Công dụng quý của lá trầu không không nhiều người biết

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng có tới 5 trong số loại trầu không có đặc tính chống viêm. Các nhà khoa học Ấn Độ kỳ vọng sẽ sớm sản xuất thuốc chống viêm từ lá trầu không.

Các nhà khoa học của Trường Đại học Calcutta và Viện hóa sinh Ấn Độ đã nghiên cứu 9 giống trầu không để xác định loại nào đặc tính kháng viêm.

Là một phần của văn hóa thực phẩm Ấn Độ, lá trầu không vốn được xem có nhiều đặc tính dược liệu và tác dụng điều trị bệnh.

"Thông thường mọi người nghĩ tất cả các loại trầu không đều tốt cho sức khỏe, nhưng không biết rằng một số giống có thể gây hại nếu ăn trong một thời gian dài”, Ena Ray Banerjee, chuyên viên Phòng thí nghiệm của Trường Đại học Calcutta cho biết.

Tại Hội nghị “Sinh học tái sinh và không biên giới" diễn ra vào ngày 31.1 vừa qua, ông Banerjee đã trình bày công trình nghiên cứu này và cho biết lá trầu không sẽ mở ra hướng phát triển loại thuốc chống viêm mới.

“Trong 9 loại trầu không được nghiên cứu, có 5 loại cho thấy đặc tính chống viêm, 1 loại có xu hướng gây viêm và 3 loại không thấy biểu hiện nào liên quan đến chống viêm”, ông Banerjee trả lời với các phóng viên bên lề hội nghị.

Tình trạng viêm, đau nhức hay sưng là những phản ứng miễn dịch quan trọng và những sản phẩm tự nhiên từ lá trầu xanh có khả năng chống viêm và ngăn ngừa bệnh.

Banerjee cho biết nghiên cứu này cũng tìm ra ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến đặc tính chống viêm của lá trầu không.

“Thổ dưỡng, khí hậu và lịch sử canh tác ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cũng như đặc tính của các loại trầu không”.

Trong y học cổ truyền Ấn Độ, lá trầu còn được biết đến như một chất thơm, chất khử trùng và thậm chí tăng cường ham muốn tình dục.

Các nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng cho thấy trầu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong 100g lá trầu chứa tới 2,4% tinh dầu.

Các thành phần chính trong trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli … và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế IARC công bố danh sách 116 nguyên nhân được coi là làm tăng khả năng gây ra ung thư, trong đó việc ăn trầu cau.

Theo đó, ung thư hốc miệng do nhai trầu là một trong những ung thư thường gặp ở các nước châu Á. Ung thư hốc miệng phổ biến hàng thứ 5 trên thế giới.

Hàng năm ước tính có 390.000 trường hợp ung thư hầu họng. Ở Ấn Độ, mỗi năm phát hiện thêm 75.000-80.000 trường hợp ung thư hốc miệng, nhiều nhất thế giới.

Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo không nên nhai trầu, đặc biệt là không kết hợp với thuốc lào.

Theo Soha/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất