người thân.

Và tất yếu, các cá nhân LGBT sẽ phải đối mặt với vô số yếu tố gây căng thẳng khi nghĩ đến chuyện công khai giới tính.

Hàng loạt câu hỏi sẽ thường xuyên xuất hiện, bủa vây: “Liệu họ có hiểu?”, “Liệu mọi người có đối xử với tôi như lúc trước?”, “Liệu người bạn ấy có phán xét và cả tức giận?”, “Liệu cha mẹ có quay lưng”, “Liệu tôi có mất việc vì chuyện này”.

Những áp lực này thường đẩy người đồng tính vào cảm giác cô đơn, mất kết nối, buồn bã hay xấu hổ. Theo thống kê, chính những điều này là nguyên nhân khiến giới LGBT có khả năng gặp phải các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần cao gấp 3 lần so với những người khác.

Và vì không phải come out chỉ duy nhất một lần trong đời, các cảm giác lo lắng, căng thẳng này hoàn toàn có thể lặp lại về sau.

Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính-2
Trái với suy nghĩ của số đông, việc come out ở người đồng tính có thể diễn ra nhiều lần, tại các thời điểm khác nhau trong đời.

Theo nhiều nghiên cứu, việc công khai bản dạng giới (gender identity) và xu hướng tình dục (sexual orientation) đóng vai trò quan trọng, giúp những người thuộc cộng đồng LGBT sống hạnh phúc, cởi mở và trọn vẹn hơn, giúp các mối quan hệ tốt hơn, sức khỏe tinh thần và tâm lý cũng được cải thiện nhiều lên.

Ngược lại, những người phải che giấu bản ngã thật có thể đối mặt với cảm giác căng thẳng, bị cô lập, tự làm hại bản thân hay lạm dụng chất gây nghiện.

Quyết định công khai cũng cần nhiều sự dũng cảm, bởi dù thế nào đi chăng nữa, vẫn sẽ luôn tồn tại thái độ không thích, nặng hơn là kỳ thị, ghét bỏ từ người xung quanh.

Dù nhiều quốc gia có cái nhìn cởi mở với vấn đề đồng tính và còn ban hành các luật chống phân biệt đối xử, đồng thời hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, thái độ tiêu cực với cộng đồng LGBT chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.

Tình hình còn tồi tệ hơn tại các quốc gia mang tư tưởng cực đoan, bảo thủ. Come out hay bị phát hiện là người đồng tính đều có thể dẫn đến một kết cục là phán quyết tử hình từ chính quyền. Nói cách khác, đồng tính bị hình sự hóa và người đồng tính phải bị trừng phạt.

Điều này đồng nghĩa với việc, thể hiện cho mọi người biết giới tính thật của mình cũng chính là đẩy bản thân vào vòng nguy hiểm.

Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính-3
Tại những nơi coi đồng tính là tội lỗi, việc công khai giới tính thật đồng nghĩa đẩy bản thân vào xa lánh, kỳ thị và cả nguy hiểm.

“Chúng ta sống trong thế giới với suy nghĩ của nhiều người rằng mỗi người đều thuộc về giới tính đúng như lúc họ được sinh ra và chỉ nên có tình cảm với người khác giới.

Nhưng thực tế phức tạp hơn vậy, theo nghiên cứu của YouGov năm 2015, 50% số người tham gia thừa nhận họ không ‘thẳng’ hoàn toàn”, Elizabeth McDermott, Giảng viên tại Đại học Lancaster (Anh) giải thích trong bài viết Why it’s often still so difficult to be out and proud (Tạm dịch: Tại sao vẫn còn quá khó để công khai và tự hào về giới tính của mình).

Cẩn thận khi nhắc đến hai chữ "đồng tính"

Thực tế, theo khảo sát của hai nhà tâm lý học John Pachankis và Richard Branstrom tại Hiệp hội tâm lý Mỹ ở 28 nước, việc come out phụ thuộc vào việc người đó đang sống trong môi trường có cởi mở với cộng đồng LGBT+ hay không.

Nếu thấu hiểu các định nghĩa về giới tính, sẽ không ai vội vàng thốt ra câu nói đầy định kiến: “Cha mẹ sinh sao thì sống vậy đi”. Thay vào đó, điều nên làm là tôn trọng bản dạng giới và xu hướng tình dục thật của bản thân.

Việc châm biếm, cười cợt trên thân thể của người khác chưa bao giờ được gọi là niềm vui. Mỗi bình luận ác ý, chế giễu về giới tính lại đẩy người nghe đến gần hơn với suy nghĩ tiêu cực.

Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính-4
Cụm từ "đồng tính" khi bị đi kèm với những tin tức tiêu cực dễ khiến ác cảm của mọi người về cộng đồng LGBT tăng lên.

Dù vô tình hay cố ý, cân nhắc từ ngữ khi nhắc đến cộng đồng người LGBT là điều cần làm để tránh chuyện ngôn từ gây sát thương và khiến số đông có cái nhìn hiểu lầm.

Hồi tháng 5, cộng đồng LGBT trở thành đối tượng bị “ném đá” vì bị coi là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc.

Hôm 1/5, người đàn ông 29 tuổi đã đến khu phố Itaewon (Seoul) để vui chơi cuối tuần. Sau đó, hàng loạt ca nhiễm mới xuất hiện, thông tin điều tra cho thấy các địa điểm đều là các quán bar dành riêng cho người đồng tính nam.

Điều đáng nói, cụm từ “đồng tính”, “quán bar đồng tính nam” được nhiều phương tiện truyền thông tại Hàn Quốc đề cập ngay trong tiêu đề bài báo. Kukmin Ilbo, một tờ báo địa phương đã xuất bản một bài viết miêu tả về thế giới bên trong các câu lạc bộ này ngay sau đó.

Nhiều người chỉ trích việc nhắc đến các bệnh nhân mới là người đồng giới khiến họ nhận phải sự phân biệt đối xử từ những người xung quanh. Mặt khác, việc công khai chi tiết những ai từng ghé qua các bar đồng tính có thể làm cộng đồng LGBT bị đổ lỗi, khiến họ lo sợ và cố tình lẩn trốn.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 10/5, Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh: "Ít nhất là theo quan điểm kiểm dịch, việc tố cáo một cộng đồng nhất định không đem lại lợi ích gì. Nếu việc trốn tránh các xét nghiệm chẩn đoán có liên quan đến nỗi sợ bị chỉ trích, kỳ thị, tất cả chúng ta đều sẽ phải gánh chịu hậu quả".

Theo Zing


lynk lee cộng đồng LGBT người đồng tính

Tin tức mới nhất