Cú ngã ngựa đắt giá của 'vua hài' Hong Kong

MV "Vẻ đẹp 4.0" của Hồ Ngọc Hà lấy cảm hứng từ "Tân vua hài kịch", đây là bộ phim thất bại về mặt doanh thu của Châu Tinh Trì và được xem là cú ngã ngựa của vua hài Hong Kong.

Tân vua hài kịch là câu chuyện về một cô gái tên Như Mộng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nuôi giấc mộng trở thành ngôi sao. Dù trải qua nhiều năm đóng vai nhỏ, vai quần chúng và bị đối xử thậm tệ ở phim trường, cô vẫn quyết không từ bỏ giấc mơ của mình.

Với tác phẩm này, vua hài Châu Tinh Trì đóng vai trò đạo diễn và biên kịch. Bộ phim nặng về châm biếm những vấn đề tồn tại trong giới làm phim Hoa ngữ. Song, nhiều yếu tố tỏ ra còn cũ kỹ. Tinh gia đã đặt một ván cược vào Tân vua hài kịch nhưng kết quả nhận được lại là một sự thất bại đáng tiếc.

Cú ngã ngựa của vua hài Hong Kong tại phòng vé Tết

Mùa Tết năm 2019 có thể nói là thời điểm ảm đạm đối với Châu Tinh Trì. Ra quân vào ngày 5/2 (tức mùng 1 Tết), dù được kỳ vọng mang lại doanh thu cao, Tân vua hài kịch chỉ về đích với 40,2 triệu USD doanh thu ngày đầu tiên. Bom tấn của Tinh gia ngậm ngùi xếp sau Crazy Alien, Peagsus. Kết thúc thời gian phát hành, Tân vua hài kịch dừng chân với tổng số tiền kiếm được là hơn 92 triệu USD. 

Cú ngã ngựa đắt giá của vua hài Hong Kong-1
Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì đã phải chịu thua nhiều bom tấn Tết khác như Crazy Alien, Peagsus, Lưu lạc địa cầu với doanh thu ảm đạm.

Đặt lên bàn cân so sánh với nhiều bộ phim Tết khác của Châu Tinh Trì từ năm 2013 cho đến nay, con số mà Tân vua hài kịch thu về rõ ràng là một thành tích khiêm tốn. Năm 2013, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 1 mang về cho vua hài Hong Kong 215 triệu USD. Năm 2016, bom tấn Mỹ nhân ngư thành công vang dội với doanh thu 553 triệu USD. Một năm sau đó, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 tiếp nối hào quang phòng vé của Tinh gia bằng 246 triệu USD doanh thu.

Hiện tại, trên trang chấm điểm Douban, Tân vua hài kịch chỉ giành được số điểm 5.7 với 292.587 lượt đánh giá. Có đến hơn 70% khán giả chấm cho tác phẩm của Châu Tinh Trì từ một đến ba sao. “Không có tình tiết mới, vẫn là phim như được xào nấu từ kịch bản cũ. Tôi đã kỳ vọng để rồi thất vọng” là bình luận nổi bật nhận được hơn 4.000 lượt thích trên Douban.

Cú ngã ngựa đắt giá của vua hài Hong Kong-2
Bom tấn của Châu Tinh Trì bị chê không có gì mới mẻ, khó ngấm, khó hiểu.

Tờ Sohu nhận định Tân vua hài kịch là một bộ phim gây tranh cãi với phần bình luận của khán giả phân hóa rõ rệt. Một bộ phận người hâm mộ khen ngợi không hổ danh là Tinh gia. Số còn lại chê bai Châu Tinh Trì “rang lại cơm nguội” (ám chỉ là theo lối mòn, không mới mẻ) và cho rằng Tân vua hài kịch là một bộ phim khó ngấm.

Trên thực tế, đây không phải là một tác phẩm dở hoàn toàn. Tờ Sohu vẫn nhận xét Tân vua hài kịch là một bộ phim hài sâu sắc. Tuy nhiên, nếu xét về mặt doanh thu và danh tiếng tại phòng vé Tết, Tân vua hài kịch là một cú ngã ngựa đau điếng của Châu Tinh Trì.

Cú ngã ngựa đắt giá của vua hài Hong Kong-3
Châu Tinh Trì từng thẳng thắn thừa nhận Tân vua hài kịch thất bại trên đường đua phim Tết 2019. 

Bản thân Tinh gia trong một buổi họp báo vào hồi đầu tháng 2 năm nay cũng đã thừa nhận bộ phim Tân vua hài kịch của ông thất bại trong cuộc chiến phim Tết vừa rồi. Đồng thời, ông mô tả “điện ảnh Trung Quốc có một vua hài mới”, phản ánh một cuộc đổi ngôi thực sự của thị trường phim Hoa ngữ.

Lý do Tân vua hài kịch đuối sức trên đường đua phim Tết

Châu Tinh Trì là người “đẻ” ra khái niệm “vua hài kịch” của điện ảnh Hoa ngữ nhờ bộ phim cùng tên rất thành công năm 1999. Thế nhưng cuối cùng ông lại trở thành kẻ ngã ngựa khi muốn xây dựng một “Tân vua hài kịch” trong cuộc đua mùa phim Tết năm 2019.

Bộ phim trên của Châu Tinh Trì có chất lượng tầm trung. Nếu coi đây là một tác phẩm độc lập về thân phận của những kẻ yếu thế trong ngành công nghiệp điện ảnh vô tình và khắc nghiệt hiện nay thì Tân vua hài kịch là một bộ phim khá hay. Bom tấn của Tinh gia đã vẽ nên một bức tranh rất đầy đủ, đa diện về những vấn đề tiêu cực đang tồn tại trong giới phim ảnh nói riêng, xã hội Trung Quốc nói chung.

Thông qua tác phẩm đó, Châu Tinh Trì công khai chỉ trích lối làm phim “rác” rẻ tiền, chỉ chạy theo doanh thu bằng những chi tiết câu khách rẻ mạt mà không quan tâm đến chất lượng chuyên môn cần thiết, đặc biệt là trào lưu làm phim hài Tết.

Cú ngã ngựa đắt giá của vua hài Hong Kong-4
Tân vua hài kịch đã phơi bày góc khuất của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. 

Ẩn ý lớn hơn của Tân vua hài kịch - được minh họa trong cao trào - là cuộc đời giống hệt một phim trường khổng lồ. Những tráo trở, lường gạt, lối sống giả tạo của người xung quanh khiến đời sống của nhân vật Như Mộng còn kịch tính hơn các bộ phim mà cô tham gia. Một người luôn say mê nghiệp diễn như cô lại chẳng thể dò ra "diễn xuất" tài tình của kẻ mà mình đặt trọn niềm tin.

Nếu được nhìn nhận như một bộ phim độc lập như vậy thì rõ ràng Tân vua hài kịch là một tác phẩm ý nghĩa và sâu sắc. Thế nhưng nếu coi đây là phần tiếp theo của một bộ phim kinh điển từng làm nên tên tuổi của Tinh Gia thì Tân vua hài kịch lại thiếu đi sự đột phá và sáng tạo. Kịch bản mỏng, tình tiết cũ kỹ là những yếu tố khiến bom tấn của Châu Tinh Trì có nét giống với vô vàn tác phẩm đại trà, kém nổi bật khác trên thị trường cũng khai thác đề tài người trẻ dám ước mơ và cống hiến hết mình vì đam mê.

Việc lựa chọn một diễn viên nữ vô danh như Ngạc Tĩnh Văn đóng vai chính Như Mộng - linh hồn của bộ phim là một sai lầm của Châu Tinh Trì. Như Mộng có thể nói là một vai diễn “đo ni đóng giày” cho Ngạc Tĩnh Văn, bởi hoàn cảnh của cô ngoài đời thực gần như tương đồng với chính bản thân nhân vật, từ ngoại hình, tuổi tác đến hoàn cảnh sự nghiệp.

Cú ngã ngựa đắt giá của vua hài Hong Kong-5
Nhân vật chính Như Mộng - linh hồn của Tân vua hài kịch mờ nhạt, không có khả năng lôi kéo khán giả chìm đắm vào bộ phim. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là bản thân nhân vật Như Mộng lại không sở hữu sự hấp dẫn, thu hút cần thiết để gánh vác cả bộ phim. Không hề nổi bật từ ngoại hình cho đến cá tính, Như Mộng là mẫu nhân vật gần gũi, đời thường, có tính chân thực cao. Cũng bởi vậy mà cô khá mờ nhạt, khó có thể dẫn dắt khán giả tập trung theo dõi hành trình hoàn thiện giấc mơ của mình cho dù Ngạc Tĩnh Văn có nhập vai tốt đến thế nào.

Hơn nữa, khán giả vốn quen thuộc với những “nàng thơ” trong phim của Châu Tinh Trì. Đó là những mỹ nhân sở hữu vẻ đẹp trong sáng, thoát tục như Trương Mẫn, Trương Bá Chi, Lâm Duẫn hay có khí chất thông minh, hài hước, quyến rũ như Lâm Thanh Hà, Thư Kỳ, Triệu Vy, Viên Vịnh Nghi…

Họ khó có thể chấp nhận một nữ diễn viên có ngoại hình kém nổi bật như Ngạc Tĩnh Văn. Trong khi đó, Vương Bảo Cường chỉ đóng một vai phụ và vai diễn của anh cũng không thực sự hay. Việc thiếu một ngôi sao lớn đủ sức gánh cả bộ phim như Châu Tinh Trì trong phiên bản năm 1999 là thất bại có thể nhìn thấy rõ trong phiên bản 2019.

Một nguyên nhân khác dẫn đến cú ngã ngựa đau điếng của Châu Tinh Trì là do sự xuất hiện của những “tân vua hài kịch” khác. Họ mang đến những tác phẩm sáng tạo, đột phá, hợp thời thế hơn, dẫn đến một cuộc đổi ngôi thực sự của điện ảnh Hoa ngữ.

Theo Zing


Châu Tinh Trì

Tin tức mới nhất